Thứ năm, 21/11/2024, 12:11

Ba điều kiện không thể thiếu của người làm báo điều tra trong thời đại số

Báo chí điều tra - phản ánh - lĩnh vực được đánh giá là khó, nhưng luôn hấp dẫn độc giả. Trong xu hướng truyền thông tích hợp đa nền tảng, đa phương tiện (Media), báo chí điều tra luôn nhận được sự chú ý, ủng hộ từ dư luận. Để tác nghiệp điều tra hiệu quả, thì chuyên môn, nội dung, nắm vững công nghệ là ba điều kiện người làm báo cần phải trau dồi.

 

Ba điều kiện không thể thiếu của người làm báo điều tra trong thời đại số
Phóng viên Tùng Giang tác nghiệp đa phương tiện. Ảnh: NGỌC THÙY
Phóng viên Tùng Giang tác nghiệp đa phương tiện. Ảnh: NGỌC THÙY
Phóng viên Tùng Giang tác nghiệp đa phương tiện. Ảnh: NGỌC THÙY

Media hỗ trợ những hạn chế trong tác nghiệp điều tra

Hiện nay, xu hướng ứng dụng và kết hợp các loại hình truyền thông trên nền tảng trực tuyến và cách tiếp nhận thông tin của công chúng đang đặt ra nhiều thách thức đối với các đơn vị báo chí - truyền thông.

Trong đó, việc thực hiện tác nghiệp bằng đa phương tiện, áp dụng các ứng dụng, kỹ thuật về âm thanh, hình ảnh, video, audio kết hợp cùng kỹ năng xử lý đồ họa, thiết kế… để tạo ra các sản phẩm đa dạng, phong phú, phù hợp với xu hướng thời đại sẽ thu hút được sự chú ý của công chúng tốt hơn.

Chính vì vậy những năm qua, Báo Lao Động đã đẩy mạnh quá trình đào tạo, hướng dẫn đội ngũ phóng viên tác nghiệp chuyên nghiệp theo hình thức đa phương tiện. Và phóng sự điều tra - phản biện là một thể loại quan trọng trong tác nghiệp báo chí không thể nằm ngoài công cuộc đổi mới, phát triển này. Bởi, dù nó được đánh giá là thể loại khó nhưng luôn nhận được sự chú ý, ủng hộ từ dư luận.

Nhiều quan điểm khẳng định, với lĩnh vực điều tra - phản biện, người làm báo cần phải có đam mê, nhiệt huyết mới có thể dấn thân, chấp nhận rủi ro, hiểm nguy để đưa được những góc khuất phơi bày ra ánh sáng.

Điều này đặc biệt đúng vì lý do, trong bối cảnh hiện nay, để có thể đưa đến những bản tin, hình ảnh chân thực mang tính thuyết phục nhất, những người làm báo điều tra luôn phải trực tiếp đối mặt với khó khăn, gian khổ, thậm chí là đánh đổi sự an toàn của mình để thực hiện nhiệm vụ.

Tôi may mắn được cộng tác với các đồng nghiệp trong một số tuyến bài điều tra - phản ánh đã được đăng tải trên Lao Động và gặt hái được những thành quả nhất định.

Còn nhớ thời điểm gần cuối năm 2019, khi đó tôi còn trong giai đoạn thử việc tại Lao Động - một trong những tờ báo lớn, lâu đời, có ảnh hưởng nhất trong hệ thống báo chí Việt Nam hiện tại.

Tham gia cùng các đồng nghiệp thực hiện tuyến bài “Giăng bẫy lừa, dụ người trẻ khởi nghiệp” tôi đã chuẩn bị sẵn một tâm lý vững vàng cùng nhiệt huyết tuổi trẻ, sẵn sàng cống hiến, xông pha.

Trong vai người trẻ tuổi với khát vọng khởi nghiệp, tôi tìm cách để được tuyển dụng vào cộng đồng khởi nghiệp lúc bấy giờ có tên gọi là “FAA Enterprise (chi nhánh Hà Nội)” để rồi sau đó, bản thân nhận ra một loạt góc khuất và sự thật đau lòng.

Tại trụ sở “khởi nghiệp FAA Enterprise”, những nhóm bạn trẻ mới chập chững vào đời (độ tuổi đôi mươi) được một số đối tượng đứng ra cầm đầu huấn luyện cách tiếp cận, lừa lọc người bệnh (đa số họ không mấy khá giả) qua điện thoại hòng bán ra những liều “thần dược” rởm - bản chất là thực phẩm chức năng với giá cắt cổ.

Trong quá trình tác nghiệp, có nhiều bối cảnh hay câu nói đắt giá nếu được ghi nhận đẩy đủ với hình ảnh, âm thanh sẽ gia tăng đáng kể hiệu quả của tuyến bài và giúp bạn đọc, người xem có thể cảm nhận được tường tận bản chất của những gã lừa đảo núp bóng cộng đồng khởi nghiệp này.

Qua quá trình tác nghiệp, bằng các biện pháp nghiệp vụ, tôi đã nắm giữ một số tài liệu, chứng cứ trong tay. Những người cầm đầu ở cộng đồng “khởi nghiệp FAA Enterprise” sau đó biết việc này, đã “mời” tôi ra khu vực riêng, dùng những lời lẽ hăm dọa kèm khẳng định, sẽ cho công việc và sự nghiệp của tôi “tiêu tan” nếu tôi cố tình “ngáng đường” họ.

Nhưng rồi cuối cùng, khi tuyến bài khép lại, thành quả tôi và những đồng nghiệp nhận được là cộng đồng này bị xóa sổ.

Bà Trần Việt Nga - Phó Cục trưởng Cục An toàn Thực phẩm, Bộ Y tế - đã khẳng định với Báo Lao Động (trong bài viết đăng ngày 15.10.2019 với tựa đề “Khởi nghiệp bằng “thần dược”: Bộ Y tế siết quảng cáo thực phẩm chức năng”) - rằng: Việc thổi phồng quảng cáo về thực phẩm chức năng Bồng Cốt Đan (sản phẩm cộng đồng khởi nghiệp FAA Enterprise rao bán rầm rộ trên các nền tảng mạng xã hội) vi phạm rất nghiêm trọng về các quy định về an toàn thực phẩm và quy định về quảng cáo đối với thực phẩm bảo vệ sức khỏe.

Đại diện của Cục An toàn Thực phẩm, Bộ Y tế cũng cho biết, sẽ tiến hành tập huấn cho toàn bộ cán bộ trong hệ thống để nhận diện các quảng cáo của tổ chức, cá nhân vi phạm như vụ việc trên, truy xuất được các chủ thể vi phạm để xử lý ngay.

Ngoài ra, chúng tôi cũng nhận được những lời cảm ơn từ một số bạn trẻ từng có mơ ước đổi đời bằng cách khởi nghiệp trong cộng đồng lừa lọc này: Tuyến bài đã giúp họ hiểu ra bản chất thật sự các hành động dối trá với người bệnh; những sai trái này đã được lên kế hoạch, kịch bản từ một đội ngũ chuyên nghiệp dẫn dụ, tẩy não họ từ phía sau.

Nghĩ lại câu chuyện này, tôi vẫn thấy chút tiếc nuối, nếu thời điểm đó, các kỹ năng tác nghiệp và xử lý thông tin bằng đa phương tiện của bản thân tốt hơn, có lẽ tôi không rơi vào hoàn cảnh éo le bị đe dọa như vậy. Thậm chí, nếu như tôi thành thạo sớm hơn các kỹ năng ghi nhận sự việc bằng đa phương tiện, tôi đã có thể dùng những lời lẽ, hành động trong cộng đồng “khởi nghiệp FAA Enterprise” làm bằng chứng tố cáo lại chính họ.

Báo Lao Động vạch trần hàng loạt chiêu trò lừa lọc khách hàng của giới chủ 2 chuỗi cửa hàng XTMobi và Dienthoaimoi.
Báo Lao Động vạch trần hàng loạt chiêu trò lừa lọc khách hàng của giới chủ 2 chuỗi cửa hàng XTMobi và Dienthoaimoi. Ảnh: TÙNG GIANG

Đưa ra những bằng chứng thuyết phục

Trước đây, để làm báo điều tra, ngoài việc thâm nhập, quan sát thực tế, nhà báo cần phải ghi nhận lại bằng cách chụp các bức hình. Đây là một phần quan trọng để hoàn thiện các hồ sơ, tài liệu những người làm báo cần có. Bởi nó là giá trị tham chiếu, xác định một sự việc, hiện tượng, hành động có sai trái, vi phạm pháp luật hay không?

Khi đã thu thập đủ tài liệu, chứng cứ liên quan đến đề tài điều tra, người làm báo cũng cần kỹ năng diễn giải một cách tường minh, dễ hiểu để biến một vấn đề mà bản chất đã khá phức tạp có thể tiếp cận mọi đối tượng công chúng.

Việc này đòi hỏi người viết phải có khả năng về mặt ngôn ngữ, phân tích vấn đề một cách logic và am hiểu đời sống xã hội và cả về mặt pháp luật.

Nhưng hiện nay, xu hướng của công chúng đã đòi hỏi cao hơn rất nhiều về tính xác thực thông tin. Ngoài những kỹ năng trên, thì hình ảnh thực tế, lời nói nhân vật, âm thanh hiện trường trở thành tiêu chuẩn mà mọi tuyến bài điều tra - phản ánh đều phải hướng đến.

Rõ ràng, tất cả những hành động, lời nói hay đơn thuần chỉ là một ánh mắt, cái nhíu mày… của những cá nhân liên quan trong các tuyến bài nếu được ghi lại một cách tỉ mỉ bằng các thiết bị đa phương tiện thì đề tài sẽ thêm nhiều sức nặng mạnh mẽ hơn, chân thực hơn.

Tôi có một số trải nghiệm về vấn đề này. Cụ thể, khi tuyến bài “Lộ kế hoạch kinh doanh điện thoại “bịp” của các ông chủ XTMobi và Dienthoaimoi” được đăng tải trên Báo Lao Động vào thời điểm đầu tháng 4.2023, lúc đó đã có hàng nghìn khách hàng do tin tưởng vào gói dịch vụ giá rẻ để sở hữu điện thoại Iphone chính hãng, họ đã chi đậm tiền rồi sau cùng lại nhận về trái đắng.

Vì thực tế, bản chất của những chiếc điện thoại đập hộp được quảng cáo ầm ầm trên không gian mạng của hai đơn vị nói trên chỉ là hàng dựng, được cấu kiện và lắp ráp chắp vá, sau đó bán lại cho khách kiếm lời.

Ít người nhận ra điều đó, cũng không mấy ai dám lên tiếng tố cáo hành vi gian dối này vì một phần họ e ngại, một phần vì đã lỡ “há miệng mắc quai”.

Chỉ đến khi chúng tôi vào cuộc và sử dụng các biện pháp nghiệp vụ cần thiết, ghi nhận bên trong địa điểm bảo hành thiết bị của 2 chuỗi cửa hàng XTMobi và Dienthoaimoi trên phố Thái Hà, đồng thời ghi nhận toàn bộ cuộc nói chuyện với đầy đủ bối cảnh, âm thanh giữa 2 ông chủ đứng đầu 2 chuỗi cửa hàng này thì mọi sự thật về cách thức làm ăn, buôn bán gian lận mới được phơi bày.

Sau loạt bài này, Tòa soạn Báo Lao Động đã nhận được nhiều hơn những nội dung tố cáo từ các nạn nhân mua phải điện thoại kém chất lượng thông qua hộp thư gửi đến tòa soạn hoặc gửi trực tiếp cho phóng viên thực hiện đề tài. Đến đây, những khách hàng từng mua phải “điện thoại rởm” tại XTMobi và Dienthoaimoi mới chắc chắn rằng mình đã bị lừa.

Với những bằng chứng cụ thể chúng tôi đưa ra, những người đứng đầu của XTMobi và Dienthoaimoi đã không thể chối cãi, cùng hàng loạt hệ thống các cửa hàng trải đều tại các quận nội thành Hà Nội buộc phải đóng cửa, ngừng hoạt động trước sự truy lùng gắt gao của lực lượng quản lý thị trường.

Phóng viên Báo Lao Động “giải mã” những hoạt động mờ ám ở bãi sông Hồng và vạch trần bí ẩn của những đoàn xe chở phế thải lấp sông. Ảnh: TÙNG GIANG
Phóng viên Báo Lao Động “giải mã” những hoạt động mờ ám ở bãi sông Hồng và vạch trần bí ẩn của những đoàn xe chở phế thải lấp sông. Ảnh: TÙNG GIANG

Nhưng, thiết bị công nghệ không phải lúc nào cũng phát huy tối đa hiệu quả

Khi nói về cách tác nghiệp điều tra - phản ánh trong thời đại số, nhiều người sẽ nghĩ ngay đến các thiết bị công nghệ hỗ trợ. Tuy nhiên, trong quá trình tác nghiệp thực tế của bản thân, tôi nhận thấy rằng, không phải lúc nào các thiết bị công nghệ số cũng phát huy tối ưu hiệu quả, dù cho chúng được sạc đầy pin và bộ nhớ dư thừa dung lượng.

Cụ thể, loạt bài điều tra “Hoạt động mờ ám ở bãi sông Hồng”, đăng tải trên Báo Lao Động vào tháng 7.2022 phản ánh thực trạng bảo kê, đổ phế thải lấp sông trái phép để tạo mặt bằng tại địa bàn quận Long Biên, (Hà Nội).

Mỗi ngày, khu vực bãi đất ven sông Hồng (đoạn qua phường Long Biên) có hàng chục chuyến xe tải chở theo đất đá và phế thải xây dựng, nối đuôi nhau ra vào bên trong một điểm san lấp mặt bằng quy mô lớn. Nhưng do địa hình rộng lớn, vị trí nằm sâu sát mép sông và luôn có người túc trực bên ngoài lối vào đề phòng bị phát giác, nên việc ghi nhận của chúng tôi diễn ra không thuận lợi.

Sau nhiều ngày rong ruổi trên các con đường là điểm nóng đoàn xe tải quần thảo nhưng vẫn không thể tiến sâu vào khu vực hiện trường, chúng tôi nhận ra rằng, các thiết bị công nghệ dù hiện đại, tiên tiến đến đâu thì nghiệp vụ của người làm báo vẫn là then chốt để giải quyết vấn đề.

Nếu không có nghiệp vụ, bạn sẽ không thể tiếp cận hiện trường, không thể khai thác thông tin trước những đối tượng luôn lăm le theo dõi mỗi khi có người lạ xuất hiện trong địa bàn của chúng.

Sau loạt bài điều tra này, ngày 25.8.2022 thông tin đến Báo Lao Động, Công an quận Long Biên cho biết, tình trạng đổ phế thải ở tất cả các khu vực bị báo phản ánh đã hoàn toàn được ngăn chặn.

Trong thời đại số, chuyên môn, nội dung và công nghệ không thể đứng độc lập mà cần phải luôn song hành, bổ trợ lẫn nhau. Khi có được nội dung tốt và thành thạo thêm kỹ năng tác nghiệp bằng đa phương tiện, người làm báo hoàn toàn có thể làm chủ công nghệ, qua đó tăng sức lan tỏa để thông tin, nội dung của mình có sự khác biệt, chuyên sâu hơn.

Vẫn còn rất nhiều những câu chuyện và ví dụ khác về tính hiệu quả khi tác nghiệp báo chí điều tra - phản ánh bằng đa phương tiện. Nhưng để các đề tài đạt kết quả cao nhất, nhiều kỹ năng người làm báo vẫn cần phải học, phải thay đổi và cập nhật để đáp ứng yêu cầu công việc ngày một đòi hỏi cao hơn cả về trình độ và cả kỹ năng như nghề báo.


Tùng Giang/Laodong.vn


Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây