Chủ nhật, 24/11/2024, 10:17

Tạp chí Da cam Việt Nam: Đồng hành vì nạn nhân chất độc da cam/dioxin

Tạp chí Da cam Việt Nam, Văn phòng đại diện (VPĐD) Khu vực Bắc Miền Trung ra mắt và đặt trụ sở tại số 93, đường Nguyễn Thị Minh Khai, thành phố Vinh - một địa chỉ truyền thông của Hội nạn nhân chất độc da cam/dioxin (NNCĐ DC/dioxin) Việt Nam, với mục tiêu hướng về những số phận kém may mắn do bị ảnh hưởng bởi chất độc da cam/dioxin thời chiến tranh để lại.
Hỗ trợ NNCĐ DC trong một cuộc vận động
Hỗ trợ nạn nhân chất độc da cam trong một cuộc vận động
 
Theo chân Đại tá Tạ Quang Dư - Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam (NNCĐ DC)/dionxin thành phố Vinh, chúng tôi đến với gia đình ông Ngô Văn Bình, 70 tuổi, trú ở khối 5 - Phường Đội Cung, thành phố Vinh. Ông là CCB từng chiến đấu tại chiến trường B3 Tây Nguyên, có tỷ lệ thương tật 63%, là thương binh loại 2, nạn nhân chất độc da cam. Trở về quê với hình hài không còn nguyên vẹn, một cánh tay đã để lại nơi chiến trường, ông còn bị chấn thương sọ não, nên trí nhớ không ổn định. Đau xót nhất là cả 3 người con của ông (một trai, hai gái) đều bị tâm thần do di chứng chất độc da cam để lại. Người con trai cả của ông vừa tốt nghiệp đại học, chưa kịp xin việc thì mắc bệnh tâm thần, đành phải ở nhà. Khốn khổ hơn, anh này suốt ngày nằm lì trên giường, có ai hỏi han gì thì mắng chửi, thậm chí đuổi đánh hàng xóm những lúc lên cơn, làm vợ chồng ông Bình rất khổ tâm. Cũng may hàng xóm láng giềng thấu hiểu, đã quen cảnh sinh hoạt và hoàn cảnh của vợ chồng ông Bình nên họ đều thông cảm, bỏ qua những xích mích, thậm chí cưu mang hỗ trợ những lúc gia đình ông có người đi viện.
Một hoàn cảnh khác cũng thương tâm, đó là ông Nguyễn Văn Diện, 72 tuổi quê xã Hưng Lĩnh, huyện Hưng Nguyên, là thương binh nặng, tỷ lệ thương tật 97%, hiện ông đang điều dưỡng tại Trung tâm điều Thương bệnh binh Nghệ An. Ông Diện có con gái năm nay đã ngoài 30 tuổi, do di chứng chất độc da cam từ bố nên chỉ nằm 1 chỗ, ngay việc vệ sinh cá nhân cũng phải nhờ đến bố mẹ, mặc dù ông bà đã già cả, sức khỏe yếu. "Tôi có 2 con gái, một đứa đi bộ đội, còn một đứa nhiễm chất độc da cam hiện nằm một chỗ, gia đình tôi phải phục vụ toàn bộ cho cháu. Vợ tôi về hưu, bây giờ chỉ phục vụ con gái, ăn cũng phải đút, vệ sinh hàng ngày cũng phải lo dọn dẹp cho nó, vất vả lắm, nhưng cũng đành chấp nhận", ông Diện xót xa kể.
Đó là 2 trong số hàng vạn nạn nhân chất độc da cam ở tỉnh Nghệ An. Riêng thành phố Vinh có 3.255 người bị phơi nhiễm chất độc da cam, trong đó 1.150 người được hưởng phụ cấp hàng tháng, còn hàng ngàn người chưa được hưởng vì không đủ thủ tục. Một số người là nạn nhân chất độc da cam nhưng con cái chưa được xét hưởng. Tỉnh Nghệ An có hơn 15.000 đối tượng bị phơi nhiễm chất dộc da cam đang hưởng chế độ trợ cấp thường xuyên theo quy định. Trong đó có hơn 10.000 trường hợp hưởng chế độ trực tiếp, 5.000 trường hợp là gián tiếp, cụ thể là con ruột của người nhiễm chất độc màu da cam. Đa số các nạn nhân chất độc da cam đều có hoàn cảnh éo le, đặc biệt khó khăn hoặc diện hộ nghèo.
Làm việc với cán bộ chủ chốt Văn phòng đại diện Bắc Miền Trung Tạp chí Da cam Việt Nam vào sáng 9/5/2022, Tổng biên tập Tạp chí Da cam Việt Nam, Đại tá, Nhà báo Trần Đình Đích cho rằng, tôn chỉ mục đích của Tạp chí da cam Việt Nam là phải bám sát nhiệm vụ của Hội NNCĐ DC/dioxin Việt Nam. Tập trung phản ánh có chiều sâu về thảm họa da cam ở Việt Nam; các chủ trương, quan điểm, chính sách pháp luật, chế độ của Đảng và Nhà nước đối với nạn nhân chất độc da cam; Về cuộc đấu tranh đòi công lý của nạn nhân chất độc da cam Việt Nam trong tình hình mới; những tấm gương vượt khó vươn lên của nạn nhân và những tấm lòng vàng vì nạn nhân chất độc da cam; về các hoạt động của hội, gương cán bộ hội tiêu biểu; Những cách làm hay, hiệu quả, kinh nghiệm quý trong thực tiễn xây dựng, củng cố, phát triển tổ chức hội, trong vận động nguồn lực xã hội để chăm sóc, nuôi dưỡng nạn nhân chất độc da cam. Việc đặt trụ sở VP đại diện Bắc Miền Trung, Tạp chí da cam Việt Nam mong muốn góp phần lan tỏa,  phong phú thêm các kênh thông tin, để Tạp chí thực sự hữu ích, là địa chỉ tin cậy của bạn đọc trong và ngoài nước. Qua đó, Tạp chí sẽ nhanh chóng khẳng định vị thế và chỗ đứng vững chắc trong lòng độc giả giữa “biển” thông tin khổng lồ và đa dạng hiện nay.”
Tổng biên tập Trần Đình Đích cũng lưu ý đội ngũ phóng viên, cộng tác viên Tạp chí khu vực Bắc Miền Trung phải luôn nâng cao tính kỷ luật, trách nhiệm xã hội, nghĩa vụ công dân, đạo đức nhà báo, không vi phạm phám luật, luôn đồng hành cùng các ngành, địa phương trên địa bàn làm tốt công tác chính sách người có công, đặc biệt hỗ trợ các nạn nhân da cam có cơ hội hòa nhập với cộng đồng, quyết không để ai bị bỏ lại phía sau. Xây dựng Tạp chí vững mạnh, hoàn thành sứ mệnh cao cả là cơ quan ngôn luận của Trung ương Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam, là diễn đàn tin cậy, người bạn đồng hành thân thiết của nạn nhân, cầu nối vững chắc giữa Đảng, Nhà nước, cấp ủy và chính quyền địa phương với nạn nhân chất độc da cam.
Như vậy, sau gần 7 năm hoạt động, Tạp chí Da Cam Việt Nam đã có vị thế vững vàng trong làng báo chí nước nhà. Văn phòng đại diện Bắc Miền Trung (đặt trụ sở tại 93 Nguyễn Thị Minh Khai, tp Vinh)  là Văn phòng đại diện đầu tiên của Tạp chí trên cả nước. Tới đây, trên cơ sở rút kinh nghiệm thực tế từ hoạt động của Văn phòng đại diện khu vực Bắc Miền Trung, Tạp chí Da cam Việt Nam sẽ tiếp tục xây dựng kế hoạch thành lập các văn phòng đại diện khu vực Nam Trung Bộ, Tây Nguyên, Miền Đông Nam Bộ và Tây Nam Bộ.
Chiến tranh đã lùi xa 47 năm, đất nước đã nở hoa trong hòa bình độc lập, nhưng đâu đó, nỗi đau chất độc da cam chưa thể nguôi ngoai, vẫn còn dai dẳng đeo bám những số phận con người. Thấy rõ đó là những người kém may mắn trong xã hội, luôn chịu nhiều nỗi đau về thể xác, chịu nhiều thiệt thòi trong xã hội, chính vì thế, chương trình hành động của Chính phủ luôn đặt mục tiêu để những nạn nhân chất độc da cam không ai bị bỏ lại phía sau.
Nguyễn Như Ý

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây