Sáng 6/1, UBND tỉnh Nghệ An tổ chức họp báo về tình hình kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh năm 2022. Các đồng chí: Bùi Đình Long - Phó Chủ tịch UBND tỉnh; Nguyễn Bá Hảo - Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông chủ trì.
Toàn cảnh buổi họp báo về tình hình kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh năm 2022. Ảnh: Phạm Bằng |
Thu ngân sách nhà nước đạt 21.805 tỷ đồng
Năm 2022, tỉnh đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức nhưng tình hình kinh tế - xã hội năm 2022 đã đạt được kết quả tích cực, toàn diện trên nhiều lĩnh vực. Đến hết năm 2022, có 27/28 chỉ tiêu chủ yếu đạt và vượt kế hoạch đề ra. Trong đó, tốc độ tăng trưởng GRDP tăng 9,08%, đứng thứ 2 khu vực Bắc Trung Bộ và đứng thứ 22 cả nước.
Thu ngân sách nhà nước đạt 21.805 tỷ đồng, vượt 45,2% so với dự toán HĐND tỉnh giao, là năm đầu tiên vượt mốc 20.000 tỷ đồng. Kim ngạch xuất khẩu ước đạt 2,49 tỷ USD. Toàn tỉnh dự kiến có 309/411 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 9 đơn vị cấp huyện hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới.
Lãnh đạo HĐND tỉnh, các sở, ban, ngành tham dự buổi họp báo. Ảnh: Phạm Bằng |
Điểm nổi bật nhất trong phát triển kinh tế của Nghệ An là kết quả thu hút đầu tư. So với các năm trước, kết quả thu hút đầu tư trong năm 2022 đã có sự chuyển biến tích cực, tăng cả về quy mô, số lượng và chất lượng dự án, nhất là các dự án FDI. Năm 2022, tổng số vốn đầu tư cấp mới và tăng thêm đạt hơn 45.7640 tỷ đồng, tăng 3,74% so với cùng kỳ năm 2021.
Đặc biệt, lần đầu tiên Nghệ An lọt vào nhóm 10 địa phương thu hút vốn FDI cao nhất cả nước với tổng vốn đăng ký 961,3 triệu USD. Lũy kế đến nay, Nghệ An đã thu hút được 115 dự án FDI thuộc 14 quốc gia, vùng lãnh thổ với tổng số vốn đăng ký gần 2,5 tỷ USD.
Ông Nguyễn Văn Trường - Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư báo cáo kết quả phát triển kinh tế - xã hội năm 2022, nhiệm vụ năm 2023. Ảnh: Phạm Bằng |
Tỉnh cũng đã tập trung thực hiện và cơ bản hoàn thành các nhiệm vụ chính trị quan trọng, như: Các nội dung trình Ban Chỉ đạo Trung ương phục vụ tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 26 của Bộ Chính trị; Hoàn thành công tác thẩm định Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, hiện đang hoàn thiện trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Bên cạnh đó, các lĩnh vực văn hóa - xã hội trên địa bàn tỉnh tiếp tục phát triển, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được nâng lên rõ nét. Quốc phòng, an ninh được bảo đảm vững chắc; trật tự an toàn xã hội được giữ vững, tạo sự ổn định cho phát triển kinh tế - xã hội. Tỉnh đã tổ chức thành công diễn tập Khu vực phòng thủ và Phòng thủ dân sự.
Năm 2023, Nghệ An đặt mục tiêu tăng trưởng GRDP của năm 2023 từ 9-10%; thu ngân sách 15.857 tỷ đồng; tổng kim ngạch xuất khẩu 2,870 tỷ USD. Để thực hiện thắng lợi kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023, UBND tỉnh đề ra 12 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu.
Nhà báo Bá Thăng - Trưởng đại diện Đài Truyền hình kỹ thuật số VTC tại Nghệ An phát biểu tại buổi họp báo. Ảnh: Phạm Bằng |
Tại buổi họp báo, đại diện các cơ quan báo chí đã nêu câu hỏi, đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành đã trả lời các ý kiến xung quanh công tác chi trả bồi thường, giải phóng mặt bằng Dự án nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 1A; Kết quả kiểm tra của đoàn kiểm tra về công tác quản lý nhà nước về khoáng sản; Quan điểm của tỉnh trong việc xử lý sai phạm tại Dự án nuôi cá rô phi Isreal công nghệ cao tại xã Hưng Mỹ, huyện Hưng Nguyên.
Bên cạnh đó, các nhà báo, phóng viên còn đề nghị tỉnh làm rõ giải pháp ngăn chặn tình trạng vi phạm về pháo nổ trái phép trong dịp Tết Nguyên đán 2023; giải quyết chế độ cho đội trẻ của CLB Sông Lam Nghệ An; cung cấp thông tin xung quanh việc sập giàn giáo tại 1 công trình ở phường Hà Huy Tập (TP. Vinh); trách nhiệm thực hiện quy chế phát ngôn tại các sở, ban, ngành; kết quả xác minh thu nhập, tài sản của cán bộ, công chức; bất cập trong quy hoạch rừng phòng hộ, rừng đặc dụng...
Ông Chu Anh Tuấn - Phó Giám đốc Sở Xây dựng trả lời, làm rõ câu hỏi của các nhà báo. Ảnh: Phạm Bằng |
Mong các cơ quan báo chí đồng hành tích cực với tỉnh
Kết luận buổi họp báo, đồng chí Bùi Đình Long - Phó Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh, để có được những kết quả kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh trong năm 2022 có vai trò quan trọng, sự đóng góp tích cực của các cơ quan báo chí.
Tuy nhiên, trong hoạt động báo chí vẫn còn những tồn tại, cần khắc phục. Đó là sự vào cuộc, đồng hành của một số cơ quan báo chí với các hoạt động của tỉnh còn chưa quyết liệt; một số phóng viên đưa thông tin chưa được kiểm chứng lên mạng xã hội; một số trường hợp cấp giấy giới thiệu chưa đúng quy định.
Đồng chí Bùi Đình Long - Phó Chủ tịch UBND tỉnh kết luận buổi họp báo. Ảnh: Phạm Bằng |
Trong thời gian tới, thay mặt lãnh đạo tỉnh, đồng chí Bùi Đình Long mong muốn các cơ quan báo chí tiếp tục phản ánh các vấn đề trên địa bàn tỉnh một cách nhanh, trung thực, khách quan, định hướng dư luận hiệu quả. Các cơ quan báo chí cũng cần quan tâm tuyên truyền việc triển khai các Nghị quyết của Trung ương, tỉnh; kết quả phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh năm 2022 và triển khai nhiệm vụ của năm 2023.
Mặt khác, các cơ quan báo chí cần cập nhật nhanh hơn tình hình thời tiết, các phương án đảm bảo sản xuất; tuyên truyền các nhiệm vụ trọng tâm trước, trong và sau Tết Nguyên đán liên quan đến phòng, chống pháo nổ trái phép; chăm lo Tết cho người nghèo; phòng chống tệ nạn, đấu tranh tội phạm, chống gian lận, hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng...
Về các vấn đề các nhà báo, phóng viên trao đổi tại buổi họp báo, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bùi Đình Long nhấn mạnh, tỉnh đang tích cực tập trung giải quyết. Tuy nhiên, để nâng cao chất lượng các buổi họp báo thì đề nghị các nhà báo, phóng viên gửi nội dung câu hỏi trước để các sở, ban, ngành chuẩn bị nội dung câu trả lời đầy đủ hơn./.