Thứ năm, 21/11/2024, 23:27

Ngày Tết bàn chuyện thưởng trà và văn hóa trà Việt

Tết là dịp để gia đình đoàn tụ, bạn bè gặp mặt, tâm tình. Người Việt xưa có câu: “Khách đến nhà không trà thì rượu”, thể hiện lòng hiếu khách trong văn hoá giao đãi. Hân hoan đón chào năm mới, rộng cửa mừng vui tiếp đón khách quý gần xa, không thể thiếu những chén trà ngày Xuân.

 

Nét đẹp trong ngày Tết cổ truyền

Văn hóa thưởng trà ngày Tết từ lâu đã trở thành một phần không thể thiếu trong nền văn hóa truyền thống của người Việt Nam. Từ xưa đến nay, việc thưởng trà không chỉ là một nét văn hóa truyền thống mà còn là biểu hiện của sự kính trọng, tôn trọng và tình cảm gắn kết gia đình, bạn bè trong dịp Tết Nguyên đán.

Trong văn hóa thưởng trà Việt luôn hiện hữu, chứa đựng những nghi lễ ý nghĩa như: Người nhỏ tuổi pha trà mời người lớn tuổi, chủ nhà pha trà mời khách đến chơi; quây quần quanh ấm trà nóng, cùng thưởng thức chén trà xuân và hàn huyên, giãi bày tâm sự.

Ở các gia đình tam, tứ đại đồng đường, sáng mùng Một Tết, đại gia đình thường ngồi quanh bàn trà để chúc thọ các bậc cao niên và nghe lời dặn dò từ các cụ. Đó cũng là một nét văn hóa đặc trưng của dân tộc ta, các thành viên trong gia đình tề tựu bên nhau trong những khoảnh khắc tươi mới của ngày đầu Xuân, để hàn huyên bao kỷ niệm, để chuyện trò về hiện tại và mong ước bao điều tốt đẹp, an lành trong tương lai, hướng đến một năm mới an khang, thịnh vượng, sung túc và viên mãn.

van-hoa-tra-viet-suoigiangtravel-21-05-2022-8302.jpeg
Những chén trà như sợi dây vô hình kết nối chúng ta lại gần nhau hơn.

Mỗi búp trà là sự kết tinh tinh hoa của đất trời, qua bàn tay của người trồng nâng niu chăm sóc, bàn tay của những người nghệ nhân sao trà, ướp trà trở thành thức uống đậm vị. Thưởng trà không dành cho người vội vã. Tết chính là khoảng thời gian để mỗi người từ từ cảm nhận vị trà, từ đắng đến chát và cuối cùng đọng lại vị ngọt thanh nơi đầu lưỡi.

Nét tinh tế của phong trà truyền thống Việt Nam

"Không đâu như ở Việt Nam, trà có mặt ở rất nhiều cung bậc, từ đơn sơ, giản dị, hồn hậu đến cầu kỳ, tinh tế. Trà có thể "ngự" từ dinh thự, công quyền đến hang cùng ngõ hẻm, đâu cũng có trà" – tác giả Trần Quang Đức đã chỉ ra tỉ mỉ các cách uống trà trong cuốn "Chuyện trà – Lịch sử một thức uống lâu đời của người Việt".

Cách thức pha và thưởng trà của người Việt không cầu kỳ và nhiều quy tắc, được nâng lên thành nghệ thuật như Nhật Bản và Trung Quốc – nơi coi trà như một tôn giáo (như cách gọi Trà Kinh, Trà đạo). Có thể từ việc không đi theo một quy chuẩn bắt buộc nào mà việc pha trà, thưởng trà của người Việt dần trở nên sáng tạo. Người Việt ta thường hay gọi là Phong trà (phong cách uống trà), thể hiện phong phú những khía cạnh văn hoá ứng xử của người dân Việt. Và cách ẩm trà của người Việt cũng rất riêng, độc đáo: các bậc tiền nhân xưa cho rằng, ẩm trà là một nghệ thuật, mà nghệ thuật thì phi công thức.

Các bậc tiền nhân thường có cách uống trà như sau: Trước khi uống thường đưa qua mũi để tận hưởng hương vị trà, sau mới hạ dần xuống miệng, môi nhấp ngụm nhỏ, thấy chát đắng, chân răng cảm nhận như chặt lại, miệng chép liền mấy cái đã thấy dịch vị trong miệng tiết ra có vị ngọt dịu, lòng sảng khoái luận về trà.

anh-ghep-8211.png
Văn hóa trà Việt vừa có nét cầu kỳ, vừa mang tính dân dã. Ảnh: Một góc tiệc trà của Phúc An Farm tại Hội nghị công bố Quy hoạch tỉnh 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Đồ án điều chỉnh tổng thể Quy hoạch Khu Kinh tế Đông Nam Nghệ An đến năm 2040 được tổ chức ngày 13/1/2024.

Với người Việt, nghệ thuật pha trà được gói trọn trong câu: "Nhất thủy, nhì trà, tam bôi, tứ bình, ngũ quần anh" (những yếu tố quan trọng để tạo nên ấm trà ngon lần lượt là: nước pha trà, loại trà, chén uống trà, bình pha trà, bạn trà).

Nước dùng pha trà thường phải là thứ nước mưa được hứng giữa trời, hay từ các suối nguồn tự nhiên, cầu kỳ hơn nữa là thứ sương đọng trên lá sen vào buổi sớm mai. Cách đun nước cũng phải đảm bảo giữ được độ thanh tịnh và không làm ảnh hưởng đến hương vị của trà.

“Tam bôi, tứ bình” (bình và ấm trà) đó chính là bộ đồ pha và uống trà có ấm và 4 chén quân, một chén tống để chuyên trà. Chén quân thường là loại chén hạt mít (mắt trâu), bình cũng có bình chuyên, bình tống, tùy theo lối uống “độc ẩm, song ẩm, tứ ẩm hay quần ẩm” để chọn loại bình tương ứng.

Với bạn trà “ngũ quần anh,” tức tìm “bạn trà” đôi khi khó hơn tìm “bạn rượu”. Vì bạn trà là người bạn tri âm, cùng nhau thưởng trà, ngâm thơ, bộc bạch nỗi niềm hay bàn chuyện gia đình, xã hội nhân tình thế thái để cảm nhận trong trà có cả trời đất, cỏ cây.

Trà Việt từ truyền thống đến hiện đại

Trong thời hiện đại, văn hóa thưởng trà vẫn được tiếp tục gìn giữ và ngày càng bài bản, công phu hơn, như các tiệc trà được tổ chức tại các sự kiện, hội nghị quan trọng. Nhu cầu tổ chức tiệc trà trong các sự kiện, hội nghị được đánh giá cao và ngày càng phổ biến.

Tổ chức tiệc trà là một cách tuyệt vời để tạo ra môi trường giao tiếp và tương tác giữa các thành viên tham dự. Trong không gian thoải mái và ấm cúng của tiệc trà, mọi người có thể dễ dàng bắt đầu và tham gia vào các cuộc trò chuyện, tạo điều kiện thuận lợi cho việc xây dựng mối quan hệ chặt chẽ và tương tác giữa các thành viên. Mọi người có thể tự do thảo luận và chia sẻ thông tin, giúp nâng cao kiến thức và hiểu biết của mình về các vấn đề được thảo luận trong hội nghị.

z5140349068802-d218f3d2b07abef2a48707bca587ab7b-9077.jpg
Các tiệc trà được thiết kế, tổ chức hướng đến giá trị văn hóa, truyền thống. Ảnh: Không gian thưởng trà do Phúc An Farm tổ chức tại sự kiện "Định hướng chiến lược phát triển kinh tế - xã hội miền Tây xứ Nghệ" của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Hà Nội), hồi tháng 11 năm 2023.

Đây cũng là dịp để thư giãn, nghỉ ngơi sau những phiên làm việc căng thẳng. Trong những cuộc hội nghị kéo dài và nhiều áp lực, việc có một khoảng thời gian ngắn để thư giãn và nạp lại năng lượng là rất quan trọng. Tiệc trà cung cấp một không gian lý tưởng để mọi người thư giãn, tận hưởng những món ăn nhẹ và tách trà thơm, sảng khoái.

Tiệc trà cũng là cơ hội để mọi người kết nối, mở rộng mối quan hệ cá nhân và chuyên môn. Các buổi gặp gỡ và trò chuyện tại tiệc trà thường mở ra những cơ hội mới, từ việc tìm kiếm đối tác kinh doanh đến việc tìm kiếm cơ hội hợp tác và phát triển sự nghiệp.

Chị Lê Thảo My - CEO Phúc An Farm chia sẻ: “Việc tổ chức tiệc trà tại các sự kiện, hội nghị vừa tạo không gian, cơ hội kết nối, giao lưu, vừa là dịp để giới thiệu, lan toả nét đẹp truyền thống văn hóa thưởng trà của Việt Nam. Chúng tôi luôn đề cao việc gìn giữ nét đẹp văn hóa truyền thống, phong cách thưởng trà riêng của người Việt”.


Tùng Linh/Baonghean.vn


Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây