Thứ bảy, 23/11/2024, 03:11

Hội Nhà báo Việt Nam trưởng thành qua các kỳ đại hội

(hoinhabaonghean.vn) Ngày 21/4/1950 đã trở thành một cột mốc lịch sử của giới báo chí Việt Nam và xóm Roòng Khoa, xã Ðiềm Mặc, huyện Ðịnh Hóa, tỉnh Thái Nguyên trở thành địa danh lịch sử gắn liền với sự kiện thành lập Hội Những người viết báo Việt Nam. Ngày 02/6/1950, Bộ Nội vụ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà ra Nghị định số 232-NV/H công nhận sự hợp pháp của Hội.
BCH Hội nhà báo VN khóa XI ra mắt Đại hội
BCH Hội nhà báo Việt Nam khóa XI ra mắt  Đại hội

“Báo chí góp phần vào việc xây dựng nền dân chủ nhân dân và kháng chiến kiến quốc”  

Trích văn bản Đại hội I, tháng 4/1950)

Sau 5 tháng thành lập, tháng 9/1950, Hội những người viết báo Việt Nam được kết nạp làm thành viên của tổ chức quốc tế các nhà báo OIJ. Từ Việt Bắc, hai nhà báo Thép Mới và Trần Lâm được cử sang Phần Lan tham dự Hội nghị của OIJ. Việt Bắc những năm 1950- 1954 cũng là nơi Hội Những người viết báo Việt Nam và một số cơ quan báo chí kháng chiến mở rộng tình thân ái đón tiếp các đồng nghiệp làm báo từ phương Tây đến thăm như nhà báo Pháp Léo Figuères, nhà báo Úc Wilfred Burchett…

Ngày 16/4/1959, tại Hà Nội, Ðại hội lần thứ II khai mạc và chính thức đổi tên Hội Những người viết báo Việt Nam thành Hội Nhà báo Việt Nam. Điều lệ mới được thông qua, Ban Chấp hành mới gồm 25 nhà báo do nhà báo Xuân Thuỷ làm Chủ tịch. Thời kỳ này, ở miền Nam Việt Nam, Đảng chủ trương tập hợp rộng rãi báo chí tham gia đấu tranh chống chế độ tàn bạo Mỹ - Diệm. Ngày 11/11/1961, Hội Nhà báo yêu nước và dân chủ miền Nam Việt Nam được thành lập, Chủ tịch là nhà báo Vũ Tùng (Nguyễn Văn Thọ). 

Ngày 07/9/1962, Đại hội lần thứ III Hội Nhà báo Việt Nam khai mạc. Báo cáo của Đại hội nhấn mạnh “nhiệm vụ cách mạng cao cả” của báo chí và báo chí “phải luôn là một đội ngũ cách mạng”: 

Đại hội II và Đại hội III đều vinh dự được đón Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Đảng và Chính phủ đến dự và nói chuyện với các đại biểu. Đề cập đến vai trò tổ chức chính trị và nghiệp vụ của Hội Nhà báo, Người nói: “Nhiệm vụ của Hội là phải làm cho hội viên đoàn kết chặt chẽ, giúp đỡ lẫn nhau để nâng trình độ chính trị và nghiệp vụ. Có như thế thì Hội nhà báo mới làm tròn nhiệm vụ của mình và những người làm báo mới phục vụ tốt nhân dân, phục vụ tốt cách mạng”. (Đại hội II). “Nhiệm vụ của báo chí là phục vụ nhân dân, phục vụ cách mạng”; “Cán bộ báo chí cũng là chiến sĩ cách mạng. Cây bút, trang giấy là vũ khí sắc bén của họ. Để làm tròn nhiệm vụ vẻ vang của mình, cán bộ báo chí cần phải tu dưỡng đạo đức cách mạng”.(Đại hội III)  

Những câu nói của Người tại diễn đàn của Hội Nhà báo Việt Nam 50 năm trước luôn là kim chỉ nam, là phương châm hành động, phấn đấu và tu dưỡng của người làm báo cách mạng cho đến hôm nay. 

Miền Nam giải phóng, đất nước thống nhất, ngày 07/7/1976, Hội Nhà báo Việt Nam và Hội Nhà báo yêu nước và dân chủ miền Nam Việt Nam đã tổ chức Hội nghị hợp nhất, nhất trí lấy tên là Hội Nhà báo Việt Nam. Các nhà báo tên tuổi của hai miền tham gia ban lãnh đạo mới. Nhà báo Hoàng Tùng làm Chủ tịch; nhà báo Tân Ðức và Huỳnh Văn Tiểng làm Phó Chủ tịch, nhà báo Lưu Quý Kỳ làm Tổng Thư ký. 

Ðại hội đại biểu toàn quốc Hội Nhà báo Việt Nam lần thứ IV khai mạc tại Hà Nội ngày 08/12/1983, là đại hội đầu tiên sau hơn 7 năm hợp nhất hai hội, Ban Chấp hành mới gồm 53 người. Các nhà báo Hoàng Tùng, Hồng Chương lần lượt giữ chức Chủ tịch Hội. Tại nhiệm kỳ này, đề xuất của Hội Nhà báo Việt Nam về việc lấy ngày xuất bản số đầu Báo Thanh Niên 21/6/1925 làm Ngày Báo chí Việt Nam đã được Ban Bí thư Trung ương Ðảng nhất trí. 

Ngày 16-18/10/1989, Ðại hội lần thứ V Hội Nhà báo Việt Nam được tổ chức và bầu BCH gồm 39 người, nhà báo Phan Quang làm Tổng Thư ký. 

Hội tích cực tham gia soạn thảo Luật báo chí và được Quốc hội khóa VIII thông qua cuối năm 1989.

Ðại hội lần thứ VI - Hội Nhà báo Việt Nam diễn ra đầu tháng 3/1995, bầu Ban Chấp hành gồm 35 Uỷ viên, do nhà báo Phan Quang làm Chủ tịch đã thông qua bản Quy ước về tiêu chuẩn đạo đức nghề nghiệp của báo chí Việt Nam. Bản Quy ước lần đầu tiên được ban hành đã đặt ra nghĩa vụ tự nguyện thực thi những quy chuẩn đạo đức nghề nghiệp và xã hội, tránh được những hạn chế đáng tiếc trong hoạt động tác nghiệp báo chí. Cũng trong nhiệm kỳ này, Luật báo chí 1998 được sửa đổi bổ sung và được Quốc hội thông qua; về đối ngoại, Hội Nhà báo Việt Nam trở thành thành viên chính thức của Liên đoàn báo chí ASEAN (CAJ). 

Ðại hội lần thứ VII Hội Nhà báo Việt Nam họp trong 2 ngày 24- 25/3/2000, bầu BCH do nhà báo Hồng Vinh làm Chủ tịch. Nhân kỷ niệm 50 năm thành lập Hội Nhà báo Việt Nam (21/4/1950- 21/4/2000), Hội vinh dự được Chủ tịch nước trao tặng Huân chương Hồ Chí Minh. Ngày 21/6/2000, nhân kỷ niệm 75 năm ngày Báo chí Việt Nam, theo đề nghị của Hội Nhà báo Việt Nam, Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam đã nhất trí gọi ngày 21/6 hàng năm là Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam.  

Diễn ra từ ngày 11-13/8/2005, Ðại hội lần thứ VIII Hội Nhà báo Việt Nam đã bầu nhà báo Ðinh Thế Huynh làm Chủ tịch, đồng thời ra quyết nghị thay “Quy ước về đạo đức nghề nghiệp báo chí Việt Nam” bằng “Quy định đạo đức nghề nghiệp của người làm báo Việt Nam” và sửa đổi Ðiều lệ, Chương trình Hành động đến năm 2010. 

Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam 21/6/2010, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng thay mặt lãnh đạo Đảng và Nhà nước trao tặng Hội Nhà báo Việt Nam Huân chương Sao Vàng bởi những đóng góp to lớn của giới báo chí Việt Nam trong chiến tranh vệ quốc và sự nghiệp kiến quốc.

Trong các ngày 10-12/8/2010 Ðại hội lần thứ IX Hội Nhà báo Việt Nam được tổ chức tại Hà Nội. Lần lượt các nhà báo,Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng Ðinh Thế Huynh, Thuận Hữu giữ chức Chủ tịch Hội. 

Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X Hội Nhà báo Việt Nam đã diễn ra từ 07-09/8/2015 với sự tham gia của 502 đại biểu, đại diện cho hơn 22.000 hội viên cả nước. Ban Chấp hành mới gồm 57 đồng chí. Nhà báo Thuận Hữu tiếp tục được bầu giữ chức Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam khóa X, nhiệm kỳ 2015-2020. Dự Đại hội, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu chào mừng, nhấn mạnh: Trước hết, anh chị em làm báo phải quán triệt đầy đủ sâu sắc hơn nữa quan điểm báo chí là vũ khí sắc bén, là công cụ đắc lực của Đảng trên mặt trận tư tưởng, mỗi người làm báo là một chiến sỹ cách mạng, Đảng lãnh đạo tuyệt đối và toàn diện đối với hoạt động báo chí. Nhà nước quản lý báo chí bằng pháp luật, nghề làm báo là một nghề cao quý thiêng liêng, nhà báo cách mạng phải có tinh thần cách mạng, đó là tinh thần tiến công đấu tranh loại bỏ cái sai, cái xấu, bảo vệ cái đúng cái tốt vì sự nghiệp chung của đất nước, của dân tộc của nhân dân.

Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020-2025, Ban Chấp hành Hội Nhà báo Việt Nam gồm 52 thành viên, đồng chí Lê Quốc Minh- Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, Tổng Biên tập Báo Nhân dân tái đắc cử Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam khóa XI. Đồng chí Nguyễn Đức Lợi, nguyên Tổng Giám đốc Thông tấn xã Việt Nam và đồng chí Trần Trọng Dũng, Chủ tịch Hội Nhà báo Thành phố Hồ Chí Minh được bầu làm Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam khóa XI.

Đội ngũ những người làm báo Cách mạng Việt Nam mà đại diện là Hội Nhà báo Việt Nam đã có nhiều đóng góp quan trọng trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc trước đây cũng như trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc ngày nay, không ngừng bồi đắp truyền thống vẻ vang của Báo chí Cách mạng Việt Nam. Vai trò, vị thế của Hội nhà báo Việt Nam trong đời sống xã hội tiếp tục được nâng cao. Những phần thưởng cao quý mà Đảng và Nhà nước đã trao tặng không chỉ là niềm tự hào của những Hội viên, người làm báo cả nước mà còn là sự ghi nhận, tiếp sức cho tổ chức Hội của người làm báo nước ta.

72 năm đã trôi qua, lịch sử vẫn khắc ghi trọn vẹn tinh thần và ý chí của Đại hội đầu tiên và duy nhất được tổ chức trong kháng chiến chống Pháp./.

Mai Chí Vũ


Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây