Thứ sáu, 11/10/2024, 02:17

Xứ Nghệ - đôi bờ hiện thực, truyền thuyết

Đúc kết của người xưa luôn cổ xúy người đời sau kiếm tìm giá trị tinh hoa khuất lấp giữa biển đời. Sinh ra trên vùng bãi ngang xứ Nghệ, nghề viết lách giúp tôi khảo sát, kiểm chứng những  thông điệp - những bí ẩn lịch sử phát lộ trong cộng đồng cư dân người Nghệ, trong những hóa thạch trên duyên hải xứ Nghệ từ cực bắc cửa biển Đông Hồi (Nghệ An), đến cực nam chân Đèo Ngang (Hà Tĩnh), và trong kho tàng dân gian xứ Nghệ vô cùng phong phú.
A
Sông Lam đoạn chảy qua huyện Hưng Nguyên (Nghệ An) và Đức Thọ (Hà Tĩnh).Ảnh ST
 
Sau một tháng “Điện Biên chấn động địa cầu”, tại làng Cổ Đan bên hạ lưu tả Lam phía trong Cửa Hội, tôi cất tiếng chào đời. Một chín sáu mốt (1961) là năm “đỉnh cao muôn trượng” trong thơ Tố Hữu, tại Cổ Đan tình cờ nhóc tôi nghe lõm cố Nguyễn Hữu Trưng (anh cả của ông nội tôi) nói với bố tôi rằng: Làng mình địa thủy hữu tình, thẻo đất làng có số đo “chó nằm thừa đuôi”. Theo luật trời “đất lành chim đậu, bến lành thuyền đậu”, dân làm nghề sông nước từ thời Lý đã chọn đất này lập làng, đặt tên hương Cổ Đan, trấn Đan Nhai, thừa tuyên Nghệ An. Đời vua Lê Thánh Tông làng mình thuộc tổng Đặng Xá, huyện Chân Phúc, phủ Đức Quang, xứ Nghệ An (nay thuộc xã Phúc Thọ, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An).

Chuyện tôi nghe lỏm cứ để bụng chỉ mình biết mình hay, mấy mươi năm sau theo nghề viết lách, tìm hiểu tôi biết tọ tọe đại thể là: Trung tiết vương Tô Hiến Thành (1102-1179) người làng Cẩm Đới, xã Hà Giang, huyện Hà Trung, Thanh Hóa. Ngài văn võ song toàn phụng sự ba triều vua Lý Thần Tông, Lý Anh Tông, Lý Cao Tông, nổi tiếng công minh chính trực, Ngài cùng vua Lý Anh Tông mang quân đi dẹp loạn nhiều nơi. Đất nước ổn định, triều đình giao cho Ngài tổ chức nhân dân trong nước khai khẩn mở mang diện tích canh tác, lập nên hàng trăm ngôi làng ven biển Đại Việt từ Quảng Ninh đến Thanh-Nghệ-Tĩnh ngày nay. Ngọc phả Tô Đại Liêu (bản chính) do Nguyễn Bính - đông các Đại học sĩ Bộ Lễ, soạn năm 1572: Sinh thời Tô Hiến Thành được nhân dân nhiều nơi lập thờ sống, sau khi Ngài vĩnh hằng cũng tại các đền ấy tiếp tục thờ Ngài.
Hiện thống kê được khắp nước ta có hơn 200 ngôi làng (hầu hết ở vùng duyên hải) thờ Trung tiết vương Tô Hiến Thành. Đền thờ Ngài tại làng Cẩm Đới, xưa nay người đời gọi là “Đệ nhất Chính từ Cẩm Đới”, nghĩa là Đền thờ chính của Tô Hiến Thành. “Thương dân dân lập đền thờ. Hại dân dân đái ngập mồ thối xương”, công lao của Ngài lẫy lừng, dù Ngài không phải tôn thất nhà Lý vẫn được vua ân phong tước vương.                                                                                            
                                                   

Tôi lâng lâng khi biết, cùng với hàng trăm ngôi làng vùng duyên hải Đại Việt, làng Cổ Đan quê tôi được Danh tướng Danh thần Tô Hiến Thành “cắt rốn” “khai sinh”. Đất lành chim đậu, làng tôi một thời nổi tiếng khắp trong ngoài xứ với “đặc sản” con gái đẹp, bánh khoai nhân đỗ và bánh đa khoai! Trai làng thì đa nghề: thợ đóng thuyền gỗ, đánh bắt thủy hải sản, tậu bò gầy chăm vỗ thành bò cày bò thịt bán kiếm lời, vận tải biển thuyền buồm trọng tải 40-70 tấn, chuyên chở các loại hàng ra Bắc vào Nam và sang tận nước Xiêm nước Tàu. Thuyền nhỏ thì hoạt động nội thủy chở hàng ngược sông Lam lên các huyện thượng ngàn. Gái làng đẹp người đẹp nết, mát tay, trồng dâu nuôi tằm, dệt vải, chăm lo tổ ấm gia đình gia tộc. Đặc biệt gái làng có tiếng “neo đậu bến quê” không lấy chồng xa. Đến đầu thế kỷ 18, làng tôi đã tấp nập trên bến dưới thuyền, địa thủy hữu tình, đất chật người đông.

Từ nửa sau thế kỷ 20, đất này nuôi tôi khôn lớn, khởi đầu lớp vở lòng do Thầy Cửu Hàm mở dạy tại nhà tranh phên nứa. Nhớ sáng mùa thu năm “đỉnh cao muôn trượng” ấy, tôi lon ton theo bố đến nhà Thầy Cửu Hàm xin nhập học. Gần trưa bố đến đón về, dọc đường chừng cây số, bố kể: Nho sỹ Cửu Hàm (1890 -1973) tên thật là Nguyễn Đình Hành, một trong những người làng đỗ đạt Nho học, triều đình Huế cấp bằng khoa cử và được phong hàm Cửu phẩm, dân làng kính trọng gọi là Thầy Cửu Hàm, nghe quen thành tên riêng lúc nào không hay. Đầu thế kỷ 20, Nhà yêu nước Phan Bội Châu từng đến quê tôi, tá túc trong nhà cụ Nguyễn Đình Hương thân sinh Thầy Cửu Hàm. Bề ngoài, cụ Phan cùng cụ Đình Hương “mở lớp dạy chữ Nho cho con em trong vùng”, thực chất là che mắt địch để cụ Phan tuyên truyền vận động, chọn những thanh niên đủ tiêu chuẩn tham gia phong trào Đông Du. Anh Nguyễn Đình Hành (Cửu Hàm) cùng mấy người ở huyện Nghi Lộc, Yên Thành, Diễn Châu, Thị xã Vinh được cụ Phan chọn lựa. Trước ngày lên đường, cụ Nguyễn Đình Hương trăn trở nói với cụ Phan: Vợ chồng tôi sinh Đình Hành là con độc nhất, để trọn vẹn cả chữ Hiếu chữ Trung, xin cụ cho Hành ở lại bí mật tham gia hoạt động trong nước, kết hợp chăm sóc bố mẹ già.

Anh Hành tham gia “hội kín” được mấy năm, chính quyền Nam triều bắt anh vào lính lê dương bất luận là con độc nhất. Trong đại chiến thế giới thứ nhất, anh cùng đơn vị lê dương đặt chân lên Pari hoa lệ, phố cảng Mác xây và nhiều nước châu Phi thuộc Pháp, nơi người dân cũng nghèo khổ như đồng bào nước Việt của anh. Kết thúc thế chiến thứ nhất, anh Cửu Hàm trở về làng gõ đầu trẻ kiếm sống. Năm 1973, tôi đang bộ đội đóng quân tại Hà Nội, được tin Thầy Cửu Hàm quy tiên tại nơi cư trú xã Nghi Kim - huyện Nghi Lộc.

Thầy đã 50 năm thiên cổ, nay người dân ở xã Nghi Kim và ở làng tôi dưới tuổi 60, mấy ai biết chuyện một Nho sỹ người làng được triều đình Huế phong hàm vẫn bị bắt làm lính đánh thuê cho mẫu quốc Pháp và chuyện tôi được Thầy khai trí, khai tâm. Tôi nhớ, sang học kỳ hai của “đại học vở lòng”, Thầy  viết lên bảng rồi tập cho 27 trò nghèo hát và thuộc bốn câu: Ai biết nước sông Lam răng là trong là đục/Ai biết ở đời răng là nhục là vinh/Thuyền em lên thác xuống ghềnh/Nước non là nghĩa là tình ai ơi...Hát thì dễ, thuộc bốn câu cũng dễ, khó nhất là những điều Thầy nói về cái hay thâm thúy  đậm chất “khích tướng” của câu ca này.

 Đã 62 năm, tôi vẫn như đang cùng lớp “sinh viên đồ chữ” trải lá chuối khô ngồi bệt xuống nền nhà, mồm chữ o mắt chữ a uống cái hay Thầy giảng: Người Nghệ mình trọng khí tiết, thủy chung, đảm đang, hòa thuận. Nam nữ đều chăm lo vun đắp gia đình, họ tộc, việc nước việc làng. Người Nghệ từ xưa đã đóng thuyền làm phương tiện vượt sông vượt biển, công việc nặng nhọc nguy hiểm này cánh đàn ông đảm trách. Vậy mà trong câu ca vì “nước non là nghĩa là tình” thì đến cả liễu yếu đào tơ cũng ngồi thuyền mà “lên thác xuống ghềnh” để cứu nước. Khi liễu yếu đào tơ dám lên thác xuống ghềnh thì cánh mày râu nhẽ nào lại không vì nước non? nhẽ nào mũ nỉ che tai? nhẽ nào ru rú trong manh chiếu giường hẹp không ra ngồi thuyền để cùng chị em lên thác xuống ghềnh? 

Tuổi thơ tôi từng nhiều đêm giật thột vì tiếng trống tiếng kẻng, tiếng hô hoán của người làng, tiếng chân rầm rập của hàng ngàn con người từ các xã lân cận đổ về hộ đê 42 đoạn qua địa phận xã Hưng Hòa thành phố Vinh. Từ ngày đó, câu “nhất thủy nhì hỏa” cùng những cái giật thột neo chặt trong bộ nhớ non nớt, cho mãi tới những năm 90 của thế kỷ trước, tôi có mấy chuyến ngồi thuyền máy xé nước dòng Nậm Mộ, Nậm Nơn. Nay đã gối mỏi chân chồn,  nghĩ lại tôi vẫn lâng lâng cảm giác đang trên con thuyền máy lao như mũi tên giữa đôi bờ những vách đá dựng chạm trời xanh. Thả hồn giữa  điệp trùng hùng vĩ, tôi ngẩng lên trời xanh mây trắng, nhìn xuống đáy nước cũng mây trắng trời xanh, giữa đại ngàn cảm giác như được chạm tới tận cùng của sự hùng vĩ, trầm mặc, khiêm nhường. Lại nghĩ, sự khiêm nhường của tự nhiên buộc chúng ta nhìn lại sự láu cá có ở một số người, họ vô thiên vô sách ngông nghênh thổi phồng sức mạnh của con người là vô đối, từng coi mình là cha là mẹ của thế giới tự nhiên.

Tôi đang cùng mũi tên-thuyền gỗ len lỏi giữa tiếng gầm réo của con trăn nước khổng lồ, có đoạn đang lướt êm dưới lồng lộng mây trời bóng núi thì bổng thót tim nhìn thấy con đập bằng đá tự nhiên. Theo lời tài công tôi bám chặt hai tay vào be thuyền mặc cho nó bị con trăn nước dữ dằn quăng quật. Thuyền dừng ở điểm cuối, tôi hòa vào nhịp sống của cư dân người Thái người Mông, lác đác mấy du khách người Kinh, mà lâng lâng nghĩ mình vừa “cùng em lên thác xuống ghềnh” giữa “nước non nghĩa là tinh” nơi miền Tây xứ Nghệ. Lại nghĩ, hai nhánh Nậm Mộ, Nậm Nơn từ thượng nguồn huyện rẻo cao Kỳ Sơn xuôi về hợp lưu tại Ngã ba Cửa Rào huyện Tương Dương; từ đây dòng lớn  sông Lam tiếp tục cuộc thủy trình vĩ đại, vượt 200 cây số qua một loạt huyện, thành: Tương Dương, Con Cuông, Anh Sơn, Đô Lương, Thanh Chương, Nam Đàn, Đức Thọ, Nghi Xuân, Thành phố Vinh, Nghi Lộc, Thị xã Cửa Lò, khi đến điểm cuối Cửa Hội-Đan Nhai thì hết mình vào biển lớn.
                                        
        Như là thiên định, con em vùng bãi ngang xứ Nghệ dù đi đâu ở đâu cũng sở hữu cái bất biến của chất người quê mình: Chuyện trò đàm đạo mà người ngoài nhầm họ đang cãi nhau; Quanh năm ngâm trong mặn mòi nắng trời gió biển, con gái sở hữu nước da màu đào phai, con trai nước da màu đồng hun không  mối mọt. Trên dải cát trắng pha lê 220 cây số này, tổ tiên của họ từ hàng ngàn năm trước từng chung sống với chớp bể mưa nguồn, thì cũng ngần ấy năm sau, các thế hệ con cháu vẫn mặn mòi thủy chung với biển, vẫn kiên định chung sống với bão tố phong ba.

Mỗi lần dâng hương viếng Đền Cuông bên núi Mộ Dạ, trở về tôi mất ngủ với mấy điều còn bỏ ngỏ phía đầu nguồn: Thời Hùng Vương cổ đại, theo truyền thuyết Thục Phán An Dương Vương  đóng đô ở Cổ Loa, sau khi để Nỏ Thần rơi vào tay giặc “cơ đồ đắm biển sâu”, Vua mở đường máu chạy vào tuẫn tiết tại Cửa Hiền vùng biển xứ Nghệ. Từ bi kịch để mất nước khiến cả dân tộc bị ngàn năm Bắc thuộc; đến bi kịch gia đình Vua cha phải vung gươm chém chết con gái cưng. Nước mất ắt nhà tan, tình yêu cũng bị mưu thâm kế hiểm đẩy vào bi kịch với cái chết của Mỵ Châu và Trọng Thủy. Bộ ba bi kịch Tình yêu, bi kịch Gia đình, bi kịch Tổ quốc gộp tấm thảm kịch lịch sử đậm màu huyền thoại. Điều khó hiểu là tại sao ba bi kịch đều xẩy ra dưới chân núi Mộ Dạ trên đất xứ Nghệ chứ không là xứ khác? Khi An Dương Vương bỏ Loa Thành đem theo bầu đoàn chạy vào xứ Nghệ, trong đó có những gia đình trồng hoa theo Vua vào đất Nghệ lánh nạn. Sau khi Vương tuẫn tiết tại biển Cửa Hiền, Nghệ An, một số gia nhân trồng hoa vượt sông Cấm vào trú đất Nghi Lộc tiếp tục nghề trồng hoa (nay cư dân các xã Nghi Trung, Kim, Liên, Đức, Ân, Phú thuộc Nghi Lộc xưa vẫn duy trì nghề trồng hoa và cây cảnh). Một số khác chạy ngược ra phía bắc chuyển sang làm nghề vàng mã lập nên làng Vàng, nay thuộc xã Diễn Hồng, huyện Diễn Châu. Để thấy rằng, đằng sau những vỏ bọc dệt bằng chất liệu truyền thuyết huyền thoại, ta bắt gặp những thông điệp lịch sử giữ nước hào hùng, bi tráng của người xưa lưu truyền cho con cháu muôn đời.
Chính sử mấy ngàn năm dựng nước giữ nước cho thấy, dưới thời Lý (1009-1225) Nghệ An là miền đất biên viễn trọng yếu, các đời vua Lý cắt cử người tài giỏi, có cả hoàng thân quốc thích vào cai quản trại, lộ, châu, phủ Nghệ An (tên gọi cấp hành chính thay đổi dưới thời Lý), đến thời Trần là trấn, mãi đến thời Lê đời vua Lê Thánh Tông, cụ thể năm 1470 mới là xứ Nghệ.

Thời Lý, Nghệ An biên viễn phía nam Đại Việt thường xuyên đối phó “giặc cỏ Chiêm Thành”  tràn ra cướp phá, giết hại lương dân, thế nên đồng thời có một Nghệ An cung người góp của, góp những đội tinh binh Nghệ trăm trận trăm thắng, lại còn có một vùng bãi ngang-bờ biển xứ Nghệ trải 220 cây số sườn phía đông quốc gia Đại Việt bất khả xâm phạm. Từ niên thiếu tôi đọc chuyện “Tướng cụt đầu” của kho huyền thoại dân gian xứ Nghệ. Sau 60 năm trong bộ nhớ đã tuổi xưa nay hiếm vẫn in đậm chất bi tráng bi hùng, rằng, ngày xưa giặc phương Bắc sang cướp nước ta, vị tướng người Nghệ đem quân ra ứng cứu. Đoàn quân chiến đấu vô cùng dũng cảm tới khi cờ rách trống thủng, đầu vị tướng bị giặc chém sắp lìa khỏi cổ, vị tướng vẫn ghì ôm thân ngựa chạy về đất Châu Diễn thì gặp bà cụ ngồi bên bờ Bằng Giang (sông Bùng), hỏi:
-Thưa cụ, xưa nay có ai bị chém đầu sắp lìa khỏi cổ, lắp lại đầu mà vẫn sống không?
-Không bao giờ.
Bà cụ dứt lời, đầu của vị tướng rơi xuống đất, phần thân thể hóa ngọn núi chỉ còn vai trở xuống. Tên gọi núi Hai Vai phải chăng hàm nghĩa “hai vai gánh vác sơn hà”? Khắp xứ Nghệ có nhiều ngọn núi cùng mang tên núi Cờ, núi Mão, núi Voi, núi Kiếm, núi Ngựa, núi Trống, núi Chuông vv... Sự hy sinh quả cảm của vị tướng người Nghệ khiến núi đá cũng ngưỡng mộ. Ở phía tây huyện Yên Thành nơi đoàn quân người Nghệ chiến đấu tới khi trống thủng cờ rách, hiện lên ngọn núi Trống Thủng và dãy núi Yên Mã với muôn đỉnh nhấp nhô, nhìn từ xa như diêm cờ trận.

          Thời trung đại, chàng tiều phu Mai Thúc Loan dựng cờ khởi nghĩa chống quân xâm lược nhà Đường, tại sao sau khi dành thắng lợi oanh liệt, vị dũng tướng tiều phu xưng Đế mà không xưng Vương? Rồi khi chủ quyền quốc gia như ngàn cân treo dưới vó ngựa của quân xâm lược Nguyên Mông, vua Trần Nhân Tông dùng đất Hoan Diễn chiêu mộ đủ mười vạn binh, vì sao nhà vua không dùng vùng đất nào khác? Tôi mấy lần thăm làng Nội Duệ xã Yên Hồ, huyện Đức Thọ (cũng xứ Nghệ chứ không là xứ nào khác), nơi sinh ra Nguyễn Biểu (?-1413).Trong lịch sử ngoại giao thế giới xưa nay, sứ giả Nguyễn Biểu của Đại Việt là người duy nhất ăn cỗ đầu người do tướng giặc Trương Phụ mưu hèn kế bẩn bày đặt. Trước khi ăn, Nguyễn Biểu nói với tướng giặc “Người nước Nam được ăn đầu giặc Bắc”, rồi ung dung đọc bài thơ vừa làm:Ngọc thiện trân tu đã đủ mùi/Gia hào thêm có cỗ đầu người/Nem công chả phượng còn thua béo/Thịt gấu, gân lân hẳn kém tươi/Ca lối Lộc minh so cũng một/Vật bày thọ thủ bội hơn mười/Kìa kìa ngon ngọt tày vai lợn/Tráng sỹ như Phàn tiếng để đời.

Đến Lê Lợi dựng cờ khởi nghĩa kháng chiến 10 năm chống giặc Minh xâm lược, lịch sử chỉ chép Lê Lợi dựng cờ nghĩa tại Lam Sơn, Thanh Hóa, mà không lý giải  tại sao lại “Hoan Châu chi địa” vào đất Hoan Châu (tên gọi xưa của Nghệ An) đứng chân? Lịch sử không nói, từ huyện Nghi Lộc sang huyện Nam Đàn cư dân phải đi qua truông Hiến-hiến người hiến của cho khởi nghĩa Lam Sơn, về sau thổ âm lệch thành truông Hến. Lịch sử cũng chẳng nói từ làng Kim Lũy (nay là xã biển Diễn Kim, Diễn Châu) ra Yên Lý, cư dân đi qua cầu Cẩm Bào. Truyền rằng sau khi “Trận Bồ Đằng sấm vang chớp giật/ Miền Trà Lân trúc chẻ tro bay”, chủ tướng Lê Lợi đứng tại nơi này mặc áo bào để tiến ra tiếp quản Thăng Long, người Nghệ đặt tên cầu Cẩm Bào để đời đời tưởng nhớ vị Anh hùng giải phóng dân tộc. Vùng đất đỏ Phủ Quỳ có mấy nơi mang tên Bãi Tập, các nơi này với hàng trăm gốc lim cháy dở từng là thao trường nghĩa quân Lam Sơn về đêm đốt lửa luyện binh. Những năm 80 của thế kỷ 20, tôi vẫn thấy bên QL48 đoạn qua xã Châu Bình huyện Quỳ Châu, một Bãi Tập rộng hàng hec ta, lô nhô những gốc lim cháy dở giữa màu xanh ngô, lúa của cư dân.

Có những sự kiện lịch sử chưa thể bóc tách khỏi lớp vỏ huyền sử. Trong “túi càn khôn” lép kẹp tôi mang theo vẫn lơ lửng bóng mây lịch sử bí ẩn: Hoàng đế áo vải cờ đào Quang Trung, trên đường từ Phú Xuân ra Thăng Long, nếu Ngài không dừng lại Phượng Hoàng Trung Đô (nay là Tp Vinh) để mộ đủ 10 vạn binh lính người Nghệ, thì liệu đại quân xâm lược nhà Thanh đâu dễ thảm bại nhanh đến thế? Từ đó công cuộc giành lại kinh thành Thăng Long cũng đâu dễ diễn ra nhanh đến thế? Cũng như dòng lớn sông Lam trong tiềm thức lớp lớp người Nghệ xưa nay là biểu tượng của quê hương xứ sở mình, song chưa ai cắm nổi cột mốc phân định rạch ròi giữa một sông Lam dòng chảy tự nhiên, với một sông Lam dòng lớn nhân sinh-nhân văn.

Ánh nghĩ của tôi tập trung vào sông Lam-dòng lớn nhân sinh-nhân văn, hình dung như dải lụa mềm dệt bằng chất liệu văn hóa lịch sử trải giữa lòng xứ Nghệ. Nhánh Nậm Nơn đầu nguồn có 33km thủy trình chảy qua xã Mỹ Lý huyện Kỳ Sơn. Xã biên giới rẻo cao này có 7 bản người Thái sinh sống, đặc biệt tại bản Yên Hòa có ngọn tháp cổ cao trên 30m gọi là tháp cổ Yên Hòa. Các già bản truyền rằng, tháp được xây dựng cách nay chừng trên dưới nghìn năm. Trên đất Mỹ Lý từng có 3 tháp cổ ở các bản Xiềng Trên, Xiềng Tắm, Thả Lày (nay là bản Hòa Lý) nhưng cả 3 ngôi tháp đã sụp đổ hoàn toàn. Có ý kiến cho rằng, tháp cổ Yên Hòa là sản phẩm của giáo phái tiểu thừa từ Thái Lan và Lào di cư vào Việt Nam khoảng thế kỷ thứ 7. Giáo phái tiểu thừa này giai đoạn phát triển thường xuất hiện hai loại tháp gồm tháp mộ và tháp thờ. Tháp cổ Yên Hòa là tháp thờ, căn cứ vào bên tháp có nhà thờ (đã sập) và không có mộ, giống tháp Nhạn ở xã Hồng Long, huyện Nam Đàn. Tại Ngã ba Cửa Rào thuộc xã Xá Lượng- huyện Tương Dương, cù lao giữa Ngã ba sông được coi là Km0 của dòng lớn sông Lam. Thế kỷ 14, Đốc tướng Đoàn Nhữ Hài (1280-1335) được vua nhà Trần giao kinh lý Nghệ An, trong một trận chiến chống giặc Ai Lao sang quấy phá cướp bóc dân Nghệ, ông hy sinh anh dũng tại đây, cư dân nghề sông nước vùng đầu nguồn thành tâm lập Đền thờ Ngài Đốc tướng. Và trước khi cuộc thủy trình vĩ đại hóa thành đại dương mênh mông bên ngoài Cửa Hội, tại điểm cuối bờ nam của dòng lớn sông Lam, cư dân làng Hội Thống (huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh) sớm lập đền thờ Trung tiết vương Tô Hiến Thành.

Trước khi dòng Lam tự nhiên hết mình vào biển lớn, cuộc thủy trình xuyên hàng vạn năm của nó đã bồi lắng cho xứ Nghệ (cũng là cho dân tộc Việt Nam) nhiều Tâm lớn Trí cao, tên tuổi rạng ngời sử sách. Nói khác, lớp lớp người Nghệ từ khi bào thai đã hấp thụ khí thiêng sông núi Lam Hồng, hấp tụ tinh túy của dòng sữa Ví Giặm để “Làm người đói sạch rách thơm/Công danh là nợ nước non phải đền”. Khí thiêng sông núi Lam Hồng đã hun đúc nên nhiều tên tuổi lớn, tiêu biểu như Mai Thúc Loan, Hoàng Tá Thốn, Nguyễn Cảnh Chân, Nguyễn Xí, Đặng Tất, Đặng Dung, Hồ Thơm-Nguyễn Huệ-Quang Trung, Nguyễn Hữu Chỉnh, Nguyễn Du, Hồ Xuân Hương, Phan Đình Phùng, Phan Bội Châu, Hồ Chí Minh, Trần Phú, Lê Hồng Phong vv... Hầu hết trong số đó “Quốc thù vị báo đầu tiên bạch/ Kỷ độ Long Tuyền đới nguyệt ma”-Đầu bạc giang san thù chưa trả/Long tuyền mấy độ bóng trăng soi (Cảm hoài, Đặng Dung).

Cảm ơn sông Lam - dòng chảy tự nhiên. Cảm ơn sông Lam - dòng lớn nhân sinh - nhân văn đã và đang không ngừng bồi đắp CỐT CÁCH Ý CHÍ NGƯỜI NGHỆ, cùng cả nước tạo nên SỨC MẠNH TINH THẦN VIỆT NAM./.

Giao Hưởng

                                                                   
 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây