Thứ năm, 25/04/2024, 03:58

Phát huy vai trò, trách nhiệm của cấp ủy trong chỉ đạo, định hướng và xử lý vấn đề báo chí phản ánh

(hoinhabaonghean.vn) Đồng chí phó trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Phạm Ngọc Cảnh cho rằng, việc Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Đề án “Nâng cao hiệu quả chỉ đạo, định hướng và xử lý thông tin báo chí trên địa bàn tỉnh Nghệ An giai đoạn 2021-2025” (Đề án số 11-ĐA/TU) là chủ trương đúng đắn và cần thiết.

Nhằm nâng cao vị trí, vai trò, trách nhiệm của cấp ủy các cấp trong công tác chỉ đạo, định hướng và xử lý vấn đề báo chí phản ánh cũng như tạo điều kiện cho báo chí Nghệ An tiếp tục hoạt động hiệu quả. Nhân Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam 21/6, Tạp chí Người làm báo Nghệ An có cuộc trao đổi với đồng chí Phạm Ngọc Cảnh, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy xung quanh Đề án này

Đồng chí Phạm Ngọc Cảnh Phó ban Tuyên giáo Tỉnh ủy (giữa) đồng chủ trì giao ban báo chí

Đồng chí Phạm Ngọc Cảnh- Phó ban Tuyên giáo Tỉnh ủy (giữa) đồng chủ trì giao ban báo chí

PV: Một trong những nội dung quan trọng được Ban Thường vụ Tỉnh ủy nhiệm kỳ 2020 – 2025 ban hành là Đề án số 11-ĐA/TU. Đồng chí đánh giá như thế nào về sự cần thiết và mục đích của Đề án này?

 Đồng chí Phạm Ngọc Cảnh: Có thể khẳng định, thời gian qua, công tác chỉ đạo, định hướng và xử lý thông tin báo chí phản ánh trên địa bàn tỉnh đã có chuyển biến tích cực, đáng ghi nhận. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả nổi bật, công tác chỉ đạo, định hướng và xử lý thông tin báo chí phản ánh vẫn còn nhiều khó khăn và thách thức mới.

Nghệ An là một trong những trung tâm báo chí lớn của cả nước. Hiện trên địa bàn tỉnh có 65 cơ quan báo chí hoạt động, trong đó có 3 cơ quan báo chí của tỉnh và 62 cơ quan văn phòng đại diện, phóng viên thường trú. Tổng số phóng viên các cơ quan báo chí hoạt động trên địa bàn là 400 người, trong đó phóng viên các cơ quan báo chí của tỉnh là 263 người, văn phòng đại diện là 106 người và phóng viên thường trú  31 người.

Báo chí Nghệ An có nhiều đóng góp tích cực cho sự phát triển KT-XH của tỉnh, góp phần định hướng dư luận, tạo đồng thuận trong xã hội. Tuy nhiên, hoạt động báo chí vẫn còn những tồn tại, hạn chế, một số cơ quan báo chí chưa thực hiện nghiêm tôn chỉ, mục đích, chưa làm tốt chức năng định hướng dư luận, thiếu hài hòa giữa “xây” và “chống”. Thậm chí còn có sản phẩm báo chí vi phạm Luật báo chí, một số phóng viên vi phạm đạo đức nghề. Bên cạnh đó, những tác động mạnh mẽ, trực tiếp của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư; sự phát triển của công nghệ truyền thông mới, sức ép cạnh tranh thông tin từ truyền thông xã hội với nhiều luồng thông tin đa dạng, đa chiều; hiểm họa thông tin xấu, độc, tin giả xuất hiện nhiều..., gây khó khăn cho công tác tuyên truyền, quản lý báo chí. Trong khi đó, một số cấp ủy, chính quyền, cơ quan tham mưu về lĩnh vực báo chí chưa chủ động, kịp thời trong công tác chỉ đạo, định hướng; công tác phối hợp cung cấp thông tin cho báo chí chưa đồng bộ, chưa đáp ứng nhu cầu cập nhật thông tin của các cơ quan báo chí. Một số địa phương, cơ quan, đơn vị, người phát ngôn còn tâm lý né tránh, ngại tiếp xúc với báo chí, nhất là trong việc phản ứng liên quan đến sự việc mới phát sinh, nhạy cảm, vấn đề nóng xã hội đang quan tâm, còn lúng túng, chưa kịp thời. Trình độ nghiệp vụ, chuyên môn của một bộ phận cán bộ tham mưu chỉ đạo, xử lý vấn đề báo chí phản ánh ở các cấp, ngành, địa phương còn hạn chế; vẫn còn tình trạng chưa giải quyết kịp thời các vấn đề báo chí phản ánh, nhất là giải quyết dứt điểm các nội dung phản ánh kéo dài. Một số phóng viên, cộng tác viên đăng thông tin thiếu kiểm chứng trên mạng xã hội nhằm câu view, đưa tin giật gân, khai thác "mảng tối" quá nhiều, thậm chí lồng ghép ý tưởng cá nhân làm sai lệch nội dung vụ việc; trong khi các thành tựu phát triển kinh tế - xã hội, người tốt, việc tốt chưa được tuyên truyền đúng mức.

Xuất phát từ thực tế này, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Nghệ An đã ban hành Đề án “Nâng cao hiệu quả chỉ đạo, định hướng và xử lý thông tin báo chí trên địa bàn tỉnh Nghệ An giai đoạn 2021-2025”. Việc ban hành Đề án thể hiện rõ quan điểm của Đảng trong lãnh đạo, chỉ đạo định hướng hoạt động báo chí, nhằm tạo sự thống nhất trong lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý báo chí, góp phần định hướng dư luận, tạo đồng thuận trong xã hội để thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX nhiệm kỳ 2020 - 2025.

PV: Mục tiêu của Đề án là phát huy vai trò, trách nhiệm của cấp ủy , chính quyền các cấp trong chỉ đạo, định hướng và xử lý vấn đề báo chí phản ánh. Xin đồng chí cho biết cụ thể hơn về nội dung này?

Đồng chí Phạm Ngọc Cảnh: Mục tiêu mà Đề án 11 hướng đến là, tạo sự chuyển biến đồng bộ từ tư duy, nhận thức đến hành động thực tiễn của cấp ủy đảng, chính quyền các cấp về vai trò, tầm quan trọng của công tác chỉ đạo, định hướng, quản lý công tác báo chí; đưa công tác chỉ đạo, định hướng, quản lý báo chí trở thành nhiệm vụ thường xuyên, quan trọng trong công tác chỉ đạo, điều hành của cấp ủy, chính quyền. Tiếp tục phát huy vai trò quan trọng và hiệu quả to lớn của báo chí trong việc đồng hành cùng với sự phát triển của tỉnh. Có thể nói, mục tiêu này còn kịp thời khắc phục những hạn chế, thiếu sót trong công tác chỉ đạo, định hướng báo chí. Đổi mới phương thức, nâng cao chất lượng hiệu quả công tác chỉ đạo, định hướng, quản lý báo chí; kịp thời nắm bắt tình hình, dự báo và đề xuất các giải pháp nâng cao hiệu quả chỉ đạo, quản lý báo chí, giúp cấp ủy, chính quyền các cấp đề ra những quyết sách đúng đắn trong lĩnh vực này, để báo chí tiếp tục đồng hành cùng sự phát triển của quê hương, đất nước.

PV: Để Đề án 11 nhanh chóng phát huy hiệu quả, theo đồng chí, cấp ủy, chính quyền các cấp và các cơ quan liên quan cần phải làm gì?

Đồng chí Phạm Ngọc Cảnh: Để tạo sự chuyển biến từ Đề án 11, cần tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, sự vào cuộc của cấp ủy, chính quyền các cấp, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và hành động, phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị tham gia thực hiện công tác tuyên truyền trong việc chủ động cung cấp thông tin, định hướng chính xác, dự báo đúng, xử lý kịp thời các vấn đề báo chí phản ánh, nhất là các vấn đề mới phát sinh, nhạy cảm, được dư luận quan tâm.

Phát huy vai trò nòng cốt của ban tuyên giáo (tuyên huấn) các cấp trong việc nâng cao chất lượng, hiệu quả tham mưu công tác chỉ đạo, định hướng tuyên truyền trên báo chí; đôn đốc, kiểm tra, giám sát các vấn đề báo chí phản ánh, không để tồn đọng kéo dài. Các huyện, thành, thị ủy, đảng ủy trực thuộc; Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội cần bố trí đội ngũ cán bộ tham mưu công tác báo chí đáp ứng yêu cầu công tác tư tưởng trong tình hình mới.

 Khắc phục những khuyết điểm, yếu kém trong chỉ đạo, định hướng, quản lý công tác báo chí, cả về công tác phát hành, đọc và sử dụng báo Đảng; tăng cường phối hợp chặt chẽ, đổi mới tư duy chỉ đạo, quản lý nhằm tăng cường sự đoàn kết thống nhất trong Đảng, tạo sự đồng thuận trong xã hội.

Đổi mới nội dung, hình thức, chất lượng, hiệu quả việc chỉ đạo, định hướng báo chí theo phương châm: Chủ động, kịp thời, thuyết phục, hiệu quả. Cung cấp thông tin đầy đủ, kịp thời cho báo chí; tăng cường gương người tốt, việc tốt, mô hình hay, cách làm hiệu quả trong phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh, xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh, góp phần lan tỏa tích cực trong xã hội.

Tăng cường chỉ đạo, định hướng thông tin về công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, đấu tranh phòng chống tham nhũng tiêu cực, ngăn chặn suy thoái về đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” trong nội bộ gắn với “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”.

Một cuộc họp báo của Văn phòng UBND tỉnh Nghệ An (thàng 3 2021)
Một cuộc họp báo của Văn phòng UBND tỉnh Nghệ An (thàng 3.2021)

Chú trọng phối hợp giữa các cơ quan, sở, ban, ngành, Hội Nhà báo tỉnh và các địa phương trong công tác chỉ đạo, định hướng, xử lý thông tin báo chí phản ánh, kịp thời xử lý các vấn đề báo chí phản ánh đúng để tạo sự đồng thuận trong xã hội. Tăng cường phối hợp trong quản lý, giám sát để các cơ quan báo chí, nhất là các cơ quan, thường trú, văn phòng đại diện; các nhà báo, phóng viên, cộng tác viên thực hiện đúng tôn chỉ, mục đích, đạo đức nghề nghiệp và các quy định của pháp luật.

Đổi mới, nâng cao chất lượng giao ban báo chí. Nghiên cứu sửa đổi, ban hành quy chế phối hợp tổ chức giao ban báo chí, họp báo thường kỳ, đột xuất, cung cấp, xử lý thông tin báo chí giữa các cơ quan chức năng phù hợp thực tiễn.

 Đẩy mạnh xây dựng cơ chế, giải pháp thúc đẩy sự phát triển toàn diện các cơ quan báo chí chủ lực của tỉnh: Báo Nghệ An, Đài Phát thanh - Truyền hình Nghệ An, Tạp chí Sông Lam để thực hiện tốt nhiệm vụ đi đầu trong công tác định hướng dư luận xã hội, tuyên truyền bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, xây dựng nền báo chí hiện đại, chuyên nghiệp, nhân văn, hiệu quả, phục vụ  nhiệm vụ chính trị và nhân dân trên địa bàn tỉnh.

Chủ động ứng dụng công nghệ thông tin trong nắm bắt thông tin, phát hiện sớm các vấn đề phát sinh. Xây dựng, củng cố đội ngũ cán bộ tham mưu có chuyên môn sâu về công tác chỉ đạo, định hướng và xử lý thông tin báo chí; tăng cường công tác xây dựng Đảng trong các cơ quan báo chí và tổ chức Hội Nhà báo. Quản lý và chấn chỉnh hoạt động của các cơ quan đại diện, phóng viên thường trú gắn với thực hiện Quyết định số 979/QĐ-HNBVN, ngày 06/4/2018 của Hội Nhà báo Việt Nam về sinh hoạt của Hội viên là phóng viên thường trú của các cơ quan báo chí tại địa phương.  Chỉ đạo tổ chức tốt Giải báo chí viết về xây dựng Đảng (Giải Búa liềm vàng - Nghệ An), Giải báo chí Nghệ An; giải báo chí về công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng, lãng phí; giải báo chí do các ngành, địa phương phát động, tổ chức...; tham gia hưởng ứng các giải báo chí do Trung ương phát động.

Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy kịp thời tham mưu chỉ đạo, kiểm tra, xác minh các vấn đề báo chí phản ánh được dư luận quan tâm, đồng thời đôn đốc việc xử lý các vấn đề báo nêu, tránh để tồn đọng kéo dài, gây bức xúc trong dư luận; ban tuyên giáo cấp huyện và tương đương phối hợp với Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đôn đốc, giám sát việc trả lời báo chí phản ánh, đồng thời làm tốt công tác dự báo và định hướng tư tưởng dư luận trên địa bàn; phối hợp chặt chẽ với các đơn vị liên quan giám sát, kiểm tra chuyên đề hoặc đột xuất khi phát sinh vụ việc và tập trung xác minh, xử lý, trả lời các vấn đề “nóng” do báo chí phản ánh dư luận quan tâm. Làm được như vậy, chúng ta sẽ xây dựng được một môi trường hoạt động báo chí lành mạnh, tạo cho các cơ quan báo chí, các nhà báo hoạt động hiệu quả, hiệu lực, để báo chí thực sự là binh chủng thông tin mạnh để phụng sự đất nước, quê hương, góp phần đồng hành cùng sự phát triển phồn thịnh của tỉnh nhà./.

PV: Xin cảm ơn đồng chí!

P.V (Thực hiện)

 Tags: Đề án, 11-ĐA/TU

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây