Thứ hai, 29/04/2024, 02:27

“Thông cáo báo chí” và nhà báo

(Hoinhabaonghean.vn) - Gần đây, tôi đã phải dừng lại khá lâu khi đọc bài phỏng vấn người đồng nghiệp đàn anh - nhà báo, nhà thơ Nguyễn Sỹ Đại “Việc của mình là xanh”, đăng trên trang vanvn.vn (09/09/2023) nhân sự kiện ra mắt phim tài liệu về nhà báo lão thành Thái Duy* do chính tác giả bài thơ nổi tiếng “Lá xanh” làm đạo diễn.


Khi được hỏi “Làm báo thời nay khác trước ra sao?”, nhà báo Nguyễn Sỹ Đại kể ngay câu chuyện báo chí đưa tin về sự kiện nói trên, rằng: “Tôi tìm đọc thì có đến vài chục bản tin đăng trên các báo giống hệt nhau, và giống hệt thông cáo báo chí. Không một phóng viên nào chủ động phỏng vấn thêm một câu nào. Thực sự là thấy rất buồn...”. Cùng thời điểm, một người bạn ở Thành phố Hồ Chí Minh gửi cho tôi một số đường link của báo chí đăng bài về sự kiện ra mắt sách của tác giả, kèm theo một lời nhắn “cũng chỉ là xào nấu lại văn bản của chương trình ra mắt thôi…”

Thực ra câu chuyện nhà báo Nguyễn Sỹ Đại và một tác giả sách vừa nêu không mới, mà đã và đang “tràn ngập lãnh thổ” lâu nay. Chúng ta đều biết công việc của nhà báo hàng ngày là bám sự kiện, thông tin sự kiện theo từng yêu cầu đặt ra khác nhau của mỗi tờ báo, trang tin. Ban tổ chức sự kiện thường chủ động cung cấp thông tin cho báo chí theo quy định, thông qua “thông cáo báo chí” gửi cho phóng viên nhằm giúp họ tiện lợi trong công việc, nắm được nội dung và định hướng thông tin một cách nhanh nhất, chính xác nhất có thể bằng văn bản.Tương tự là các bản cáo cáo, tài liệu hội họp, hội thảo, ra mắt…được cung cấp cho đại biểu, cho báo chí, giúp cho việc tiếp cận sớm nhất, nhanh nhất nội dung, thảo luận, tuyên truyền, thông tin… để sau đó xử lý và đăng phát trên hệ thống cổng thông tin điện tử hay trên báo chí, các nền tảng mạng xã hội.

Vấn đề là lâu nay, như một thói quen dễ dãi, dễ chấp nhận, không ảnh hưởng tiêu cực tới ai…là người ta coi chuyện phóng viên nhận “tài liệu”, nhận “thông cáo báo chí” rồi từ đó “xào nấu” lên, trả bài đúng ngày giờ là được, là đủ, là xong việc. Phóng viên dự hội nghị nhận xong tài liệu là…chuồn thẳng, không cần nghe thảo luận, nghe ý kiến phản biện, ý kiến khác hay phỏng vấn, trao đổi thêm với người có trách nhiệm, người trong cuộc để làm rõ những vấn đề nổi cộm, chưa thống nhất từ hội nghị, từ thực tiễn, dẫn đến kết quả “xào nấu” qua loa, vô bổ như nhà báo Nguyễn Sỹ Đại  nêu ra là “có đến vài chục bản tin đăng trên các báo giống hệt nhau, và giống hệt thông cáo báo chí. Không một phóng viên nào chủ động phỏng vấn thêm một câu nào”.

Tất nhiên, nói đến đây rất cần thiết phải nhắc đến câu chuyện nhiều tòa soạn báo, nhiều phóng viên báo chí lâu nay đã không đi tác nghiệp chỉ theo giấy mời, chỉ theo tài liệu có sẵn rồi viết tin, làm bài như vừa nói ở trên, rồi lật đật chạy theo thông tin, sự kiện khác theo cách hệt như trước đó.

Đã có những tòa soạn, phóng viên “chuẩn chỉnh” quy tắc là nếu sự kiện diễn ra thường kỳ, lặp lại, không có thông tin mới, thông tin hay thu hút khán giả quan tâm thì dứt khoát không phân công công việc, không chấp thuận làm tin, làm bài, không lên kế hoạch xuất bản và tất nhiên không có kế hoạch nhuận bút. Bởi các tòa soạn này, các phóng viên này ngay từ đầu đã dứt khoát “nói không” với những bản tin, bài viết sơ lược, rập khuôn, xuất hiện đồng loạt, giống hệt nhau trên các báo, những thứ chỉ…xua bạn đọc, làm ảnh hưởng, mất uy tín, thương hiệu của tờ báo, của nhà báo. Đấy là chưa kể những vấn đề quan trọng, cấp thiết khác liên quan đến năng lực sáng tạo, tìm tòi, ý chí vươn lên, đạo đức người cầm bút…vốn luôn được đặt ra và vận hành trong các tòa soạn, nhà báo lâu nay, để họ tồn tại và phát triển theo yêu cầu của các cơ quan báo chí tự chủ, tự chịu trách nhiệm trước cơ quan chủ quản và cả xã hội trong xu thế mới.
 
Nhà báo Thái Duy(đứng giữa, hàng trước) tại buổi ra mắt Phim tài liệu Thái Duy sống và viết, tại Bảo tàng Báo chí Việt Nam, tháng 9 2023
Nhà báo Thái Duy(đứng giữa, hàng trước) tại buổi ra mắt Phim tài liệu Thái Duy sống và viết, tại Bảo tàng Báo chí Việt Nam, tháng 9. 2023

Trở lại với ý kiến của nhà báo Nguyễn Sỹ Đại về “làm báo thời nay khác trước ra sao”. Ông cho rằng “Sự khác biệt của thế hệ đi trước với hôm nay có lẽ là trước đây người ta yêu nghề báo một cách thật sự, để trở thành nhà báo thực sự là một vinh dự, người ta có lý tưởng. Thậm chí sau này mới có lương chứ hồi đầu kháng chiến như ông Thái Duy làm báo đâu có lương. Một trong những thành công của họ là họ có lý tưởng, có tâm thế của lao động, cống hiến. Bây giờ thì làm báo là một nghề, nghề kiếm sống như mọi nghề khác. Điều ấy đúng nhưng khi nó quá thiên lệch, đặt nặng việc kiếm tiền thì nó biến nghề báo trở thành công cụ để kiếm sống mà bản chất báo chí không phải như vậy. Bản chất của báo chí là phụng sự chứ không phải là công cụ của bất cứ một lực lượng nào..”

Từ chi tiết nhỏ “thông cáo báo chí” đến tấm gương lớn của nhà báo Thái Duy mà nhà báo Nguyễn Sỹ Đại nêu lên là câu chuyện không hề nhỏ, rất đáng suy nghĩ và quan tâm trong làng báo hiện nay. Rõ ràng, làm báo, nghề báo thời nào cũng có khó khăn, thuận lợi riêng. Những bài học vượt khó, vượt khổ, ý chí vươn lên, tận hiến của nhà báo Thái Duy và các thế hệ làm báo đi trước cũng như hiện nay luôn mang ý nghĩa soi sáng cho các thế hệ đi sau, dù hoàn cảnh, điều kiện, môi trường báo chí đã có nhiều thay đổi, khác biệt.

Hiện nay, nhà báo được đào tạo, học hỏi cơ bản cả về nghiệp vụ lẫn công nghệ, có phương tiện tác nghiệp hiện đại và nhiều thuận lợi khác nhưng cũng phải đối mặt với nhiều thách thức từ cuộc sống, nhu cầu bạn đọc, áp lực từ mạng xã hội tràn ngập thông tin...Vậy nên, nếu vẫn duy trì và để rơi rớt thói quen cũ khi làm tin, viết bài chủ yếu dựa vào “thông cáo báo chí”, vào tài liệu có sẵn, không chịu khó đào sâu suy nghĩ, trăn trở với thời cuộc, với muôn vẻ cuộc sống và đặc biệt, không dám dấn thân vì sự thật, không đề cao đạo đức người làm báo…thì đó chỉ thuần túy là một cách kiếm sống, không hơn không kém. Sự phát triển, đi lên của báo chí sẽ loại thải không thương tiếc những người, những việc không đáng có đó và từ đáy lòng của mỗi người cầm bút, không thể/không nên xưng gọi là “nhà”- nhà báo theo cách xã hội đã và đang hiểu/nghĩ/tôn trọng và chờ mong từng giây, từng phút ở mỗi chúng ta hôm nay và ngày mai…/.

Bùi Sĩ Hoa

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây