Thứ hai, 02/12/2024, 05:25

Tết là nguồn cội

Tết là sự khởi đầu. Trở về với Tết cũng là trở về với sự khởi đầu. Tết là sức mạnh vô hình để cuốn hút nhiều người người Việt cùng nhìn về một hướng.
Những dòng người háo hức, hối hả vì Tết
Một năm bươn chải, tảo tần vì công việc và mưu sinh đã qua, để nhường chỗ cho chúng ta thêm thời gian nghĩ và làm những gì cho nguồn cội. Càng đến những ngày giáp Tết, nhịp sống của con người dường như hối hả hơn để ấp ủ, dự định cho mong muốn có thêm một cái Tết sum vầy, đoàn viên.

Những người nông dân ngoài đồng ruộng đang nhanh tay nhổ mạ, cày cấy trong giá lạnh giữa đông. Người công nhân trong nhà máy, công xưởng, xí nghiệp, hầm mỏ xa nhà, xa quê đang gắng nhận làm thêm ca, thêm buổi, thêm công để thêm lương, có thưởng, có tiền mua vé tàu xe chuẩn bị về quê đón Tết. Người ở quê cũng khẩn trương chăm sóc thêm rau củ quả trong vườn, nuôi ít con gà, vịt, ngan để chờ đợi con cháu nơi xa về nhà ăn Tết.
 
Nhà tôi gần sân bay, không xa ga tàu, bến xe nên càng thấy rõ, nghe rõ, cảm nhận rõ hình ảnh, âm thanh những dòng người tấp nập đi lại ngược xuôi mỗi khi Tết sắp đến, Xuân sắp về. Háo hức, rạo rực vô cùng. Tôi đã từng đến sân bay, bến xe, ga tàu nhiều lần đón người nhà từ phương xa về Tết mà nhìn trên tay của lữ khách sẽ đoán được màu của Tết, mùi của Xuân, biết ngay họ về với quê từ phương nào. Nâng niu trên tay cành đào phai, đào đỏ là biết họ về từ phương Bắc giá lạnh. Bồng bế cẩn thận trên tay chậu mai vàng rực rỡ là hiểu họ về từ phương Nam nắng ấm. Quà Tết về quê hương, nhỏ bé nhưng thấy xúc động và thiêng liêng vô cùng.

C năm tất bật với mưu sinh. Thôi thì, còn Tết để còn động lực để chúng ta tìm về với nguồn cội, với quê hương thân thuộc, nơi đã cho chúng ta sinh ra và lớn lên, giành cho chúng ta sự bình yên và hạnh phúc, cho chúng ta lắng lại với thời gian để chiêm nghiệm cuộc đời. Tiền bạc, của cải rất quan trọng, nhưng còn những thứ quan trọng hơn nữa là gia đình thân yêu của mình được đoàn viên, sum họp khi Tết đến, Xuân về. Về quê với Tết là dịp để quay về về nguồn cội- những điều gần gũi thân thương, thiêng liêng, là cái gốc của con người như quê hương, ông bà, tổ tiên, tâm linh để nhắc nhớ chúng ta và làm mới những giá trị đã có từ ngàn xưa trong văn hóa Việt.
 
Hinh bai Tet que
Tết là khi gia đình được đoàn viên, sum vầy (Ảnh minh họa)
 
“Về quê ăn Tết” không còn là khái niệm xa xôi với những người xa quê mà nó đã trở thành một thành ngữ của người Việt chỉ cuộc hành hương về nơi nguồn cội. Về quê để vui Tết trong mấy ngày Tết, hầu như mọi người đều muốn bỏ qua những lo lắng phiền muộn của một năm cũ để được thoải mái vui cười, quên đi những thù hận cá nhân trong những ngày đầu năm mới. Về quê ăn Tết để gợi nhớ tổ tiên, để cho các linh hồn hộ mệnh của họ về giữa những người đang sống.

Những người xa quê, xa Tổ quốc vì nhiều lý do mà họ không được về với gia đình đón Tết thì những ngày Tết, họ cũng chộn rộn, khắc khoải nhớ quê nhà. Gửi gắm nỗi niềm từ những cuộc điện thoại đường xa cũng là chút an ủi tạo thêm sự kết nối tình thân ruột thịt. Tết là sự khởi đầu. Trở về với Tết cũng là trở về với sự khởi đầu. Tết là sức mạnh vô hình để cuốn hút nhiều người người Việt cùng nhìn về một hướng.

Tết sum vầy và cội nguồn là động lực để đoàn viên.
Hai từ “sum vầy” mang ý nghĩa của đoàn tụ, cùng ngồi lại với nhau trong tinh thần lắng nghe nhau và muốn nghe những điều thiêng liêng nhất. Xã hội hiện đại,với mỗi gia đình, dù hoàn cảnh, điều kiện, nghề nghiệp, mức sống khác nhau, dù có những cách lựa chọn đón Tết, ăn Tết, chơi Tết không giống nhau nhưng vẫn luôn giữ một giá trị chung, đó là hướng về truyền thống trong những ngày Tết cùng nhau đoàn viên, sum vầy với 3 khoảng thời gian Tất niên, Giao thừa và Tân niên.
Điều mỗi người mong chờ là sau khi cúng gia tiên, cả gia đình cùng sum vầy bên mâm cơm chiều 30 Tết trong mùi bánh chưng mẹ bóc, mùi hương trầm cha thắp. Con cháu nghe ông bà, cha mẹ ôn lại một năm cũ, nhắc nhở, dặn dò trước thềm năm mới. Sáng mồng 1 Tết, các thành viên trong gia đình ngủ dậy, chào nhau một lời “Chúc mừng năm mới”. Người già thường được mừng thọ, trẻ nhỏ được mừng tuổi. Ông bà, cha mẹ mừng tuổi con cháu chăm ngoan, học giỏi, con cháu chúc tụng ông bà, cha mẹ khỏe mạnh, sống lâu.

Ngày Tết cổ truyền để giúp chúng ta tiễn biệt năm cũ, đem lại một sự khởi đầu mới, là dịp để chúng ta rũ bỏ những gì không tốt đẹp, thiếu may mắn của năm qua, để sống vui vẻ và cùng nhau độ lượng vì nhau. Tết cũng là cơ hội để nhớ ơn, ghi ơn và tạ ơn. Con cái tạ ơn cha mẹ, ông bà tạ ơn tổ tiên, dòng họ.

Với đa số người Việt, Tết cổ truyền sẽ không mất đi dù xã hội ngày càng phát triển, văn minh trong xu thế hội nhập, toàn cầu hóa. Tết cổ truyền ngày càng khẳng định mạnh mẽ về một bản sắc văn hóa của dân tộc Việt. Điều thiêng liêng nhất trong cuộc đời là gia đình, quê hương, Tổ quốc. Tết để trở với cội nguồn và nhớ đến cội nguồn là nghĩ đến Tết.
Tết đến, Xuân về luôn là khoảng thời gian chứa đựng những khoảnh khắc đặc biệt mà ở những thời khắc ấy, giữa nhân sinh tĩnh tại trong cảnh chồi non lộc biếc của hóa lá cỏ cây, con người ta lại càng thêm thấu hiểu và trân quý những giá trị cốt lõi của sự sống, của cuộc đời.

Về quê với Tết cổ truyền là về với nguồn cội, đó là linh hồn, là bản sắc độc đáo của dân tộc Việt Nam. Về nhà vui Xuân, về quê đón Tết là sợi dây vô hình kết nối hiện tại với quá khứ của mỗi con người, để chúng ta thêm trân quý nguồn cội của mình nhiều hơn./.
Trần Trung Hiếu

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây