Thứ bảy, 20/04/2024, 07:34

Người nối những bờ vui qua cánh sóng

(Hoinhabaonghean.vn) - Phan Văn Từ là một cây bút làm báo và làm thơ từ thời Văn nghệ Giải phóng. Sau ngày 30/4/1975, đất nước ta thống nhất, năm 1976 anh về nhận công tác ở bộ phận Văn nghệ của Đài Phát thanh Nghệ An, sau nhập tỉnh là Đài Phát thanh Nghệ -Tĩnh.
Hồi ấy, cái “đài mang hông” đang còn là cả một gia tài, một hiện tượng quan trọng góp phần làm nên đời sống văn hóa tinh thần của mỗi người dân quê ta. Ấy vậy mà đời sống cơm áo của các “nhà đài” bấy giờ lại vô cùng khiêm tốn, nếu không muốn nói là nghèo khó, nhếch nhác, đúng như hai câu ca dao truyền miệng: “Nhà thơ, nhà báo, nhà đài/ Cả ba nhà ấy chưa ai có nhà”.
     Tôi quen anh Từ cũng từ năm 76 ấy. Cậu sinh viên năm thứ 2 khoa Ngữ Văn, Trường Đại học sư phạm Vinh hay lân la tới căn phòng cấp bốn thấp lè tè của nhà báo Phan Văn Từ (hồi ấy, Đài Phát thanh Nghệ - Tĩnh đóng trong Thành cổ Vinh, gần Bảo tàng Tổng hợp tỉnh bây giờ). Ban đầu, tôi đến để “xem mặt” tác giả bài thơ được phổ thành ca khúc “Nhịp cầu nối những bờ vui” nổi tiếng. Bài thơ in trên Báo Nhân Dân năm 1971, sau đó nhạc sỹ Văn An phổ nhạc. Nhiều năm sau này, những lúc chúng tôi đi chơi hay đi thực tế sáng tác đâu đó, lúc giới thiệu về anh Từ, chỉ cần nói rất gọn đấy là tác giả thơ trong ca khúc “Nhịp cầu nối những bờ vui” của nhạc sỹ quân đội Văn An, là mọi người đã ồ lên rồi, như thể được gặp lại một người thân quen lâu ngày. Kể cũng là hạnh phúc cho một đời cầm bút!
     Tôi tìm đến, còn nghe anh rủ rỉ về thơ, về nghề, rồi cũng để mạnh dạn gửi bài cho chương trình văn nghệ do anh phụ trách. Những bài thơ đầu tiên của tôi, trước lúc đăng báo, in sách đã được “Đài anh Từ” phát sóng. Sau, tôi gửi thêm loại bài phê bình, đọc sách, những bài viết về đời sống văn hóa, văn học tỉnh nhà, đều được anh sớm cho phát. Những tối đón nghe chương trình văn nghệ Đài Nghệ - Tĩnh, lại phát cả bài của mình, tự nhiên thấy vui và cảm động lạ. Bạn nghe đài hồi ấy tất nhiên là đông và chí thú hơn bây giờ gấp nhiều lần. Chương trình nào hay dở, bài thơ, truyện ký nào lạ có tâm huyết, có gửi gắm thì y như rằng ngày hôm sau đã được người nghe bàn tán xôn xao. Không ít người chờ đến tuần sau đón nghe phát lại. Tôi đâm ra mê... đài. Mê tới mức thời gian sắp thi tốt nghiệp đại học, tôi dò hỏi anh Từ, rằng tôi có nguyện vọng về đài công tác, có thể là về giúp việc vặt, anh Từ thấy thế nào? Hình như có chút cảm mến tôi, Phan Văn Từ bảo được, để dò hỏi thêm cấp trên, căn dặn tôi cứ làm đơn, nộp hồ sơ và thu thập các bài đã phát đã in để lãnh đạo đài xem xét. Tôi háo hức làm theo, nhưng cuối cùng thì mình vẫn chỉ là…một cộng tác viên dài dài của Đài mà thôi.
     Cuối năm 2000, qua một người bạn, tôi biết anh Từ sắp nghỉ hưu. Anh sinh năm 1942, tuổi ấy nhà nước cho nghỉ là mừng rồi. Nhưng cũng chưa hẳn thế. Khi đang làm việc, nhiều người cần và tìm đến mình, thì vui là chuyện đương nhiên. Khi hưu, dễ rơi vào "hưu hắt". Anh kể tôi nghe một câu chuyện buồn, sau đó khoảng năm 2003, tôi viết tặng anh bốn câu, lấy tên "Ngày hưu đầu": "Soạn chè lau chén tinh mơ,/ Sẵn bầu thế sự nữa chờ bạn quen./ Bóng cây nhích tuổi trước thềm,/ Thay người, bóng đến lặng im, dỗ người!". Chuyện anh Từ không làm ở chương trình văn nghệ của đài nữa, sẽ về lại quê Yên Thành, tụ họp với nhiều bạn văn thân thiết của anh ngoài đó, và cùng người vợ tần tảo, lặng lẽ cày cấy nuôi sao cho đủ gần chục miệng ăn… đã khiến tôi bàng hoàng mất gần một tuần. Tự thấy trống trải, thiếu vắng một địa chỉ để chơi, để học. Còn nhớ bốn câu thơ tôi viết năm 1992, có ý trêu đùa anh Từ, tại làng cổ Đông Hồi (Quỳnh Lưu) trong chuyến chúng tôi đi thực tế Đông Hồi, ra thăm nhà anh Lê Duy Nguyên: "Tám lần chị trở dạ/ Thế mà ra mụn trai/ Anh một đời vượt cạn/ Câu thơ treo cuối trời!".
Phan Văn từ (thứ 3 bên phải) cùng đồng nghiệp trong chuyến đi thực tế
Phan Văn Từ (thứ 3 bên phải) cùng đồng nghiệp trong chuyến đi thực tế. Ảnh: BNA
 
     Ngoài đời, nhà thơ - nhà báo Phan Văn Từ cực kì ít nói, hay ngồi nghe đồng nghiệp lên tiếng, tranh cãi, hùng biện trong khi anh chỉ cười cười. Anh trò chuyện chủ yếu bằng nụ cười ấy. Có điều, khi bạn bè cần anh một lời khuyên, hay trước một vấn đề phức tạp cần nêu chứng kiến rõ ràng thì anh Từ “xuất hiện” ngay, một cách vô tư và trung thực. Một nhà thơ, nhà báo quan hệ rộng, cởi mở, thân ái, khiêm tốn, quyết đoán, có thể vào việc bất cứ ở đâu và lúc nào miễn là ở đấy, lúc ấy có văn chương nghệ thuật, có bạn hữu gần xa cùng hợp tác, làm nên biết bao chương trình tiếng thơ, bình phẩm thơ ca gần gũi đời thường, thời sự mà vẫn tươi mới; bám sát phong trào thơ lại vừa góp phần phát hiện, bồi dưỡng cho xứ Nghệ (cả Nghệ An và Hà Tĩnh) không ít những cây bút có nghề và có tâm với đời.
     Tôi còn nhớ như in một số buổi, anh Phan Văn Từ mời cánh làm thơ chúng tôi vào tận phòng ghi âm của Đài Phát thanh tỉnh để đọc thơ. Làm xong một chương trình, cả người biên tập, người dẫn, người đọc, người ghi đều toát mồ hôi hột. Ai rủng rỉnh đôi ba đồng, hoặc cả bọn góp lại, sẽ kéo nhau sà vào quán nước ngay trước cổng đài, ngồi tán chuyện bên chén rượu lạc, và không quên nhắc nhau đón nghe chương trình sắp phát. Có người nghe, cũng có người bận việc không nghe được, nhưng lòng tự nhủ lòng thế là mình còn viết, còn đam mê, còn có tí chút gì đó để nhắc nhở với bạn yêu văn nghệ xa gần là mình vẫn còn sống, còn trăn trở cho cuộc sống này. Đôi ba lần, bài tôi gửi, anh Từ không phát vì một lý do nào đấy. Có điều lạ, là nhuận bút thì anh vẫn tính rồi gửi cho tác giả. Tôi thắc mắc một mình, sau này tìm hiểu mới vỡ nhẽ cộng tác viên nào “rách” quá, kiểu như tôi bấy giờ đang làm cán bộ giảng dạy Khoa Ngữ văn, Trường ĐHSP Vinh thời bao cấp thì thi thoảng anh vẫn “động viên” theo lối ấy. Đồng nhuận bút tuy nhỏ nhoi, mà cái tình anh em văn nghệ che chở cho nhau lúc bần hàn, thật lớn lắm thay!
     Riêng tôi, từ cái ngày anh Từ nghỉ hưu, tôi thưa thớt cộng tác với đài hơn trước nhiều. Có khi quên đứt, bỏ bẵng hàng chục năm. Vì sao? Không, dứt khoát không phải anh ấy thiên vị tôi, phát dùm cho tôi nhiều bài để lấy tiếng tăm và nhuận bút, còn bây giờ nhà báo khác biên tập, mình không quen thân thì thôi. Điều quan trọng hơn cả, là Phan Văn Từ đã cảm hóa được nhiều cây bút cả ở Nghệ An và Hà Tĩnh, trong đó có tôi. Chúng tôi tự đáy lòng mình tin cậy, trao gửi những đứa con tinh thần của mình cho anh, mà hồn nhiên, không một chút băn khoăn.
     Trong bài thơ "Nhịp cầu nối những bờ vui", anh viết: "Những chiếc cầu vẫn nối hai quê/ Đêm trăng sáng chân cầu em giặt áo/ Anh lại về sau ngàn ngày chiến đấu/Ngồi trên cầu thổi sáo đón em...". Ngày 13/8/2016, nhà thơ - nhà báo Phan Văn Từ qua đời sau một trọng bệnh dù đã được cả gia đình, các y bác sỹ, người thân, bạn bè quan tâm, hết lòng chăm sóc, chạy chữa. Anh đi rồi, sắp tròn 7 năm xa cách rồi đó. Những ai không thích anh, chắc có? Bao nhiêu người thương tiếc anh? Những gì ở anh mà lớp trẻ sau này làm biên tập văn hóa, văn nghệ cần phải nghiêm túc và cầu thị học hỏi thêm? Tôi nghĩ, một Phan Văn Từ ân nghĩa trong đời và trong thơ, chắc sẽ còn lại trong đời sống văn hóa, văn nghệ một địa phương như Nghệ An, có thể còn rộng hơn thế nữa. Nên tôi và bạn bè thân cận anh cứ muốn gọi anh là “Người - nối - những - bờ - vui - qua - muôn - trùng - cánh - sóng”.
     Kỷ niệm đi, viết, làm sách với nhà thơ Phan Văn Từ không ít. Để kết thúc đôi dòng về anh, xin nhắc lại tập thơ "Mây ngũ sắc". Năm 1993, anh Cảnh Nguyên bên Nhà xuất bản Nghệ An nêu ý kiến tổ chức bản thảo tập thơ của 5 tác giả trong tỉnh, đều là nhà báo, gần gũi nhau: Phan Văn Từ, Văn Hiền, Bùi Sỹ Hoa, Nguyễn Văn Hùng, và Cảnh Nguyên. Mỗi tác giải 5 bài. Cả nhóm rất hào hứng. Bản thảo làm xong thì anh Tú Tâm ngoài Quỳnh Lưu xin được góp thơ thêm. Thế là không còn "ngũ sắc" nữa, nhưng không sao, thêm vui. Chúng tôi vẫn phải góp tiền in đấy, cho dù anh Cảnh Nguyên là lãnh đạo bên nhà xuất bản hẳn hoi. Phần thơ Phan Văn Từ 5 bài: "Quả cây tự chín", "Bữa cơm thường nhật ở cơ quan", "Không đề", "Khi con ra đời", "Sáng mai con đến trường". Bài thơ "Sáng mai con đến trường" anh viết ở tuổi bốn lăm, mà sao chững chạc, già dặn đến thế:

SÁNG MAI CON ĐẾN TRƯỜNG

Mai con vào lớp Một
Cha ở tuổi bốn lăm
Cái tuổi nhiều người đã ngồi ghế xa lông
Rung đùi khen chê theo ý thích
Cái tuổi bạn bè đã làm ông, nói năng chững chạc
Cha vẫn dại khờ theo đuổi những câu thơ.

Cái túi xách đựng bản thảo của cha
Thường ngày mẹ vẫn mang đi chợ
Mai rồi sẽ trao con đựng phấn, bảng đen, bút chì, sách vở
Có gì cần hơn niềm vui của con đâu?

Tuổi bốn lăm cha vẫn còn nghèo
Đi hết Bắc Nam lại quay về làng xóm
Mẹ tất bật suốt mùa với dăm sào ruộng khoán
Mà sáng mai đến trường con còn phải đói cơm.

Lương tháng cha chẳng đủ để cha ăn
Dù chỉ mươi ngày cơm với rau muống luộc
Bộ quần áo mùa đông giữa mùa hè cha mặc
Bè bạn đến chơi thường chỉ cười xòa...

Sáng mai đến trường đáng lẽ mẹ cha
Phải có cho con bộ quần áo mới
Nhưng con tàu đã ở vào ga cuối
Sức kiệt tàn sau những chặng gian truân!

(Yên Thành, 16/8/1987).

Cả bài thơ chân thật, rất trúng tạng thơ anh, nói được nhiều điều về con người, tính nết, hoàn cảnh, cách nhìn đời trầm tĩnh, nhân bản của một nhà thơ, nhà báo đã sống hết mình cho đời và cho nghề!

Nguyễn Văn Hùng

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây