(Hoinhabaonghean.vn) - Bước vào thời đại công nghệ 4.0, những người nông dân của miệt biển Cửa Lò đã tích cực đổi thay, thích ứng để tận dụng sức mạnh của công nghệ trong phát triển và lan tỏa sản phẩm OCOP ra thị trường. Sự kết hợp giữa truyền thống và hiện đại là chìa khóa giúp cho 23 sản phẩm OCOP của Thị xã thực sự “cất cánh”.
Chị Phan Thị Liên (sinh năm 1981) – Giám đốc Công ty TNHH HaDaLiFa (phường Nghi Hoà, thị xã Cửa Lò) và Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Lê Hồng Vinh bên các sản phẩm OCOP của công ty
Bứt phá trên nền tảng thương mại số
Có tới 5 nhân viên của công ty phụ trách việc xây dựng nội dung, hình ảnh quảng bá sản phẩm trên các nền tảng mạng xã hội, Công ty TNHH HaDaLiFa (phường Nghi Hoà, thị xã Cửa Lò) có một sự đầu tư công phu để tận dụng sức mạnh mạng xã hội trong mở rộng thị trường. Cùng với việc ký kết hợp tác với hai sàn thương mại điện tử là CS Global và Vabiz, các sản phẩm của công ty ngày càng mở rộng mạng lưới khách hàng trọng điểm ra toàn quốc.
Các dòng sản phẩm dinh dưỡng đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao đã tận dụng nền tảng thương mại số của công ty HaDaLiFa (phường Nghi Hoà, thị xã Cửa Lò)
“50 – 60% lượng sản phẩm tiêu thụ tăng lên so với việc bán hàng truyền thống trước đây, đó là con số tích cực mà doanh nghiệp chúng tôi nhận được khi cố gắng tận dụng nền tảng mạng xã hội và các sàn thương mại điện tử để quảng bá những sản phẩm Ocop của doanh nghiệp mình. Hiện công ty có gần 1 nghìn đầu mối tiêu thụ sản phẩm trên khắp cả nước, và có khoảng 400 đến 500 đầu mối sử dụng mạng xã hội để livestreams bán hàng. Việc tiêu thụ qua kênh livestreams này là rất lớn, có tháng lên tới 20 nghìn sản phẩm được đặt mua. Trong đó, có nhiều sản phẩm đã bước đầu tiếp cận với thị trường Nga và Thái Lan một cách ổn định”, chị Phan Thị Liên (sinh năm 1981) - Giám đốc Công ty cho biết.
Bên cạnh HaDaLiFa, nhiều công ty và hộ sản xuất kinh doanh các sản phẩm OCOP trên địa bàn thị xã Cửa Lò đã tích cực tận dụng các lợi thế mà nền tảng công nghệ số có được. Sự tương tác này không chỉ tạo ra sự kết nối với cộng đồng mà còn tăng uy tín, trải nghiệm, góp ý, phản hồi và tương tác giữa khách hàng và người sản xuất. Từ đó, giúp các nhà sản xuất nơi đây nắm bắt thị trường, tâm lý khách hàng và tạo nên những chiến lược quảng bá sản phẩm hiệu quả. Ước tính, lượng sản phẩm tiêu thụ được của các sản phẩm OCOP đã tăng từ 30 đến 40% so với cách bán hàng truyền thống, tạo nên một thói quen mới trong cách tiêu thụ sản phẩm của người dân nơi đây.
Đầu tư công nghệ nâng tầm sản phẩm
Có mặt tại Công ty TNHH Hải sản Sơn Huyền trong những ngày cận Tết mới cảm nhận được sự rộn ràng, hối hả của không khí sản xuất nơi đây. Gắn bó với ngành chế biến hải sản hơn 30 năm, tuy nhiên cho đến năm 2022 Công ty này mới có được bước tiến lớn khi 3 dòng sản phẩm gồm: chả mực đặc biệt, tôm tẩm bột, nem hải sản đạt tiêu chuẩn Ocop 3 sao. Chị Nguyễn Thị Huyền - Giám đốc công ty chia sẻ, việc đầu tư công nghệ là yếu tố then chốt để nâng cao chất lượng sản phẩm cho doanh nghiệp. Trong năm qua, cơ sở của chị đã đầu tư hơn 4 tỷ đồng để nâng cấp, trang bị hệ thống máy cấp đông, máy bảo quản, máy xay thực phẩm và máy chiên tách dầu. Hệ thống này giúp chị kiểm soát chất lượng sản phẩm một cách chặt chẽ từ sơ chế nguyên liệu đến chế biến, đóng gói sản phẩm.
Chị Nguyễn Thị Huyền (sinh năm 1975, bìa phải) – Giám đốc Công ty TNHH hải sản Sơn Huyền bên dòng sản phẩm chả mực đạt tiêu chuẩn 3 sao OCOP
Chỉ vào máy chiên tách dầu đang hoạt động, chị Liên cho biết, trước đây ít khi người ta để ý đến khâu này. Thường dùng một lượng dầu nhất định để chiên sản phẩm. Vậy nhưng, dòng máy hiện đại này có thể tự động để tách lượng dầu dư thừa từ thực phẩm sau khi chiên xong. Điều này không chỉ giúp giảm lượng chất béo trong sản phẩm để bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng, mà quan trọng nữa, nó còn giảm lượng dầu thải ra môi trường. Đó là một trong những yêu cầu cần thiết để các cơ sở OCOP hoàn thiện nâng số sao được đánh giá trong sản phẩm. Thời gian tới, chị nỗ lực đầu tư để tiếp tục nâng cấp hệ thống công nghệ, mở rộng quy mô sản xuất và nâng sao cho các sản phẩm của mình.
Có thể nói, sự kết hợp giữa công nghệ tiên tiến đã được các cơ sở kinh doanh ở đây cải thiện chất lượng sản phẩm, đảm bảo sức khỏe người tiêu dùng và môi trường xung quanh. Đây là bước quan trọng trong việc hình thành một chuỗi giá trị bền vững mà thị xã đang hướng đến.
Khu vực chế biến các hải sản tươi của TNHH hải sản Sơn Huyền
Tiếp tục khẳng định vị thế trong tình hình mới
Ông Hoàng Văn Phúc – Phó Chủ tịch UBND thị xã Cửa Lò cho biết, tham gia chương trình OCOP đã làm thay đổi nhận thức các cơ sở kinh doanh của địa phương. Từ sơ chế, sản xuất thô thì hiện nay đã chủ động đăng ký sở hữu trí tuệ nhãn hiệu, đầu tư thiết kế tem nhãn bắt mắt, đúng quy định, sử dụng mã vạch truy xuất nguồn gốc sản phẩm… Điều đó đã giúp các sản phẩm OCOP được khách hàng trong và ngoài tỉnh biết đến và tin dùng.
Trang web cung cấp các thông tin sản phẩm của công ty TNHH Hadalifa
Công tác hỗ trợ xúc tiến thương mại, đặc biệt là việc hỗ trợ đưa hộ sản xuất nông nghiệp lên sàn thương mại điện tử, thúc đẩy phát triển kinh tế số nông nghiệp nông thôn đã được thị xã triển khai một cách hiệu quả. Đến nay, đa phần các sản phẩm OCOP đã được cung cấp cho Sở Công Thương, Bưu điện tỉnh Nghệ An, Bưu chính Viettel Nghệ An để giới thiệu, quảng bá và tiêu thụ qua sàn thương mại điện tử. Ngoài ra, các sản phẩm còn được tham gia trưng bày, giới thiệu tại hội chợ, diễn đàn kết nối tiêu thụ sản phẩm nông sản vùng, miền; phiên chợ quê trên nền tảng Tiktok, các hội nghị kết nối cung cầu do Sở Công Thương, Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tổ chức… Điều này đã tạo bước đệm lớn để 23 sản phẩm OCOP Cửa Lò bứt phá trong thời đại 4.0./.
Thanh Quỳnh
Công tác hỗ trợ xúc tiến thương mại, đặc biệt là việc hỗ trợ đưa hộ sản xuất nông nghiệp lên sàn thương mại điện tử, thúc đẩy phát triển kinh tế số nông nghiệp nông thôn đã được thị xã triển khai một cách hiệu quả. Đến nay, đa phần các sản phẩm OCOP đã được cung cấp cho Sở Công Thương, Bưu điện tỉnh Nghệ An, Bưu chính Viettel Nghệ An để giới thiệu, quảng bá và tiêu thụ qua sàn thương mại điện tử. Ngoài ra, các sản phẩm còn được tham gia trưng bày, giới thiệu tại hội chợ, diễn đàn kết nối tiêu thụ sản phẩm nông sản vùng, miền; phiên chợ quê trên nền tảng Tiktok, các hội nghị kết nối cung cầu do Sở Công Thương, Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tổ chức… Điều này đã tạo bước đệm lớn để 23 sản phẩm OCOP Cửa Lò bứt phá trong thời đại 4.0./.
Thanh Quỳnh
Tags: Sản phẩm OCOP Cửa Lò