Chủ nhật, 24/11/2024, 22:10

Yên Thành: Khắc phục khó khăn, đẩy nhanh tốc độ phát triển kinh tế - xã hội

Năm 2022, mặc dù bị ảnh hưởng do biến động về giá cả thị trường, nhưng dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp, sự vào cuộc đồng bộ của cả hệ thống chính trị, sự đồng lòng, nỗ lực của các tầng lớp nhân dân, nên tình hình kinh tế - xã hội huyện Yên Thành có nhiều chuyển biến tích cực, trở thành một trong những vùng kinh tế quan trọng của tỉnh.
yt
Toàn cảnh huyện Yên Thành  (Ảnh: BNA)
 
Là địa phương có diện tích đất rừng và nông nghiệp chiếm ưu thế, khó khăn lớn nhất của huyện Yên Thành là kinh tế phụ thuộc nhiều vào sản xuất nông nghiệp, mà nông nghiệp thì chịu ảnh hưởng của thời tiết nên sự phát triển còn bấp bênh, kém hiệu quả. Bên cạnh đó, biến động giá cả thị trường, nhất là giá xăng dầu tăng cao, tình hình thời tiết, dịch bệnh, thiên tai lũ lụt diễn biến phức tạp ảnh hưởng nhiều đến việc phát triển kinh tế trên địa bàn…Trong bối cảnh đó, cán bộ, nhân dân huyện Yên Thành đã đoàn kết nỗ lực, quyết tâm cao, có nhiều giải pháp chỉ đạo, điều hành phù hợp, nên tình hình kinh tế - xã hội của huyện Yên Thành đã có bước phát triển khá toàn diện. 26/26 chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội đạt và vượt kế hoạch đề ra. Tốc độ tăng trưởng kinh tế cả năm 2022 ước đạt 10,01%. Thu nhập bình quân đầu người ước đạt 59 triệu đồng/năm, tăng 7 triệu đồng/người so với năm 2021.
Yên Thành thu hút đầu tư, tạo việc làm cho nhiều lao động
 Huyện Yên Thành thu hút đầu tư, tạo việc làm cho nhiều lao động 
 
Năm 2022, căn cứ vào điều kiện thực tế của địa phương, huyện tiếp tục chỉ đạo nhân dân chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nhằm phát huy lợi thế của địa phương, vừa phù hợp yêu cầu phát triển chung của tỉnh, của vùng. Xây dựng một cơ cấu kinh tế hợp lý, tránh tình trạng chủ quan, duy ý chí. Điều đó thể hiện trong việc địa phương hết sức chú trọng phát triển nông nghiệp, coi nông nghiệp vẫn là mặt trận hàng đầu, là ngành kinh tế mũi nhọn và then chốt, các ngành nghề khác mang tính động lực, là lực đẩy đưa tốc độ kinh tế phát triển đi lên, tạo bước đột phá trong sản xuất. Từ đó, nhiều mô hình kinh tế mang lại hiệu quả cao đã xuất hiện, tạo việc làm, thu nhập cho người dân trên địa bàn. Các HTX tham gia liên kết chuỗi trong sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp ra đời ngày càng nhiều, tạo giá trị sản xuất cao hơn, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân ngày càng được nâng lên.  
Trong 9 tháng đầu năm, tổng giá trị sản xuất toàn huyện ước đạt 10.808 tỷ đồng, tăng 11,25% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, giá trị sản xuất nông, lâm, thủy sản tăng 4,12%, công nghiệp, xây dựng tăng 12,83%, dịch vụ tăng 14,14%. Năng suất lúa và sản lượng cây trồng lâu năm đạt tốt, chăn nuôi phát triển ổn định, sản xuất lâm nghiệp và thủy sản tăng hơn so với cùng kỳ. Tổng giá trị sản xuất kinh doanh toàn ngành ước đạt 3.338 tỷ đồng, tăng 4,12% so với cùng kỳ năm 2021. Sản xuất công nghiệp, xây dựng  phục hồi nhanh và tăng trưởng tốt, tăng 13.03%, vượt kế hoạch đề ra đề ra.
Với những bước đi thích hợp đó, năm 2022, trên diện tích 2.830 ha, Yên Thành đã triển khai xây dựng được 46 mô hình sản xuất lúa chất lượng cao, trong đó có 23 mô hình liên kết sản xuất - tiêu thụ sản phẩm, 03 mô hình ứng dụng cơ giới hóa  trong sản xuất. Các mô hình tiêu biểu này tập trung ở các xã: Xuân Thành, Long Thành, Công Thành và Minh Thành…
Hiện nay, Yên Thành đã có 20 sản phẩm được công nhân OCOP cấp tỉnh , trong đó có 1 sản phẩm đạt 4 sao, 13 sản phẩm OCOP đạt 3 sao, là huyện được đánh giá có nhiều bứt phá trong phát triển kinh tế - xã hội, trong chuyển đổi cây trồng vật nuôi, phát triển nông nghiệp theo hướng hàng hoá, ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp có hiệu quả.

Ngoài kinh tế nhà nước và HTX thì kinh tế tư nhân trên địa bàn cũng ngày càng khẳng định được chỗ đứng của mình trong hệ thống các thành phần kinh tế.  9 tháng đầu năm, toàn huyện có thêm 62 doanh nghiệp đăng ký kinh doanh, nâng tổng số doanh nghiệp đang hoạt động trên địa bàn lên 435 đơn vị. Kinh tế phát triển, thu ngân sách của huyện cũng có nhiều thuận lợi và đạt kết quả vượt bậc. Năm 2022, thu ngân sách của huyện ước đạt 793 tỷ đồng, vượt 2 lần kế hoạch đề ra, tăng 35,79% so với năm 2021.
Được sự quan tâm của huyện và đóng góp của người dân, hệ thống nhà văn hóa xóm của Yên Thành được đầu tư khá đồng bộ, khang trang Trong ảnh Nhà văn hóa Xóm 5 xã Tăng Thành
Được sự quan tâm của huyện và đóng góp của người dân, hệ thống nhà văn hóa xóm của Yên Thành được đầu tư khá đồng bộ, khang trang. Trong ảnh Nhà văn hóa Xóm 5 xã Tăng Thành
 
Lĩnh vực văn hoá, xã hội cũng có nhiều khởi sắc. Nhờ hệ thống thiết chế văn hóa được đầu tư xây dựng đồng bộ đã tạo điều kiện cho hoạt động văn hoá thông tin, TDTT diễn ra sôi nổi, rộng khắp ở các đơn vị trong toàn huyện. Phong trào xây dựng làng văn hoá, đơn vị văn hoá, gia đình văn hoá được duy trì thực hiện rộng khắp và hiệu quả. Đài truyền thanh - truyền hình đảm bảo thời lượng và chất lượng phát sóng có tác dụng tuyên truyền, giáo dục và phổ biến đường lối chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, góp phần nâng cao ý thức cho nhân dân trong phát triển kinh tế, xây dựng xã hội, bảo vệ quốc phòng – an ninh. Đặc biệt, ngành giáo dục trong năm qua có nhiều chuyển biến tích cực, chất lượng giáo dục ngày càng được nâng lên.
Làng quê Yên Thành đổi mới
Làng quê Yên Thành đổi mới
 
Chính sách hỗ trợ giải quyết nhà ở và đất ở cho hộ nghèo được các cấp, các ngành, các tổ chức Mặt trận, đoàn thể quan tâm triển khai thực hiện. Yên Thành đã  cơ bản xóa xong nhà tạm, nhà dột cho người nghèo, công tác an sinh xã hội được bảo đảm. Mạng lưới y tế từ tỉnh đến cơ sở được củng cố, công tác chăm sóc sức khỏe cho nhân dân được chăm lo nhờ cơ sở vật chất, trang thiết bị và đội ngũ cán bộ y tế được đầu tư. Tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng giảm mạnh, tỷ lệ sinh giảm rõ rệt. Đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân được quan tâm, tạo niềm tin của nhân dân đối với Đảng và chính quyền, góp phần thực hiện có hiệu quả mục tiêu xây dựng NTM ở địa phương. Hiện nay, Yên thành  có 12 xã đạt chuẩn NTM nâng cao.
Thời gian tới, Yên Thành sẽ tiếp tục xây dựng đề án phát triển nông nghiệp, nông thôn, sản xuất nông nghiệp không chỉ bảo đảm nguồn lương thực, mà còn phục vụ nguyên liệu cho công nghiệp chế biến; đẩy nhanh tăng trưởng ngành chăn nuôi, thuỷ sản, lâm nghiệp... Đối với công nghiệp, xác định phải gắn lợi thế sản xuất với nguồn nhân lực để từng bước chuyển dịch cơ cấu kinh tế phù hợp, bền vững. Đẩy mạnh các hoạt động dịch vụ, khai thác tiềm năng, lợi thế của địa phương nhằm tăng tốc độ phát triển kinh tế, tăng giá trị sản xuất, tăng thu ngân sách, giải quyết việc làm cho người lao động và phát triển kết cấu hạ tầng, tạo bước chuyển biến về chất trong phát triển kinh tế, xã hội nông thôn...            
                                                       
                Hoài Sơn
 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây