Thứ ba, 23/04/2024, 19:34

Thầy Nguyễn Tài Cẩn – Chuyện Ngoại đạo

(Hoinhabaonghean.vn) - Năm 2000, có 8 nhà khoa học XHNV người Việt được nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh về công trình khoa học. Tại thời điểm ấy, có 6 vị (nhận đợt 1 năm 1996) đã nhàn du nơi tiên cảnh bồng lai, gồm Hoàng Xuân Hãn, Đào Duy Anh, Nguyễn Văn Huyên, Phạm Huy Thông, Trần Đức Thảo, Trần Văn Giáp. Hai người dương gian là Nguyễn Tài Cẩn (Ngôn ngữ học), Hà Văn Tấn (Sử học) chứng kiến Lễ đăng quang.
Sinh thời, "đồ Nghệ" Nguyễn Tài Cẩn (1926-2011) được bạn bè đồng nghiệp "gói"  trong 8 chữ kim cương: Sâu sắc - thông thái - nghiêm khắc - tài hoa. Tháng 01/2006, Thầy Cẩn từ Nga bay về Hà Nội, hôm sau Thầy một mình nằm tàu hỏa về dâng hương Nhà thờ họ tại làng Thượng Thọ - xã Thanh Văn, huyện Thanh Chương. Mấy hôm Thầy dừng chân ở thành Vinh, tôi được cùng các anh các chị trò cũ của Thầy (ở các cấp học khác nhau) gặp gỡ và tháp tùng Thầy sang dâng hương mộ Đại thi hào Nguyễn Du, lên Đền thờ vua Quang Trung.
- Các bài của Thầy trên Tạp chí Văn hóa Nghệ An em đọc hết, cơ duyên nào Thầy “kết” với Văn hóa Nghệ An đến vậy?
- Xưa nay tôi gửi bài đăng ở các tạp chí nước ngoài, trong nước thì đăng Tạp chí Ngôn ngữ học, Tạp chí Văn học, chưa đăng Tạp chí Văn hóa Nghệ An. Chuyện là năm 1997 hay năm 1998 không nhớ cụ thể, Báo Văn nghệ đăng bài phát biểu của cụ Hoàng Xuân Hãn về vấn đề Truyện Kiều, liền nẩy sinh những cuộc tranh luận giữa một bên các anh Mai Quốc Liên, ông Nguyễn Quốc Tuấn; một bên ông Đào Thái Tôn, ông Vũ Đức Phúc... Anh em ở bên Pháp gửi thư cho tôi, trong đó có cụ Hoàng Xuân Hãn, nói là: Bây giờ ở nhà 2 phái “cãi nhau” như vậy anh phải nhảy vào để làm rõ vấn đề. Tôi viết thư sang nói thế này:
- Trước kia nghe lời bác Hãn, tôi có vào thư viện ghi chép, nhưng những cái mà  tôi ghi chép bây giờ không có văn bản trong tay.
-Chúng tôi sẽ copy cho anh.  
Thế là tôi “nhảy” vào Truyện Kiều cũng do yêu cầu người đọc, chứ tôi có muốn đâu. Đúng lúc ấy từ quê mình, Tạp chí Văn hóa Nghệ An viết thư sang đề nghị tôi viết bài cho Tạp chí. Từ đó đến nay, viết được bài nào tôi cũng gửi đăng Tạp chí Văn hóa Nghệ An, tới mức vừa rồi anh Vũ Ngọc Khánh đặt vấn đề “Tại sao cha Cẩn độ này lại trốn Tạp chí Văn học, Tạp chí Ngôn ngữ, nó cứ đăng Văn hóa Nghệ An”. Tôi nhắn lại: Có gì đâu, Văn hóa Nghệ An mời, tôi thấy lâu nay mình thiếu nghĩa vụ với quê hương, bây giờ tôi phải sửa sai thôi, chúng tôi là thế hệ nghĩa vụ, cái gì thấy đúng là làm.
 
A3 Tại nhà riêng Thầy Nguyễn Tài Đại
Tác giả và thầy Nguyễn Tài Cẩn
Ngày 6/2/2009, tại Trụ sở Tạp chí Văn hóa Nghệ An diễn ra cuộc giao lưu giữa Thầy Cẩn với các cộng tác viên của Tạp chí, trong đó có lão Nhà giáo Phạm Đức Thớc (bút danh Hoan Châu), một số trò cũ của Thầy gồm các ông: Bùi Văn Chất, Nguyễn Thế Quang, Nguyễn Trung Hiền, Hoàng Kỳ, Chu Trọng Huyến, Nguyễn Nhã Bản, Giao Hưởng...vv... Sau khi nhận bó hoa tươi của ban tổ chức trao tặng, Thầy Cẩn hai tay ôm bó hoa tới cúi chào, bắt tay Nhà giáo Phạm Đức Thớc: “Tôi xin tặng bó hoa này tới anh Phạm Đức Thớc (SN 1924) đồng hương Thanh Chương, đông môn Quốc học Huế, anh trên tôi 2 tuổi học trên tôi 2 lớp”.
Cả khán phòng vỗ tay nhiệt liệt, tiếp đó “ông đồ” Bùi Văn Chất trao tặng Thầy  tập gia phả của cụ Nguyễn Thế Cát về dòng họ Nguyễn Tài, do ông Chất sưu tầm, biên dịch và tự xuất bản. Nhận xong, Thầy Cẩn vào chuyện: Năm nay tôi 84 tuổi, thuộc thế hệ sau Nhật đảo chính Pháp, cách mạng tháng Tám thành công, cả nước bước vào cuộc kháng chiến lần thứ nhất. Đặc điểm của thế hệ chúng tôi là Đảng đặt đâu ngồi đấy, và vui lòng như vậy. Tôi xin nhắc lại, lúc ấy không nghĩ gì chức vụ, không nghĩ gì tiền bạc. Tôi đang hoạt động Việt Minh tại Huế, vì sau Nhật đảo chính Pháp, ông Tôn Quang Phiệt đang bà con tôi gọi bằng ông, mà cha tôi (Nguyễn Tài Đức- GH) là ủy viên Cách mạng lâm thời Thừa Thiên Huế, gọi ông Tôn Quang Phiệt bằng cậu.

Lúc đầu chưa gặp ông Phiệt thì tôi chưa rõ về ông lắm, nhưng khi ông Phiệt về Thanh Chương gặp cha tôi, tôi và anh Nguyễn Như Thân là những người hoạt động như con thoi, truyền đơn của Việt Minh in trong nhà chúng tôi. Bấy giờ chính phủ Trần Trọng Kim nghe tin cha tôi thông Nho, muốn cân nhắc cha tôi lên chức Tổng đốc tỉnh Nghệ An. Trước đó các ông Hồ Tá Khanh,Trần Đình Nam bảo nên kiếm chỗ nào để cha tôi ẩn thân, họ muốn đưa cha tôi thường trú tỉnh Hà Tĩnh, nhưng ông Tôn Quang Phiệt khuyên đừng có làm, về Hà Tĩnh không ai biết mày, ở Thừa Thiên Huế nhiều người biết mày.Thế là bố tôi xin ở lại Thừa Thiên Huế, lúc ấy ông Trần Đình Nam bàn: Hay là bố về làm huyện trưởng huyện Phú Vang cách Huế chỉ 7 cây số, chúng tôi có thể đi thuyền xuống để bàn bạc chuyện kia. Rứa là ông cụ tôi thành huyện trưởng Phú Vang đi rải truyền đơn khắp. Khi cách mạng giành chính quyền thì ông cụ tôi vào ngay Ủy ban Cách mạng lâm thời Thừa Thiên Huế. Trong tình hình như vậy, nên lúc ấy thế hệ chúng tôi Đảng đặt đâu ngồi đấy, cho nên tôi hoạt động Việt Minh tại Huế.

 Đùng cái mẹ tôi ốm nặng, tôi phải trở về quê để vừa hoạt động vừa chăm sóc mẹ. Về đến nơi, lúc ấy ông Nguyễn Như Kỷ - cán bộ hoạt động thời kỳ 1930-1931 được trên chỉ định, bảo: Phải kết nạp anh này vào Đảng vì gia đình là bà con với bà Quế (Tôn Thị Quế). Tôi hoạt động trong phong trào thanh niên, tôi và anh Nguyễn Đình Noãn thấy bà con nông dân đi họp thưa thớt quá, người thì 9 giờ, người thì 10 giờ mới đến, bọn tôi đành phải lên loa phát thanh:

  - Ngày mai có cuộc họp quan trọng, ai không đi chúng tôi đến kiểng hết !
Hôm sau bà con đi họp đầy đủ. Chúng tôi báo cáo thành tích với huyện, bị huyện phê bình một trận. Lúc ấy còn ấu trĩ như vậy. Mấy hôm sau cấp trên bảo:
- Anh về hoạt động Hội phụ nữ.
Tôi là đàn ông lại hoạt động hội phụ nữ? Hay là Đảng thử thách mình có chấp hành không? Tôi lên hỏi vì sao lại đưa tôi vào hoạt động hội phụ nữ, thì được trả lời:
-Vì bên Hội phụ nữ không ai biết viết, tất cả các cô phát biểu trong hội nghị anh phải ghi chép, cuối cùng phải làm báo cáo gửi lên trên.
Thế là tôi nhận. Tôi hoạt động Hội phụ nữ 6 tháng. Thế hệ chúng tôi là như vậy.

    Về khoản học, trước kia tôi dạy ở trường Huỳnh Thúc Kháng, Trường trung cấp sư   phạm, tôi đều dạy Văn. Nhưng khi được cử đi Liên Xô (cũ), cái đầu tiên tôi thấy
không khí khác quá. Họ họp với nhau cũng học, họ hỏi: chữ “a” tiếng Việt giống chữ “a” tiếng Pháp, hay giống chữ “a” tiếng Hán, chữ “a” tiếng Anh, hay chữ “a” tiếng Đức? Dù mình cũng biết tiếng Pháp, tiếng Anh, nhưng vì biết không chắc chắn khác hay giống, nên không sao trả lời được. Cuối tuần ấy tôi lên gặp anh Nguyễn Lương Bằng - Đại sứ quán Việt Nam tại Liên Xô:
- Thưa anh, tôi không làm việc được. Mt người chuyên về tiếng Hán hỏi “ma má mà ma” của Trung Quốc khác mấy cái tiếng của Anh thế nào? Trước khi sang đây tôi đang dạy Văn, có dạy ngôn ngữ đâu?
- Ở nhà đã chọn cậu, chắc là có lý do, cậu hơn điều kiện nào đó, giờ cậu về lấy ai để thay, mà thay chắc gì hơn. Thôi, cậu cứ tuyên bố với người ta thế này: Tôi vốn dạy Văn, bây giờ để tôi học Ngôn ngữ đã. Và cậu gắng mà học.
- Thưa anh, giọng của tôi là giọng miền Trung, họ muốn học tiếng Việt theo giọng Bắc.
- Tôi sẽ cho một nữ nhân viên sứ quán lên trình bày để họ ghi âm, có khó gì đâu!
Các anh giải quyết như vậy, thế là tôi phải ở lại.
Anh Trường Chinh sang họp tại Matxcơva và viết cho tôi bức thư, đại ý là ở bên nhà có nhiều người dạy Văn, cậu sang đây học để làm ngôn ngữ.
Tôi cầm bức thư của anh Trường Chinh đến nói với các bạn Liên Xô: -Trước đây tôi dạy Văn, bây giờ phải đi vào ngôn ngữ.
Các bạn nói: Được thôi. Một ông nổi tiếng về chữ Hán, hơn tôi 1 tuổi, hiện còn sống, bảo: Ngày kia thứ Năm, anh lại đây để tôi kiểm tra cái đã.
Bạn đồng nghiệp với nhau, bây giờ họ kiểm tra, nếu mình dốt quá thì sợ người ta cười. Người ta kiểm tra là đúng, nếu như mình trình độ lớp 3 người ta cho học lớp 4, nếu như mình trình độ lớp 4 người ta cho học lớp 5. Tôi vào để họ kiểm tra, kết quả nhận xét: Anh đọc nhiều nhưng không có cái gì sâu cả, vì anh không vận dụng, mà chỉ đọc để biết. Sau đó tôi đi vào ngôn ngữ.
Khi tôi đặt vấn đề xin học và thi Phó Tiến sỹ, bị Sứ quán kiểm điểm: Anh không toàn tâm toàn ý, nhiệm vụ anh sang đây là đi dạy, anh lại tranh thủ học thêm thi thêm là cá nhân chủ nghĩa. May là có anh Nguyễn Khánh Toàn - người đã từng ở Nga, biên thư sang cho biết: Ở Nga, người dạy nào cũng phải nghiên cứu, người nào cũng có trách nhiệm phải làm thêm. Nhờ cái thư của anh Nguyễn Khánh Toàn nên Sứ quán không kiểm điểm nữa, và tôi bắt đầu đi vào nghiên cứu. Thế hệ chúng tôi được giao việc gì làm việc nấy.

              Khoa học bao giờ cũng có 2 chân: về lý luận chung và về tư liệu. Nếu như có tư liệu mà không có lý luận hiện đại, thì tư liệu được giải thích theo cách cổ lỗ, thậm chí theo cách sai. Nhưng với một người chỉ có lý thuyết chung thôi, không có tư liệu, thì không có chỗ bám cụ thể chắc chắn về những vấn đề được thực tế đặt ra. Cho nên 2 chân phải đi đôi với nhau. Cống hiến về một ý kiến gì mới, một tư liệu gì mới đều vô cùng quan trọng. Như bản thân tôi chẳng hạn, bất ngờ nhất vào năm 1960, có Hội nghị quốc tế lần thứ 24. Họ kêu gọi, yêu cầu mọi người viết, tôi cũng nghĩ nghĩa vụ thì mình cũng viết, không ngờ cái tôi gọi là “cấu trúc danh ngữ” lọt vào tốp 3 bài. Tôi hết sức ngạc nhiên, hôm sau tôi hỏi: “Có phải các vị hơi chiếu cố tôi là người Việt không?” - “Chúng tôi không chiếu cố gì cả, ý kiến này có những cái mới”, tư liệu hết sức quan trọng như vậy. Đã khoa học phải đi sâu vào chuyên môn, nếu không chuyên môn thì điều mình nói không thật sự khoa học.  Năm 1994, họ mời tôi dự Hội nghị khoa học “Ảnh hưởng của tiếng Hán ra xung quanh”. Ai cũng nghĩ ảnh hưởng của tiếng Hán ra xung quanh là Việt Nam, Triều Tiên, Nhật Bản. Nhưng bài của tôi lại là “Ảnh hưởng của tiếng Hán ở trong những tiếng dân tộc Tày, Nùng, Rục”. Chẳng có gì lạ, Việt Nam chúng tôi 1000 năm Bắc thuộc, ảnh hưởng của tiếng Hán không chỉ với vùng Kinh dưới đồng bằng, mà cả vùng núi nữa.
 -Thế thì anh ghi đươc bao nhiêu từ?.
- Khoảng 60 từ.
- 60 từ là quý lắm rồi, anh viết ngay bài cho chúng tôi.
Vừa rồi GSTS nọ từ Hà Nội đưa vào Thành phố Hồ Chí Minh cuốn sách nhờ tôi duyệt và góp ý cho in. Tôi nhìn đề tài, tôi bảo đề tài này đã hơn 4 năm rồi tôi không đọc, không nghiên cứu, nên tôi không đủ cốt cách để duyệt cuốn sách của anh nữa. Có người hỏi tôi về lĩnh vực giáo dục phổ thông, thú thật, đã nhiều năm rồi tôi không dạy phổ thông, không đi vào giáo dục phổ thông nữa. Từ năm 2000 đến nay, tôi đi vào văn bản Truyện Kiều và coi đó là chuyên môn, cho nên những điều tôi nói là ngoại đạo./.

Giao Hưởng

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây