Thứ ba, 23/04/2024, 18:22

Nghị lực phi thường của một nữ thầy thuốc ưu tú

Có thời điểm tưởng chừng đầu hàng trước bánh xe nghiệt ngã của số phận, gánh nỗi đau khôn xiết khi trong 1 năm mất cả chồng lẫn con trai, nhưng trái tim người thầy thuốc cùng sự trách nhiệm, gắn bó với y tế cơ sở đã giúp chị Lê Thị Tâm vực dậy, vượt lên nghịch cảnh.

Bằng nghị lực phi thường, cống hiến không mỏi mệt vì sức khỏe nhân dân, Trạm trưởng Trạm Y tế xã Diễn Đồng (Diễn Châu) đã được trao tặng danh hiệu cao quý Thầy thuốc Ưu tú.

Nghị lực phi thường của một nữ thầy thuốc ưu tú ảnh 1

Khuôn viên xanh - sạch - đẹp, bài trí khoa học của Trạm Y tế xã Diễn Đồng (Diễn Châu). Ảnh: TG

Bác sĩ của lòng dân

Trong một lần ghé thăm mảnh đất Diễn Đồng, chúng tôi được chị Bùi Thị Hồng - Bí thư Đảng ủy xã trực tiếp đưa đi gặp bác sĩ Chuyên khoa cấp I Lê Thị Tâm, hiện đang đảm nhiệm cương vị Trạm trưởng Trạm Y tế xã, để được mắt thấy tai nghe câu chuyện của một trong những điển hình cá nhân không chỉ của xã Diễn Đồng, mà của toàn huyện Diễn Châu và ngành Y tế Nghệ An trong thực hiện Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

Quả đúng như lời giới thiệu trước đó của người đứng đầu Đảng bộ xã, trạm y tế nằm gọn trong một khuôn viên sạch sẽ, rợp bóng cây xanh. Toàn bộ đội ngũ cán bộ, nhân viên y tế của trạm làm việc tại một dãy nhà 2 tầng, được bố trí đầy đủ, khoa học, gồm khu vực tiếp đón, khám bệnh, phòng thuốc, phòng tiêm, phòng khám phụ khoa, phòng đẻ..., bài bản đúng chuẩn quốc gia về y tế. Để đỡ ảnh hưởng tới công việc chuyên môn của trạm, chúng tôi chủ đích tới đây khi trời đã gần đứng bóng, bệnh nhân tới thăm khám, kiểm tra sức khỏe đã vãn nhiều so với buổi sáng.

Nghị lực phi thường của một nữ thầy thuốc ưu tú ảnh 2

Bác sĩ chuyên khoa I Lê Thị Tâm kiểm tra sức khoẻ cho người dân xã Diễn Đồng. Ảnh: TG

Trong chiếc áo blouse trắng, chị Tâm ân cần hỏi han chị Hoàng Thị Loan, người dân xóm 3 tới xin tư vấn sau mấy hôm đau nhức, mệt mỏi vì căn bệnh thoái hóa tái phát. Nhận là người thường xuyên lui tới trạm mỗi lúc trái gió trở trời, chị Loan cho biết, lần nào cũng được trạm trưởng khám kỹ lưỡng, chu đáo: “Bác sĩ Tâm giỏi nghiệp vụ, lúc nào cũng vui vẻ, niềm nở với người dân, nên làng trên xóm dưới, hễ ai có vấn đề gì về sức khỏe, dù lớn dù nhỏ đều nghĩ đến trạm, nghĩ đến chị Tâm trước tiên. Cứ đến đây là chúng tôi thấy yên tâm lắm”.

Tiễn bệnh nhân ra về, chị Tâm quay lại mong chúng tôi “thông cảm”, vì cái nghề y hễ ai trót đam mê và dấn thân đều hiểu rõ sự bận rộn, chẳng quản giờ giấc, nắng mưa, chỉ cần người bệnh cần thì thầy thuốc luôn có mặt, sẵn sàng hỗ trợ. Quan sát chị tháo bỏ lớp khẩu trang y tế, khẽ thấm những giọt mồ hôi còn vương lại trên gương mặt trung niên nhưng vẫn còn phảng phất nét “hồng nhan” thuở nào, tôi không dằn lòng nổi mà buột miệng: “Bác sĩ Tâm đẹp thật, nhìn chị phúc hậu, hiền lành, đúng với câu người ta hay nói Lương y như từ mẫu".

Đáp lại, chị chỉ khẽ mỉm cười, như thể đây chẳng phải lần đầu tiên chị nghe được những lời khen ngợi ấy. Rồi chị bắt đầu kể cho chúng tôi nghe về câu chuyện đời mình, một cuộc đời lắm nỗi truân chuyên, ẩn chứa những nỗi đau, nhưng hơn hết là sự vị tha, nghị lực sống và cống hiến hiếm ai làm được.

Nghị lực phi thường của một nữ thầy thuốc ưu tú ảnh 3

Chân dung nữ Trạm trưởng Trạm Y tế xã Diễn Đồng - Lê Thị Tâm. Ảnh: TG

Sinh năm 1973 tại miền quê nghèo xã Diễn Trường, huyện Diễn Châu, ngay từ nhỏ, cô bé Lê Thị Tâm đã nuôi ước mơ học y để chữa bệnh cứu người. Đến tuổi trưởng thành, khác với những bạn gái đồng trang lứa, chọn nghỉ học làm nông, kinh doanh hoặc lấy chồng sớm để “yên bề gia thất” như nguyện vọng của mẹ cha, Tâm quyết tâm thi đỗ và được gia đình ủng hộ theo học Y sĩ đa khoa tại Trường Trung cấp Y Nghệ An, nay là Trường Đại học Y khoa Vinh.

Tốt nghiệp, chị được tiếp nhận về làm y sĩ điều trị tại Trạm Y tế xã Diễn Đồng, được phân công nhiệm vụ khám, điều trị bệnh cho nhân dân. Cùng với các đồng nghiệp nhiệt huyết, cô gái trẻ Lê Thị Tâm khi ấy luôn gắng sức hoàn toàn tốt vai trò của tuyến y tế cơ sở về khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân. Nhưng với chị, sự học không bao giờ là đủ, trước yêu cầu đặt ra từ thực tiễn, vượt lên hoàn cảnh cá nhân còn nhiều khó khăn, thiếu thốn, chị Tâm quyết theo học bác sĩ đa khoa hệ chuyên tu tại Trường Đại học Y Thái Bình vào năm 1998, sau đó năm 2013 tiếp tục học bác sĩ chuyên khoa cấp I chuyên ngành Sản phụ khoa tại Trường Đại học Y Hải Phòng. Nắm vững chuyên môn cùng với bằng cấp cao hơn, nhưng một lần nữa, chị Tâm lại khiến không ít người ngạc nhiên và thán phục, khi vẫn lựa chọn trở về gắn bó với nơi mình đã bắt đầu sự nghiệp cứu người. 20 năm qua, chị vẫn thủy chung, son sắt với cương vị Trạm trưởng, bác sĩ điều trị Trạm y tế xã, trở thành “bác sĩ của lòng dân” ở xã Diễn Đồng...

Nghị lực vượt lên số phận

Nghị lực phi thường của một nữ thầy thuốc ưu tú ảnh 4

Tranh thủ giờ nghỉ trưa, chị Tâm tạt qua nhà thăm cha mẹ chồng. Các cụ hiện tuổi đã cao, sức khoẻ yếu, rất thương người con dâu giỏi giang nhưng vất vả, long đong. Ảnh: TG

Mảnh đất Diễn Đồng thân thương còn là nơi se duyên cho chị Lê Thị Tâm gặp gỡ, nên vợ nên chồng với một người đàn ông hiền lành, chất phác, gây dựng một gia đình nhỏ luôn ấm êm, hạnh phúc, rộn rã tiếng cười trẻ thơ. Nhưng có đâu ngờ, giữa lúc chị Tâm cảm nhận được sự viên mãn, hài hòa của công việc và cuộc sống, thì tai ương bất chợt ập đến mà như người trong cuộc miêu tả là “đang ở trên mây mà rơi thẳng xuống vực”.

Năm 2016, khi đứa con trai đầu lòng đang học đại học tại Hà Nội, chồng chị sắp xếp thời gian ra thăm ít ngày, đặng kiểm tra, lo liệu nơi ăn chốn ở tử tế cho con. Song cha con vừa gặp nhau chưa lâu, cơn đột quỵ đã khiến chồng chị Tâm ra đi mãi mãi, không kịp trăn trối, dặn dò. Tin dữ như sấm sét giữa trời quang, chị ngã quỵ khi bản thân mất đi chỗ dựa, gia đình từ nay mất đi trụ cột. Nhìn 2 đứa con thơ dại, lại được sự động viên, vỗ về của người thân, bà con chòm xóm và thăm hỏi của nhiều bệnh nhân xa gần, chị gắng gạt nước mắt, nuốt nỗi đau vào bên trong.

“Có lẽ trách nhiệm của người thầy thuốc là thứ đã níu tôi lại, là điều mà tôi đã bấu víu để vượt qua nỗi đau mất đi người chồng đầu gối tay ấp”, chị Tâm tâm sự.

Năm ấy, xã Diễn Đồng được giao xây dựng xã đạt chuẩn Quốc gia về y tế, lãnh đạo Đảng ủy, UBND xã, các đồng nghiệp trong trạm y tế đều bảo rằng, trạm không thể thiếu chị, nhất là trong giai đoạn quan trọng này. Rồi người ta thấy cảnh một người phụ nữ, trên đầu chít khăn tang, vẫn ngày ngày tới trạm, chăm chút từng hạng mục dù là nhỏ nhất, để không phụ sự kỳ vọng của mọi người.

Nhà làm việc mới của trạm dần thành hình, chị tiếp tục rà soát, tham mưu cho địa phương các nội dung để đáp ứng với Bộ tiêu chí của Trung ương, gánh một lúc nhiều vai - vừa lo chuyên môn, vừa kêu gọi nguồn lực xã hội hóa để có thêm nguồn đầu tư, trang bị cho trạm y tế. Bác sĩ Tâm nhớ lại, khi đó có nhiều người ở xa cũng tìm đến, ai có nhiều ủng hộ nhiều, có ít thì góp ít, phần vì thương cảm, xót xa, phần vì cảm phục, trân trọng khi được nghe câu chuyện về nữ trạm trưởng y tế này. Mỗi một tấm lòng, đều được chị và các đồng nghiệp đón nhận với tất cả sự tri ân, cảm kích...

Nghị lực phi thường của một nữ thầy thuốc ưu tú ảnh 5

Chị Tâm (giữa) trao đổi nghiệp vụ cùng các đồng nghiệp tại Trạm Y tế xã Diễn Đồng. Ảnh: TG

Những giọt mồ hôi, và cả nước mắt đổ xuống, để đổi lấy thành quả xứng đáng, Diễn Đồng được UBND tỉnh công nhận là xã đạt Bộ tiêu chí Quốc gia về y tế. Nhìn các cán bộ, nhân viên y tế của trạm vỡ òa niềm vui, niềm hạnh phúc, trái tim chị Tâm như được sưởi ấm một lần nữa, chị mỉm cười khi nghĩ về viễn cảnh bà con rồi đây chẳng cần phải đi đâu xa mà sẽ được thụ hưởng sự chăm sóc tốt hơn về sức khỏe ngay chính tại quê hương...

Nhưng tạo hóa khéo trêu ngươi, bánh xe số phận hết lần này lượt khác lại nghiệt ngã với chị. Năm 2017, khi giỗ đầu chồng vừa qua được vài ngày, chị Tâm lại bàng hoàng hay tin, đứa con trai mà chị dành muôn vàn yêu thương và kỳ vọng gặp tai nạn giao thông khi đang đi tập thể dục, bị chấn thương sọ não. Vội vàng bắt xe ra thủ đô ngay trong đêm, nhưng với linh tính của một người mẹ, cộng với sự am hiểu chuyên môn của một bác sĩ, chị hiểu rằng con mình lành ít, dữ nhiều. Mất con - nỗi đau chẳng ngôn từ nào tả xiết, nhưng chị Tâm lại chưa từng buông lời oán thán người đã gây tai nạn cho con mình. Thậm chí, nén nỗi niềm riêng, chị vẫn gượng dậy ra tận Hà Nội, đến cơ quan công an để xin miễn truy cứu trách nhiệm hình sự cho người đó, rồi làm công tác tư tưởng cho bố mẹ chồng, con gái, anh em nội ngoại để mọi người bớt đau khổ, oán trách và chấp nhận tha thứ. Người thanh niên gây tai nạn năm đó - trạc tuổi con trai chị - giờ đây vẫn thường xuyên giữ liên lạc, vẫn về Diễn Châu mỗi dịp cúng giỗ con chị hàng năm, và được chị xem như con cháu trong nhà.

Ngày tôi gặp chị, cũng là ngày tròn 5 năm đứa con trai giỏi giang, ngoan hiền rời xa chị, nỗi đau vẫn còn đó, nhưng chị bảo bản thân vẫn gắng dằn lòng lại để tiếp tục sống, tiếp tục cống hiến cho sự nghiệp chăm sóc sức khỏe nhân dân. Lẽ thường khi gia đình có giỗ kỵ, đã xin nghỉ phép thì có lơi đi chút chuyên môn cũng chẳng ai trách móc, nhưng với chị Tâm đó là điều không được. Hôm ấy, đang soạn cỗ cúng thì chị nhận được cú điện thoại báo tin về một ca bệnh cấp cứu, một bệnh nhân đột nhiên bị rối loạn tri giác sau khi khám được chẩn đoán nhanh là hội chứng não cấp do hạ đường huyết. Chị vội chạy tới nhà người bệnh, giúp họ vượt qua giai đoạn nguy hiểm rồi lại tự mình lái xe chở họ lên trạm y tế tiếp tục theo dõi, điều trị khi biết hoàn cảnh bệnh nhân là người khuyết tật, gia đình khó khăn. Tối ấy, chị nhắn tin cho tôi, hân hoan chia sẻ niềm vui khi đã chẩn đoán đúng bệnh và xử trí kịp thời nên bệnh nhân được an toàn mà không tốn kém chi phí điều trị - và tuyệt nhiên chẳng kèm một lời than vãn, kể lể nào.

Nghị lực phi thường của một nữ thầy thuốc ưu tú ảnh 6
Bác sĩ Lê Thị Tâm được trao tặng nhiều danh hiệu cao quý. Ảnh: NVCC
 

Hơn nửa cuộc đời gắn bó với tấm áo blouse trắng, 20 năm trở thành “thuyền trưởng” chăm lo cho sức khoẻ của người dân trên địa bàn, chị Tâm chưa bao giờ đòi hỏi gì nhưng thường xuyên được bà con đến “dúi” cho mớ rau sạch, con cá tươi vừa bắt ở ao nhà lên... thay cho lời tri ân đối với nữ lương y. Chị bảo những lúc ấy, từ chối thì chẳng đặng, bởi đó là tấm lòng của người dân nghèo, chị nhận nhưng vẫn nói rõ việc chị làm là trách nhiệm, bổn phận của chị. Món quà quý nhất đối với chị, chính là việc hàng ngày, hàng giờ được sống giữa tình thương của mọi người, được đem sức mình cống hiến, vì cuộc sống hạnh phúc, khoẻ mạnh của nhân dân.

Bác sĩ chuyên khoa I Lê Thị Tâm - Trưởng Trạm Y tế xã Diễn Đồng, Trung tâm Y tế huyện Diễn Châu, Sở Y tế tỉnh Nghệ An đã có cống hiến trong sự nghiệp bảo vệ và nâng cao sức khoẻ của nhân dân, được Chủ tịch nước tặng danh hiệu cao quý Thầy thuốc Ưu tú ngày 17/11/2020.

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây