Thứ tư, 04/12/2024, 23:54

Khu kinh tế Đông Nam (Nghệ An): Thu hút đầu tư FDI đứng thứ 9 cả nước

Là tỉnh có tiềm năng, nhưng những năm trước, Nghệ An chưa phải là điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư nước ngoài. Với tinh thần tạo mọi điều kiện tốt nhất để thu hút đầu tư, với việc áp dụng "5 sẵn sàng", đã giúp Nghệ An tạo "cú hích" về thu hút dòng vốn FDI, trở thành điểm đến đầu tư hấp dẫn, an toàn, hiệu quả cho nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước, trong đó Khu Kinh tế Đông Nam chiếm tỷ phần lớn nhất về nguồn vốn này.
Năm 2023, triển khai kế hoạch xây dựng khu kinh tế, khu công nghiệp trong điều kiện khó khăn do tình hình thế giới diễn biến phức tạp, khó lường, kinh tế trong nước nói chung và tỉnh Nghệ An nói riêng bị ảnh hưởng rõ rệt, nhất là thị trường xuất khẩu, sức mua của thị trường nội địa, đã tác động trực tiếp đến hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, mọi mặt đời sống nhân dân. Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt của Tỉnh uỷ, HĐND, UBND tỉnh, sự phối hợp của các Sở, ban, ngành, địa phương, và sự quyết tâm, đồng lòng của người dân và DN, công tác xây dựng và phát triển KKT, KCN trên địa bàn đã thu được nhiều kết quả tích cực. 
1
Một góc Khu Công nghiệp WHA nằm trong Khu Kinh tế Đông Nam
 
Năm 2023, Ban quản lý Khu kinh tế Đông Nam đã chấp thuận chủ trương đầu tư/cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư mới cho 27 dự án, với số vốn đăng ký 35.069,7 tỷ đồng; điều chỉnh 56 lượt dự án, trong đó có 18 dự án  điều chỉnh tăng vốn. Với tổng số vốn cấp mới và điều chỉnh tăng thêm là 41.648,3 tỷ đồng, vượt xa mục tiêu kế hoạch đề ra (năm 2023 là 15.000 - 20.000 tỷ đồng), tăng 37% so với cùng kỳ năm 2022.

Đặc biệt, năm 2023 nguồn vốn đầu tư nước ngoài thu hút vào Khu kinh tế Đông Nam đã có bước tăng trưởng vượt bậc (lần đầu tiên thu hút FDI đạt mốc 1.0 tỷ USD và tiếp tục nằm trong tốp 10 địa phương thu hút FDI lớn nhất cả nước), với 18 dự án cấp mới và 12 dự án tăng vốn, nâng tổng số vốn cấp mới và điều chỉnh lên 1.599,5 triệu USD, vượt 219% mục tiêu đề ra (mục tiêu năm 2023 thu hút  FDI là 500 triệu USD), tăng 77% so với cùng kỳ  so với năm 2022. Các dự án FDI trên địa bàn chủ yếu được thu hút vào khu kinh tế Đông Nam, vốn đầu tư thực hiện năm 2023 ước đạt 741,59 triệu USD đạt 46,36% tổng vốn đăng ký.

Ông Lê Tiến Trị - Trưởng ban quản lý Khu kinh tế Đông Nam cho biết: “Năm 2023, Ban đã tham mưu UBND tỉnh trình Chính phủ thành lập mới 02 khu công nghiệp, với tổng diện tích 834,79 ha, triển khai thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư vào 3 Khu công nghiệp là WHA 2, Khu công nghiệp Thọ Lộc B và Khu công nghiệp Nghĩa Đàn; phấn đấu đến cuối năm 2023 lấp đầy dự án đầu tư vào các khu công nghiệp, đồng thời ban hành các thông báo về thu tiền thuê đất, tiền sử dụng đất, giảm tiền thuế đất cho các dự án do ảnh hưởng dịch covid 19… theo quyết định số 01/2023/QĐ-TTG và Quyết định 25/2023/QĐ - TTg của Thủ tướng Chính phủ.   

Kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp
Đến cuối năm 2023, Khu kinh tế Đông Nam có 141 doanh nghiệp đã đi vào hoạt động, doanh thu SXKD ước đạt 58.998 tỷ đồng, nộp vào ngân sách nhà nước 2.854 tỷ đồng, tăng 50% so với cùng kỳ năm trước. Có một số dự án nộp ngân sách lớn như: Khu công nghiệp, đô thị và dịch vụ VSIP Nghệ An 1.084 tỷ đồng; Dự án Trung tâm công nghiệp thực phẩm Masan Miền Bắc của Công ty TNHH MTV Masan MB nộp 357 tỷ đồng; Dự án nhà máy Bia Hà Nội - Nghệ An của Công ty CP Bia Hà Nội - Nghệ An nộp 260 tỷ đồng; Dự án nhà máy Tôn Hoa sen Nghệ An của Công ty TNHH MTV Hoa Sen Nghệ An nộp 210 tỷ đồng; Dự án trạm nghiền xi măng Sông Lam của Công ty xi măng Sông Lam nộp 180 tỷ đồng; Dự án Bến cảng xăng dầu DKC của Công ty CP Tập đoàn Thiên Minh Đức nộp 160 tỷ đồng. Các khu công nghiệp giải quyết việc làm cho 38.000 lao động, với thu nhập gần 8 triệu đồng/ người/tháng.
2
Ảnh trên xuống, trái sang: Các đồng chí lãnh đạo tỉnh thăm dây chuyền sản xuất tại Công ty Luxshare ICT ở KCN VSIP Nghệ An; kiểm tra tiến độ thực hiện dự án

Với lợi thế tiềm năng nổi bật của Nghệ An khi so sánh với những địa phương khác trong khu vực, Nghệ An đã đưa ra định hướng tập trung thu hút đầu tư các doanh nghiệp kinh doanh hạ tầng KCN. Định hướng này kết hợp với các hoạt động xúc tiến, hỗ trợ đầu tư đã mang lại kết quả tốt. Từ năm 2019 đến nay, Nghệ An thu hút được 3 nhà đầu tư lĩnh vực hạ tầng KCN là Hoàng Thịnh Đạt, VSIP và WHA. Hiện các KCN Hoàng Mai I, WHA giai đoạn I và VSIP giai đoạn I thu hút được khá nhiều nhà đầu tư thứ cấp và đạt tỷ lệ lấp đầy cao (trên 93%). Trong đó, KCN WHA và VSIP đang trong quá trình thực hiện mở rộng giai đoạn II. Riêng KCN Hoàng Mai II đã được Thủ tướng Chính phủ cấp chủ trương đầu tư. Cùng với đó, các dự án hạ tầng công nghiệp được đầu tư đồng bộ, hiện đại, kết hợp với chiến lược “5 sẵn sàng” (về mặt bằng; cơ sở hạ tầng; nguồn nhân lực; cơ chế chính sách, thủ tục hành chính; sẵn sàng đồng hành, hỗ trợ), làn sóng thu hút đầu tư mới đã xuất hiện và tăng mạnh trong thời gian qua tại Nghệ An.

Tăng cường công tác quản lý đất đai, bảo vệ môi trường
Trong năm 2023, Ban quản lý Khu Kinh tế Đông Nam đã bàn giao cho nhà đầu tư VSIP và WHA thuê đất, với tổng diện tích 447,9 ha, trong đó 97,5% diện tích được giao cho nhà đầu tư VSIP và WHA để xây dựng kết cấu hạ tầng khu công nghiệp; Thành lập 03 tổ công tác cấp tỉnh để đốn đốc, hỗ trợ GPMB; triển khai các KCN VSIP, WHA  giai đoạn 2, Thọ Lộc giai đoạn 1, Hoàng Mai giai đoạn 1 & 2. Phối hợp với các địa phương thực hiện thu hồi đất, bồi thường GPMB các dự án trong KKT, KCN, nhất là tiến độ GPMB dự án KCN WHA giai đoạn 2 (huyện Nghi Lộc). Đến tháng 12 năm 2023, có 6/6 KCN đã đưa vào vận hành có hiệu quả Nhà máy xử lý nước thải tập trung với công suất 19.950 m3/ngày đêm.
.
Cơ sở hạ tầng của Nghệ An phát triển đồng bộ tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư

Cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, sẵn sàng đồng hành cùng DN
Để thu hút đầu tư hiệu quả, Ban tập trung đẩy mạnh quá trình chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ thông tin, rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục hành chính, thủ tục đầu tư xuống 1/3 thời gian so với quy định. Ông Lê Tiến Trị - Trưởng BQL KKT Đông Nam cho biết: “ Môi trường đầu tư của tỉnh ngày càng được cải thiện rõ nét, hấp dẫn hơn, chủ động chuẩn bị điều kiện “5 sẵn sàng” để thu hút đầu tư, nhất là nguồn vốn đầu tư nước ngoài FDI. Đó là: “ Sẵn sàng quy hoạch - sẵn sàng về hạ tầng thiết yếu - sẵn sàng mặt bằng đầu tư - sẵn sàng nguồn nhân lực - sẵn sàng cải cách thủ tục hành chính, cải thiện thực chất môi trường đầu tư, kinh doanh”; Phát huy vai trò đầu mối “Một cửa tại chỗ” trong thực hiện thủ tục về đầu tư, quy hoạch, xây dựng, đất đai, bảo vệ môi trường tại Ban quản lý. Chính nhờ sự đa dạng của ngành công nghiệp cùng các chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội được thực hiện quyết liệt ngay từ đầu năm, đã giúp Nghệ An trở thành điểm đến mới của các dự án tầm cỡ trong lĩnh vực sản xuất, lắp ráp thiết bị điện tử. Đặc biệt, là thu hút thành công được nhiều tập đoàn lớn của thế giới tham gia vào chuỗi cung ứng sản xuất công nghệ điện tử, năng lượng xanh như: Luxshare - ICT, Goertek, Everwin, JuTeng, Foxconn, Runergy, Shangdong, Sunny..., bước đầu hình thành những ngành công nghiệp chủ lực của tỉnh như: công nghệ, điện tử, năng lượng, thép, sản xuất linh kiện ôtô...”.
 
3
Khu Công nghiệp VSIP Nghệ An

Nguồn vốn đầu tư nước ngoài được thu hút vào Khu kinh tế Đông Nam trong năm 2023 đã có bước tăng trưởng vượt bậc. Đây là lần đầu tiên nguồn vốn FDI đạt mốc 1.0 tỷ USD và tiếp tục nằm trong tốp 10 địa phương thu hút FDI lớn nhất cả nước, với 18 dự án cấp mới và 12 dự án tăng vốn, nâng tổng số vốn cấp mới và điều chỉnh lên 1.599,5 triệu USD, vượt 219% mục tiêu đề ra (mục tiêu năm 2023 thu hút  FDI là 500 triệu USD), tăng 77% so với cùng kỳ so với năm 2022. Đây thực sự là con số ấn tượng trong bối cảnh nền kinh tế đang còn nhiều khó khăn. Cũng nhờ những kết quả nổi bật nói trên, Nghệ An đã vươn lên vị trí thứ 9/63 địa phương trong  cả nước và đứng đầu 14 tỉnh miền Trung về thu hút vốn FDI.

Quy hoạch thời kỳ 2021- 2030, tầm nhìn đến năm 2050
Năm 2024 là năm có ý nghĩa quan trọng, quyết định thành công việc thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp và kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội 5 năm giai đoạn 2021- 2025, Nghệ An tiếp tục xây dựng và phát triển KKT Đông Nam thành khu vực phát triển năng động, có sức hấp dẫn và cạnh tranh cao trong khu vực Bắc trung bộ. Trọng tâm là phát triển kết cấu hạ tầng các KCN đồng bộ, hiện đại gắn liền xây dựng và nâng cấp, mở rộng và nâng cao năng lực khai thác các cảng biển bằng hình thức phù hợp, khuyến khích hình thức hợp tác đầu tư công, nhất là Cảng Cửa Lò. Đẩy mạnh các thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh tạo bước đột phá trong thu hút đầu tư, thúc đẩy nhanh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, gia tăng giá trị sản xuất, tăng nguồn thu cho ngân sách nhà nước, đảm bảo quốc phòng, an ninh, bảo vệ môi trường, phòng chống thiên tai và ứng phó biến đổi khí hậu.
4
Hoạt động sản xuất của các doanh nghiệp trong Khu kinh tế Đông Nam
 
Đến năm 2030, Khu kinh tế Đông Nam mở rộng là một trong hai khu vực động lực tăng trưởng của tỉnh theo tinh thần Nghị quyết số 39-NQ/TW ngày 18/7/2023 của Bộ Chính trị về Xây dựng và phát triển tỉnh Nghệ An đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Theo quy hoạch tỉnh Nghệ An thời kỳ 2021- 2030, tầm nhìn đến năm 2050, KKT Đông Nam Nghệ An tập trung phát triển theo các quyết định đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, với tổng diện tích 20.776,47 ha. Mở rộng ranh giới KKT Đông Nam Nghệ An với diện tích đạt từ 105.585,2 ha theo các trục giao thông đối ngoại kết nối KKT như Quốc lộ 7A, 7C, QL 46, QL 1A (đoạn tránh Vinh), QL 48D, đường ven biển và một phần khu vực biển để đảm bảo quỹ đất phát triển lâu dài. Đến năm 2040, thu hút đầu tư khoảng 20 - 25 dự án FDI,Hoàn thành: với tổng vốn đăng ký đạt khoảng 15.000- 20.000 tỷ đồng. Phấn đấu thu ngân sách trong KKT, KCN đạt 3.000 - 3.500 tỷ đồng, giải quyết việc làm cho khoảng 10.000- 15.000 lao động.

          Cùng với sự quan tâm của các bộ, ngành Trung ương, lãnh đạo tỉnh Nghệ An,  Ban quản lý KKT Đông Nam Nghệ An cam kết sẽ tiếp tục sát cánh, đồng hành và hỗ trợ tích cực, hiệu quả thực chất cho nhà đầu tư trong suốt quá trình đề xuất, cấp phép đầu tư, triển khai thực hiện dự án và hoạt động sản xuất kinh doanh, với quan điểm mục tiêu, phương châm công tác: “Đúng - Tốt - Nhanh” để các KCN, KKT Đông Nam Nghệ An trở thành địa bàn đầu tư: “Thuận lợi - An toàn - Tin cậy” của các nhà đầu tư./.                                              
 PV

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây