Thứ ba, 12/11/2024, 21:46

Thực hiện tốt Quy chế dân chủ cơ sở là động lực phát triển kinh tế - xã hội

Chiều 16/12, đồng chí Nguyễn Đức Trung - Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì cuộc họp Ban chỉ đạo thực hiện Quy chế dân chủ cơ sở tỉnh để đánh giá kết quả thực hiện Quy chế dân chủ cơ sở năm 2022, triển khai nhiệm vụ năm 2023.
 

Tham dự cuộc họp có các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh uỷ: Ngọc Kim Nam - Trưởng Ban Dân vận Tỉnh uỷ; Võ Thị Minh Sinh - Chủ tịch Uỷ ban MTTQ tỉnh; Nguyễn Thị Kim Chi - Bí thư Đảng uỷ Khối các cơ quan tỉnh; đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành liên quan.

Thực hiện tốt Quy chế dân chủ cơ sở là động lực phát triển kinh tế - xã hội ảnh 1

Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Trung chủ trì cuộc họp của Ban chỉ đạo thực hiện Quy chế dân chủ cơ sở tỉnh. Ảnh: Phạm Bằng

QUY CHẾ DÂN CHỦ Ở CƠ SỞ TIẾP TỤC ĐƯỢC MỞ RỘNG VÀ PHÁT HUY

Năm 2022, cấp ủy, chính quyền các cấp đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo quán triệt, triển khai, cụ thể hóa kịp thời các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về quy chế dân chủ; đồng thời, thực hiện công khai, minh bạch theo đúng quy định. Ban chỉ đạo thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở đã chỉ đạo các địa phương, đơn vị đăng ký xây dựng được 135 điểm sáng.

Dân chủ trong Đảng, chính quyền và trong từng cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp và trong xã hội tiếp tục được mở rộng và phát huy, nhất là trong việc triển khai, thực hiện các chính sách hỗ trợ cho các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19; ủng hộ quỹ vì người nghèo; ủng hộ nhân dân vùng lũ với phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”.

Thực hiện tốt Quy chế dân chủ cơ sở là động lực phát triển kinh tế - xã hội ảnh 2

Đồng chí Nguyễn Mạnh Khôi - Phó trưởng Ban Thường trực Ban Dân vận Tỉnh uỷ trình bày tóm tắt báo cáo kết quả xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở năm 2022 và nhiệm vụ năm 2023. Ảnh: Phạm Bằng

Công tác cải cách hành chính tiếp tục được quan tâm chỉ đạo thực hiện quyết liệt, tập trung việc thực hiện các giải pháp để cải thiện nâng cao các chỉ số của tỉnh. Công tác tiếp công dân, giải quyết đơn, thư khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của công dân được thực hiện tốt. Tinh thần trách nhiệm, lề lối làm việc của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức có chuyển biến tốt hơn.

Thông qua việc triển khai thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở đã động viên các tầng lớp nhân dân tích cực tham gia hưởng ứng các phong trào thi đua yêu nước, tham gia phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội, xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở địa phương.

Thực hiện tốt Quy chế dân chủ cơ sở là động lực phát triển kinh tế - xã hội ảnh 3

Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An Nguyễn Đức Trung gặp gỡ, đối thoại với công nhân lao động vào tháng 5/2022. Ảnh tư liệu: Phạm Bằng

Tuy nhiên, một số cấp ủy, chính quyền, cơ quan, đơn vị chưa quan tâm đúng mức, chưa thể hiện rõ nét vai trò lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện mọi chủ trương, chính sách thực sự dân chủ ở cơ quan, đơn vị. Trách nhiệm của một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức chưa cao, chưa cải tiến lề lối làm việc theo hướng sát dân, gần dân, có trách nhiệm với dân. Việc tổ chức đối thoại giữa người lao động và người sử dụng lao động ở một số công ty, doanh nghiệp chưa thực hiện nghiêm túc nên còn có xảy ra đình công, lãn công.

Tại cuộc họp, các thành viên trong Ban chỉ đạo đã đóng góp ý kiến vào báo cáo hoạt động của Ban chỉ đạo trong năm 2022 và đề xuất một số hoạt động trong năm 2023 như xem xét tổ chức đối thoại giữa Chủ tịch UBND tỉnh với nông dân; tăng cường kiểm tra, giám sát thực hiện quy chế dân chủ trong các doanh nghiệp...

Thực hiện tốt Quy chế dân chủ cơ sở là động lực phát triển kinh tế - xã hội ảnh 4

Đồng chí Ngọc Kim Nam - Trưởng ban Dân vận Tỉnh uỷ phát biểu tại cuộc họp. Ảnh: Phạm Bằng

Trưởng ban Dân vận Tỉnh uỷ Ngọc Kim Nam cho rằng, để Quy chế dân chủ cở sở phát huy hiệu quả, đề nghị Ban Chỉ đạo thành lập 3-5 đoàn kiểm tra việc thực hiện công tác này tại cơ sở, tập trung vào những điểm yếu, khâu yếu, những địa phương làm chưa tốt; Tổ chức gặp mặt, đối thoại giữa Thường trực Tỉnh uỷ với các đồng chí cán bộ chủ chốt ở cấp xã.

Chủ tịch Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh Võ Thị Minh Sinh nêu một số bất cập trong việc thực hiện Quy chế dân chủ cơ sở trong thực tiễn và cho rằng, cần tăng cường công khai những vấn đề quan trọng và lấy ý kiến tham gia của người dân.

Thực hiện tốt Quy chế dân chủ cơ sở là động lực phát triển kinh tế - xã hội ảnh 5

Đồng chí Võ Thị Minh Sinh - Chủ tịch Uỷ ban MTTQ tỉnh phát biểu tại cuộc họp. Ảnh: Phạm Bằng

Trong dân vận chính quyền, phải thực hiện sớm hơn, từ khi bắt đầu manh nha các chương trình, dự án chứ không phải khi có vấn đề bức xúc của người dân. Dân chủ cơ sở phải gắn với phong trào thi đua yêu nước, gắn với xây dựng tổ chức Đảng trong sạch, vững mạnh; rút ngắn khoảng cách Luật tiếp cận thông tin với những nội dung công khai.

THỰC HIỆN QUY CHẾ DÂN CHỦ CƠ SỞ PHẢI GẮN VỚI NHIỆM VỤ CHÍNH TRỊ, PHONG TRÀO LỚN

 

Kết luận cuộc họp, đồng chí Nguyễn Đức Trung - Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban chỉ đạo thực hiện Quy chế dân chủ cơ sở tỉnh đánh giá, kết quả thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh, công tác đối ngoại của tỉnh trong năm 2022 hết sức tích cực.

Thể hiện là tốc độ tăng trưởng đạt 9,08%; Thu ngân sách ước đạt 20.350 tỷ đồng; Thu hút đầu tư gần 42.00 tỷ đồng, riêng vốn FDI gần 1 tỷ USD. Năm 2022 có thêm 10 xã, 2 huyện đạt chuẩn nông thôn mới và nâng số xã đạt chuẩn nông thôn mới lên 309 xã, 9 huyện đạt chuẩn nông thôn mới, đứng thứ 3 toàn quốc. Các phong trào văn hoá, thể thao, đảm bảo an sinh xã hội, quốc phòng an ninh đạt kết quả tích cực.

Thực hiện tốt Quy chế dân chủ cơ sở là động lực phát triển kinh tế - xã hội ảnh 6

Đồng chí Nguyễn Đức Trung - Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban chỉ đạo thực hiện Quy chế dân chủ cơ sở tỉnh kết luận cuộc họp. Ảnh: Phạm Bằng

Để đạt được những kết quả trên, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Trung cho rằng, có đóng góp rất quan trọng của việc thực hiện ngày càng tốt hơn, hiệu quả hơn Quy chế dân chủ cơ sở trong năm 2022.

Thể hiện là các cấp uỷ, chính quyền đã quan tâm thực hiện nghiêm túc hơn quy chế dân chủ cơ sở, gắn với việc thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp, các chương trình công tác của cấp uỷ, chính quyền, bám sát tinh thần trong Chỉ thị 33 của Chính phủ và Đề án 04 của Tỉnh uỷ.

Cấp uỷ, chính quyền các cấp quan tâm đến công tác tuyên truyền, phổ biến nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên, đặc biệt người dân về việc thực hiện quy chế dân chủ cơ sở; từng bước vận động người dân tham gia vào các phong trào lớn. Vai trò giám sát của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp được thực hiện. Công tác đối thoại được thực hiện tốt, qua đó giải quyết các vấn đề bức xúc, vướng mắc của người dân.

Thực hiện tốt Quy chế dân chủ cơ sở là động lực phát triển kinh tế - xã hội ảnh 7

Các đồng chí Phó Ban chỉ đạo, thành viên tham dự cuộc họp. Ảnh: Phạm Bằng

Theo Trưởng Ban chỉ đạo thực hiện Quy chế dân chủ cơ sở tỉnh, hoạt động của Ban chỉ đạo nghiêm túc, trách nhiệm; các thành viên đều thực hiện nghiêm túc trách nhiệm, bám sát nhiệm vụ, địa bàn được phân công. Phát động được nhiều điểm sáng về Quy chế dân chủ ở cơ sở. Các cơ quan, đơn vị đã có ý thức việc thực hiện quy chế dân chủ cơ sở, gắn với nhiệm vụ. Các dịch vụ công từng bước được nâng cấp; việc thực hiện giải quyết công việc của người dân, doanh nghiệp được cải tiến, nâng cao.

Bên cạnh những kết quả đạt được, Chủ tịch UBND tỉnh cũng chỉ ra một số tồn tại, hạn chế liên quan đến công tác tuyên truyền, công tác vận động, thuyết phục người dân; công tác phối hợp giữa các cấp, ngành; ý thức, trách nhiệm của một bộ phận cán bộ, công chức chưa cao...

Để thực hiện tốt hơn Quy chế dân chủ cơ sở trong năm 2023, đồng chí Nguyễn Đức Trung - Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh, cần tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội trong việc thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở. Chủ động nghiên cứu, triển khai thực hiện hiệu quả Luật Dân chủ ở cơ sở và các thông tư hướng dẫn của Trung ương.

Triển khai thực hiện Quy chế dân chủ cơ sở phải gắn với thực hiện nhiệm vụ chính trị năm 2023 của tỉnh, các cơ quan, đơn vị, địa phương, doanh nghiệp. Cần phát huy, đề cao vai trò, trách nhiệm người đứng đầu của các cấp, ngành, đơn vị, doanh nghiệp. Tăng cường đối thoại trực tiếp giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp với người dân, tăng cường đối thoại giữa người sử dụng lao động với người lao động theo quy định.

Thực hiện tốt Quy chế dân chủ cơ sở là động lực phát triển kinh tế - xã hội ảnh 8

Các thành viên Ban chỉ đạo, lãnh đạo các ngành tham dự cuộc họp. Ảnh: Phạm Bằng

Người đứng đầu UBND tỉnh cũng cho rằng, việc thực hiện Quy chế dân chủ cơ sở phải gắn với cải cách thủ tục hành chính. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, trước hết là tự kiểm tra, đánh giá trong nội bộ, cơ quan, đơn vị, địa phương; thường xuyên đổi mới phương pháp lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của chính quyền, đặc biệt là nâng cao ý thức, trách nhiệm, đạo đức công vụ của cán bộ, công chức, nhất là những người trực tiếp liên quan đến người dân. Ban chỉ đạo nghiên cứu thành lập một số đoàn kiểm tra việc thực hiện Quy chế dân chủ cơ sở tại các đơn vị, địa phương, doanh nghiệp.

Mặt khác, tiếp tục phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhằm nâng cao nhận thức, nâng cao quyền làm chủ của Nhân dân, thực hiện tốt việc giám sát, phản biện xã hội. Trong thời gian tới, tỉnh sẽ tổ chức gặp mặt, đối thoại giữa Thường trực Tỉnh uỷ với Bí thư Đảng uỷ, Chủ tịch HĐND, Chủ tịch UBND 460 xã, phường, thị trấn; tổ chức đối thoại với nông dân.

Ban chỉ đạo thực hiện Quy chế dân chủ cơ sở tỉnh thống nhất khen thưởng cho 8 tập thể, 7 cá nhân vì có thành tích xuất sắc trong thực hiện Quy chế dân chủ cơ sở năm 2022.


Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây