Tái diễn tình trạng thừa - thiếu cục bộ
Từ quy mô trường học có 24 lớp, năm nay Trường THCS Trung Đô (thành phố Vinh) tăng lên 28 lớp và chuyển từ trường có quy mô hạng 2 lên trường có quy mô hạng 1. Tăng học sinh, tăng lớp, năm học này nhà trường vẫn có thể đảm bảo đủ phòng học cho học sinh học 1 ca khi chuyển các phòng học chung như phòng ngoại ngữ, phòng máy chiếu sang phòng học. Nhưng riêng việc thiếu giáo viên thì quả thực là một khó khăn khi hiện nay trường đang thiếu đến 7 người.
Nói về điều này, thầy giáo Nguyễn Minh Khoa – Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Nếu tính theo tỷ lệ 1,72 giáo viên/lớp thì hiện nay chúng tôi đang thiếu 7 giáo viên ở các môn như: Thể dục, Hóa học, Vật lý, Sinh học, Tin học, Toán... Đây là điều khó khăn cho nhà trường trong việc bố trí giáo viên cho năm học này và hiện chúng tôi vẫn đang chờ được bổ sung biên chế. Trong trường hợp thành phố không có giáo viên bổ sung, nhà trường buộc phải trích một phần học phí để hợp đồng giáo viên.
Hiệu trưởng nhà trường cũng cho rằng, việc hợp đồng giáo viên để đủ giáo viên đứng lớp chỉ là giải pháp trước mắt bởi khó đảm bảo chất lượng. Bởi lẽ, đây đều là những giáo viên trẻ, mới ra trường, chưa có nhiều kinh nghiệm, chưa được tập huấn nhiều về chuyên môn. Vì vậy, khi tuyển các giáo viên này về, nhà trường phải mất nhiều tháng bồi dưỡng, hướng dẫn và cho các giáo viên tập giảng. Giải pháp thứ hai là có thể hợp đồng với một số giáo viên dạy thừa tiết ở các trường khác. Tuy nhiên, điều này là không khả thi bởi hiện nay tình trạng thiếu giáo viên diễn ra phổ biến ở các nhà trường.
Trong bối cảnh chung, nhà trường đang tính tới việc vận động giáo viên dạy tăng tiết hoặc kiêm nhiệm thêm môn phụ. Mặc dù vậy, phương án này có thể không phù hợp bởi đây là năm thứ 3 nhà trường triển khai chương trình mới với các lớp 6, 7, 8. Nếu sử dụng phương án giáo viên “2 trong 1” hoặc “3 trong 1” thì chất lượng giáo viên không đảm bảo và có thể dẫn đến tình trạng quá tải với nhiều giáo viên.
Không chỉ với bậc THCS, tình trạng thiếu giáo viên ở thành phố còn diễn ra ở bậc mầm non và cả bậc tiểu học. Như tại Trường Tiểu học Hưng Lộc, năm nay trường có 42 lớp nhưng chỉ có 50 giáo viên. Giáo viên thiếu nhiều nhưng trường lại có đến 2 điểm trường, cách nhau khá xa nên việc bố trí giáo viên thực sự vất vả.
Cô giáo Nguyễn Thị Hiền – Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Chúng tôi đang dự kiến hợp đồng gần 10 giáo viên, trong đó có 4 giáo viên văn hóa, 3 giáo viên tiếng Anh, 1 giáo viên Tin học. Tuy vậy, hiện nay việc hợp đồng giáo viên cũng rất khó khăn, nhất là giáo viên Tin học. Chúng tôi đã thông báo hơn 1 tháng nay nhưng vẫn chưa tuyển dụng được.
Toàn thành phố Vinh, năm học 2022 - 2023 thiếu 227 giáo viên ở cả 3 cấp học, trong đó nhiều nhất là giáo viên ở bậc mầm non. Nhưng đến năm học này, nguy cơ thiếu giáo viên tiếp tục tăng, nhất là ở bậc THCS vì nhu cầu dự kiến là 1.003 giáo viên nhưng biên chế hiện chỉ có 884 giáo viên.
Hiện thành phố đang tiến hành tuyển dụng giáo viên nhưng chỉ có 14 giáo viên ở bậc THCS nên chỉ đáp ứng được một bộ phận nhỏ. Số giáo viên đang thiếu, buộc các nhà trường phải hợp đồng thêm mới có thể đáp ứng cơ bản việc dạy và học.
Tại huyện Nam Đàn, dù là một trong những huyện làm tốt việc tuyển dụng, sắp xếp đội ngũ giáo viên các cấp nhưng vẫn không tránh khỏi được tình trạng thiếu giáo viên ở các cấp học.
Ông Lê Trung Sơn – Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện cho biết: Hiện nay, nếu tính theo định biên tỉnh giao, huyện Nam Đàn chỉ thiếu hơn 20 giáo viên. Nhưng nếu tính theo quy định thì đang thiếu hơn 100 giáo viên. Như bậc mầm non, hiện tỷ lệ giáo viên của chúng tôi chỉ mới đạt 1,76 giáo viên/lớp, trong khi quy định là 2,2 giáo viên/lớp. Ở bậc THCS, 8 năm nay, chúng tôi không có chỉ tiêu để tuyển dụng vì đang thừa giáo viên. Nhưng ở một số môn của bậc học này lại thiếu giáo viên như các môn Hóa học, Âm nhạc, Mỹ thuật.
Trên toàn tỉnh, thống kê năm học này thiếu khoảng 6.500 giáo viên và dẫn đến khó khăn cho các nhà trường trong việc bố trí, sắp xếp đội ngũ. Đây cũng là bài toán khó diễn ra trong nhiều năm nhưng vẫn chưa có hướng giải quyết dứt điểm.
Khó khăn trong thuyên chuyển, biệt phái
Bảng tổng hợp số liệu giáo viên thừa – thiếu của các trường học trên địa bàn huyện Thanh Chương để chuẩn bị xây dựng phương án bố trí, biệt phái giáo viên năm học 2023 – 2024 đầy kín các số liệu.
Trong các chỉ số cân đối giữa giáo viên hiện có và giáo viên theo quy định, số trường có chỉ số âm khá nhiều, trong đó có nhiều trường âm đến 5,6 giáo viên. Điều khó khăn hiện nay đó là trên mặt bằng chung dù số giáo viên toàn huyện chưa đủ, nhưng Phòng Giáo dục phải cân đối sắp xếp sao cho hợp lý giữa các trường từ nơi thừa về nơi thiếu, từ nơi thiếu ít đến nơi thiếu nhiều.
Tại Trường Tiểu học Thanh Liên, năm nay trường có 17 lớp nhưng chỉ có 23 giáo viên, tỷ lệ giáo viên chỉ mới đạt hơn 1,3 giáo viên/lớp. Dù hiện tại, nếu để đảm bảo giáo viên theo như quy định là 1,5 giáo viên/lớp, nhà trường vẫn đang thiếu giáo viên nhưng năm học này trường vẫn nhận được quyết định phải biệt phái 2 giáo viên văn hóa để san sẻ cho trường khó hơn là Trường Tiểu học Hạnh Lâm.
Nói về điều này, thầy giáo Nguyễn Xuân Quảng – Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Thiếu giáo viên là tình trạng chung của huyện nên chúng tôi vẫn phải cố gắng bố trí sắp xếp cho đúng với thực tế. Với 2 giáo viên biệt phái, chúng tôi căn cứ theo nguyện vọng và điều may mắn là các giáo viên đều ủng hộ vì hầu hết các giáo viên đều phải thực hiện ít nhất 1 lần. Trong đó, có 1 giáo viên nữ xin biệt phái để gần với nơi công tác của chồng, thuận lợi việc đi lại. Còn lại là 1 giáo viên nam cũng tình nguyện đi biệt phái 1 năm để hỗ trợ các giáo viên nữ đã có tuổi, sức khỏe không đảm bảo.
Trước đó từ năm 2016, huyện Thanh Chương đã “bố trí sắp xếp, nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên giai đoạn 2016-2020 và những năm tiếp theo”.
Qua quá trình thực hiện, hàng năm huyện đều phải thực hiện việc thuyên chuyển giáo viên để điều hòa được chất lượng giáo viên giữa các trường, các vùng, cân đối giáo viên giữa các môn học, cấp học. Việc triển khai cũng đã có những điều chỉnh để vừa phù hợp với thực tiễn nhưng phần nào đáp ứng được nguyện vọng của giáo viên.
Nếu so với quy định, chúng tôi đang thiếu 437 giáo viên tiểu học và mầm non, nếu so với định biên tỉnh giao thì thiếu 109 người. Trong khi đó bậc THCS lại đang thừa 141 giáo viên nhưng lại thiếu giáo viên các môn như: Tiếng Anh, Tin học, Hóa học. Vì vậy năm nay chúng tôi dự kiến bố trí giáo viên THCS đến dạy tại các trường tiểu học theo hình thức biệt phái không quá 1 năm, bố trí giáo viên tiếng Anh dạy liên trường cho các trường tiểu học, bố trí dạy liên trường đối với các môn còn thiếu giáo viên như Tin học, Hóa học, cấp kinh phí thiếu giáo viên cho cấp tiểu học và bậc mầm non để giáo viên dạy bù giờ.
ÔNG TRẦN XUÂN HÀ – TRƯỞNG PHÒNG GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO HUYỆN THANH CHƯƠNG
Huyện Nam Đàn, hiện cũng dự kiến biệt phái 22 giáo viên để điều hòa giáo viên giữa các trường. Đây cũng là một trong ít địa phương mỗi năm cấp kinh phí vài tỷ đồng để hỗ trợ các trường hợp đồng thêm giáo viên hoặc dạy tăng tiết.
Tại huyện Yên Thành, ngoài khẩn trương tuyển dụng 394 giáo viên cho năm học tới, huyện vẫn tiếp tục việc thuyên chuyển gần 100 giáo viên giữa các trường để đảm bảo điều chỉnh, cân đối và bổ sung giáo viên, nhân viên cho các trường và giải quyết kịp thời nguyện vọng chính đáng của giáo viên, nhân viên trong việc xin chuyển đến nơi công tác thuận lợi, yên tâm công tác lâu dài.
Ông Hoàng Danh Truyền – Phó Chủ tịch UBND huyện Yên Thành cho biết: Việc thuyên chuyển, biệt phái giáo viên, nhân viên là việc làm thường xuyên vào đầu năm học, xuất phát từ nhu cầu thực tế, đảm bảo tính hợp lý về số lượng, đồng bộ về cơ cấu vị trí việc làm nhằm ổn định đội ngũ, đáp ứng tốt nhu cầu giảng dạy và giáo dục cho các trường. Theo quy định, thời hạn biệt phái giáo viên, nhân viên không quá 3 năm. Không thực hiện biệt phái giáo viên, nhân viên nữ đang mang thai hoặc nuôi con dưới 36 tháng tuổi.
Để việc điều động, luân chuyển, biệt phái, thuyên chuyển công chức, viên chức ngành Giáo dục và Đào tạo thực hiện đúng quy định, từ tháng 10/2019, UBND tỉnh Nghệ An cũng đã ra văn bản hướng dẫn và quy định khá chi tiết đối với từng đối tượng.
Đây cũng được xem là cơ sở để các địa phương thực hiện việc biệt phái, thuyên chuyển đúng theo quy định và để các ban, ngành liên quan giám sát việc triển khai, để vừa đáp ứng được yêu cầu dạy và học nhưng vẫn đảm bảo quyền lợi đối với các giáo viên./.