Lối mòn “xấu” trong hệ thống tín dụng
Ngân hàng thương mại (NHTM) là một loại hình doanh nghiệp và là một đơn vị kinh tế có vai trò trung gian tài chính và chức năng kinh doanh thu lợi nhuận trong nền kinh tế thị trường, còn Công ty Bảo hiểm nhân thọ (BHNT) cũng là một doanh nghiệp bảo vệ tài chính cho người được bảo hiểm trước các rủi ro liên quan sức khỏe, thân thể và tính mạng. Như vậy, về chức năng thì cả hai đều là những doanh nghiệp đóng vai trò huyết mạch của kinh tế và đảm bảo an sinh xã hội.
Để phát triển ngày càng lớn mạnh hơn, NHTM và BHNT tạo ra mô hình liên kết trong việc phát triển và phân phối các sản phẩm bảo hiểm, được gọi là phân phối bảo hiểm qua kênh ngân hàng (Bancassurance). Cụ thể, NHTM sẽ ký thỏa thuận độc quyền với các hãng BHNT để bán chéo sản phẩm bảo hiểm qua ngân hàng với mục đích ban đầu là tạo vòng lợi ích cho cả ba bên: Hãng bảo hiểm nhân thọ, ngân hàng thương mại và khách hàng. Chính vì vậy mà Quốc hội cũng đã sửa đổi, thông qua Luật Kinh doanh bảo hiểm có hiệu lực từ ngày 01/01/2023 để bổ sung một số quy định đối với hoạt động của đại lý bảo hiểm tổ chức (bao gồm các tổ chức tín dụng), đồng thời cũng đã sửa đổi và bổ sung những quy định về hoạt động Bancassurance dành cho doanh nghiệp bảo hiểm và ngân hàng.
Theo tạp chí Ngân hàng thì trong năm 2021, Vietcombank và Techcombank là 2 ngân hàng thương mại có doanh thu từ phí dịch vụ bảo hiểm tăng gần 90%, đóng góp lớn vào lợi nhuận cả năm. Bên cạnh đó, một số ngân hàng khác như: TPBank, ACB, VIB, VPBank, VietBank, HDBank... cũng ghi nhận doanh thu từ phí dịch vụ bảo hiểm tăng mạnh trong năm 2021.
Rõ ràng lợi nhuận to lớn từ Bancassurance là động lực để cả ngân hàng thương mại lẫn bảo hiểm nhân thọ tăng cường hợp tác. Và để đẩy mạnh hơn nữa việc khai thác nguồn lợi từ đây, ngân hàng thương mại đã lợi dụng tâm thế “Có tiền nắm dao đằng cán” để tạo ra luật chơi với chiêu thức “bán bia kèm lạc” mà cụ thể là chèo kéo, gợi ý khách hàng (đang có nhu cầu vay vốn) phải mua bảo hiểm mới được giải ngân; đồng thời tăng lãi suất ép khách hàng tất toán khoản vay (trả nợ trong một lần) nếu hủy hợp đồng bảo hiểm.
Ngân hàng và bảo hiểm là những doanh nghiệp đóng vai trò huyết mạch của kinh tế và đảm bảo an sinh xã hội. Ảnh minh hoạ: Thu Huyền |
Từ đây, đại đa số khách hàng buộc phải “nhắm mắt đưa chân” mua bảo hiểm dù đó không phải là nhu cầu thiết thực. Bằng chiêu thức này, một số ngân hàng thương mại đã gài khách hàng vào trường hợp “tự nguyện” để hợp lý hóa cho hành vi tệ hại của mình.
Bản thân Bancassurance từ chỗ tạo nên vòng tròn lợi ích cho ngân hàng thương mại, cho công ty bảo hiểm, cho khách hàng và cho cả cơ quan quản lý nhà nước, đã trở thành một lối mòn “xấu xí” trong hệ thống tín dụng. Chính vì vậy mà Bộ trưởng Bộ Tài chính đã yêu cầu Cục Quản lý và Giám sát bảo hiểm đẩy mạnh công tác quản lý, giám sát hoạt động thị trường bảo hiểm, tiến hành thanh tra, kiểm tra các công ty bảo hiểm, bao gồm cả các đại lý bảo hiểm, môi giới bảo hiểm. Không để tiếp tục xảy ra tình trạng doanh nghiệp bảo hiểm liên kết với ngân hàng ép buộc khách hàng tới giao dịch phải mua bảo hiểm mới cho vay vốn.
Đẩy mạnh công tác quản lý, giám sát
Ở đây, cần phải khẳng định rằng việc đẩy mạnh thanh tra này phải tiến hành song song cả công ty bảo hiểm và ngân hàng thương mại, bởi mấu chốt của sự việc nói trên chính từ mối liên kết giữa các hãng BHNT và các NHTM trong việc phát triển và phân phối sản phẩm, cụ thể hơn là ngân hàng đã áp KPI cho nhân viên trong việc bán bảo hiểm nhân thọ. Như vậy, nếu có sai phạm thì phải xử lý cả hai chứ không phải một. Bên cạnh đó, cũng phải có sự giám sát chặt chẽ việc tư vấn sản phẩm bởi từ lâu nay cả NHTM và BHNT đều “gian gian díu díu mập mờ” trong việc này.
Đầu tiên, là việc nhân viên NHTM không có chứng chỉ đứng ra tư vấn cho khách hàng mua các sản phẩm đầu tư tài chính, đặc biệt là những khách hàng không có nhiều kiến thức về lĩnh vực này (ví như các cụ hưu trí). Lợi dụng vào đây, nhân viên ngân hàng đã tư vấn kiểu mập mờ để khách hàng không gửi tiết kiệm mà gửi tiền vào các quỹ trái phiếu, quỹ cổ phiếu, và các sản phẩm chứng chỉ tiền gửi. Minh chứng rõ ràng nhất là Ngân hàng SCB đã tư vấn cho khách hàng mua trái phiếu một cách mập mờ thiếu trung thực khi họ vừa tất toán sổ tiết kiệm, bằng những mỹ từ như “sản phẩm ưu đãi dành cho khách hàng lâu năm, có rủi ro rất thấp vì doanh nghiệp nằm trong hệ sinh thái với ngân hàng”.
Đây không còn là câu chuyện lình xình về trái phiếu đơn thuần của không chỉ một ngân hàng nào mà là sự buông lỏng quản lý. Vì vậy, Bộ Tài chính nên siết chặt thanh tra cũng như tiến hành xử phạt răn đe đối với hoạt động của hệ thống ngân hàng. Đồng thời, nên nghiên cứu các đề xuất của chuyên gia nước ngoài về việc thành lập các hiệp hội tự quản nhằm ban hành quy tắc giúp nâng cao đạo đức của nhân viên ngân hàng, cũng như nhân viên doanh nghiệp chứng khoán.
Đối với những người đi vay, đang gặp khó khăn về tài chính, việc "ép" mua bảo hiểm chỉ càng khiến họ rơi vào bần cùng. Ảnh: Internet |
Thứ hai là đại lý bảo hiểm tư vấn sản phẩm cũng rất mập mờ về các điều kiện điều khoản của bảo hiểm. Cụ thể là khi tư vấn, hợp đồng một đường nhưng lại giải thích một nẻo, đặc biệt là nói vống về quyền lợi bảo hiểm, dẫn đến việc tiền hậu bất nhất khi khách hàng có yêu cầu chi trả quyền lợi. Chính vì vậy, các hãng BHNT phải luôn đảm bảo tính trung thực, công khai, minh bạch, tuyệt đối không để khách hàng hiểu sai về sản phẩm.
Nếu ngân hàng mời chào tiết kiệm trái phiếu, cổ phiếu bằng hình thức “tiết kiệm” thực tế họ đang khiến cho khách hàng nhầm tưởng đây là một loại gửi tiết kiệm, để khách hàng mua chứng chỉ quỹ, hoặc tệ hơn là tương tự trường hợp SCB và Tân Hoàng Minh. Hay khi ngân hàng mời chào tiết kiệm tiền gửi thì phải hết sức cẩn thận bởi sự mập mờ giữa tiết kiệm tiền gửi với chứng chỉ tiền gửi, chứng chỉ tiền gửi thời hạn dài. Một khi ngân hàng chủ động mời chào khách hàng mua chứng chỉ tiền gửi thì khả năng cao là “lãi suất chứng chỉ tiền gửi”, nghe qua khách hàng sẽ nghĩ có lãi cao, nhưng trên thực tế lãi thực nhận sau 1 năm lại thấp hơn gửi tiết kiệm quay vòng 1 tháng, hoặc ngân hàng sắp tăng lãi suất tiết kiệm nên lãi suất chứng chỉ tiền gửi hiện tại thấp hơn lãi suất tiết kiệm sắp nâng.
Nếu khách hàng vay tiền mua nhà mà ngân hàng ép phải mua bảo hiểm mới được giải ngân (hoặc giải ngân nhanh), thì khách hàng nên xác nhận với chủ đầu tư xem chủ đầu tư đã mua bảo hiểm hay chưa, bởi phần đa chủ đầu tư đã mua và nó đã nằm trong tiền mua nhà của khách hàng. Nhưng một cách tối ưu nhất đó chính là trực tiếp phản ánh lên Ngân hàng Nhà nước theo số điện thoại đường dây nóng hoặc email của Ngân hàng Nhà nước.
Như vậy, lợi ích mà Bancassurance tạo nên là không phải bàn cãi, nhưng cần có sự quản lý chặt chẽ để xóa bỏ lối mòn “xấu xí” mà nó đã tạo ra trong hệ thống tín dụng. Đồng thời, các ngân hàng cần phải xây dựng chiến lược phân phối các sản phẩm Bancassurance trên cơ sở thực tế của xu thế thị trường, trực tiếp phân loại đối tượng khách hàng để cung cấp dịch vụ bảo hiểm cho phù hợp với nhu cầu đích thực của họ, tạo điều kiện thuận lợi, hài lòng nhất cho khách hàng vừa tiếp cận được các sản phẩm ngân hàng vừa tiếp cận được các sản phẩm bảo hiểm.