Thứ tư, 04/12/2024, 21:59

Chuyến bay giải cứu: Ra giá 'chung chi' mỗi sinh viên 500 USD, người lao động 6 triệu đồng

Khai tại tòa, một số bị cáo cho biết khi tổ chức "chuyến bay giải cứu" đưa sinh viên, người lao động đang mắc kẹt ở nước ngoài hồi hương cũng bị một số cán bộ yêu cầu chung chi theo hình thức “đếm đầu người”.

 

Bị cáo Bùi Huy Hoàng được dẫn giải vào phiên xét xử vụ "chuyến bay giải cứu" - Ảnh: DANH TRỌNG

Bị cáo Bùi Huy Hoàng được dẫn giải vào phiên xét xử vụ "chuyến bay giải cứu" - Ảnh: DANH TRỌNG

Chiều 11-7, hội đồng xét xử phiên tòa chuyến bay giải cứu tập trung thẩm vấn nhóm bị cáo phạm tội đưa hối lộ. 

Phần lớn các bị cáo đều khai bị cán bộ ở Bộ Y tế, Bộ Ngoại giao, Cục Xuất nhập cảnh (Bộ Công an) yêu cầu phải chi tiền "bôi trơn" thì mới cấp phép chuyến bay giải cứu.

Đáng chú ý, một số bị cáo khai ngay cả khi tổ chức chuyến bay giải cứu đưa người lao động, sinh viên đang mắc kẹt vì dịch COVID-19 về nước cũng bị yêu cầu chung chi từ 6-10 triệu đồng một người.

Ra giá 500 USD một sinh viên về nước theo chuyến bay giải cứu

Khai tại tòa, bị cáo Đào Thị Chung Thúy (lao động tự do) cho biết có mối quan hệ với bị cáo Lý Tiến Hùng (khi thực hiện chuyến bay giải cứu đang là cán bộ đại sứ tại Liên bang Nga).

Bị cáo biết ông Hùng phụ trách lưu học sinh tại Nga, nên liên hệ để đặt vấn đề đưa sinh viên đang du học bị mắc kẹt vì dịch COVID-19 về nước.

"Ban đầu, bị cáo gửi danh sách các sinh viên cho ông Hùng thì hai bên không có thỏa thuận gì. Tuy nhiên sau khi đưa được sinh viên về nước thì Hùng yêu cầu bị cáo phải gửi tiền cảm ơn", Thúy khai.

Cũng theo lời bị cáo Thúy, ông Hùng đưa ra giá chung chi khoảng 500 USD trên một sinh viên tham gia chuyến bay giải cứu về nước. "Đối với những trường hợp sinh viên khó khăn thì ông Hùng không lấy tiền, hoặc lấy ít hơn", Thúy khai.

Ông Hùng đã lập danh sách công dân Việt Nam gửi về Bộ Giáo dục và Đào tạo, trong đó có khách của Thúy đa phần là sinh viên đang du học tại Nga.

Ở chuyến bay đầu tiên 15 khách của Thúy được về nước. Bị cáo đã nhờ mẹ chồng chuyển tiền cho bạn vợ của ông Hùng ba lần là 12.900 USD.

Ở chuyến giải cứu thứ 2 có 29 khách của Thúy về nước. Bị cáo đã chuyển 6.000 USD vào tài khoản của vợ ông Hùng.

Các bị cáo tại phiên tòa xét xử vụ chuyến bay giải cứu - Ảnh: DANH TRỌNG

Các bị cáo tại phiên tòa xét xử vụ chuyến bay giải cứu - Ảnh: DANH TRỌNG

Tổng số tiền bị cáo Thúy đã chuyển cho ông Hùng để được đưa các sinh viên và người thân về nước là hơn 437 triệu đồng.

"Khi vụ án bị điều tra, bị cáo nhận ra hành vi của mình là sai nên tự nguyện đến công an tự thú. Bị cáo có hưởng lợi 114 triệu đồng nên đã nộp lại cho cơ quan điều tra để khắc phục hậu quả", Thúy khai.

Đưa người lao động về nước cũng phải chung chi từ cấp phép chuyến bay đến cách ly

Bị cáo Bùi Huy Hoàng (chuyên viên Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế), thừa nhận mình không được phân công nhiệm vụ trong xét duyệt chuyến bay giải cứu.

Bị cáo có mối quan hệ quen biết với bà Võ Thị Hồng (giám đốc Công ty Minh Ngọc). Tháng 6-2021 bà Hồng nộp hồ sơ đề nghị cấp phép chuyến bay giải cứu nhưng không được.

"Chị Võ Thị Hồng nhờ bị cáo hỏi giúp xin các thủ tục xét duyệt chuyến bay giải cứu. Chị nói có một số công dân lao động tại Malaysia và người thân nhờ giúp xin về nước", Hoàng khai.

Nhận lời bà Hồng, bị cáo Hoàng liên hệ với Vũ Sỹ Cường (cán bộ Cục Quản lý xuất nhập cảnh) và Phạm Trung Kiên - thư ký thứ trưởng Bộ Y tế.

"Quá trình liên hệ, Cường đưa ra thỏa thuận 6 triệu đồng một người về nước. Cường nói xin giúp các bộ Công an, Giao thông vận tải, Ngoại giao, Quốc phòng, còn lại bên Bộ Y tế sẽ bớt cho bị cáo 1 triệu chuyến đầu tiên để liên hệ anh Kiên giúp.

Chuyến thứ 2 dù có văn bản Bộ Y tế chấp nhận nhưng Cường vẫn yêu cầu phải chi 6 triệu một người", Hoàng khai.

Bị cáo Hoàng đã nhận 3,3 tỉ từ bà Hồng. Hoàng khai đã đưa 2,5 tỉ chia làm bốn lần cho ông Cường để xin cấp phép hai chuyến bay giải cứu vào tháng 6 và tháng 9-2021.

Hoàng cũng đưa cho cựu thư ký của thứ trưởng Bộ Y tế 100 triệu để xin chấp thuận một chuyến bay.

Bị cáo Hoàng cho biết thêm, do được bà Hồng nhờ nên tiếp tục liên hệ với một cán bộ UBND tỉnh Hải Dương để xin cho người lao động cách ly khi về nước.

"Chuyến bay đầu tiên đưa 158 công dân từ Malaysia về nước thì cán bộ UBND tỉnh Hải Dương ra giá chi phí cách ly là 2 triệu một người. Bị cáo đã đưa cho người này 300 triệu để xin chủ trương chấp thuận cách ly y tế của UBND tỉnh Hải Dương", Hoàng khai.

Tuy nhiên do chuyến bay này không thực hiện được nên Hoàng đã phải trả lại cho bà Hồng 300 triệu. "Khi liên hệ với cán bộ UBND tỉnh Hải Dương thì bị cáo chỉ được trả lại 50 triệu vì chị ấy nói phần còn lại đã gửi các bác", Hoàng khai.

Bị cáo Hoàng bị cáo buộc đã nhận 3,3 tỉ để môi giới hối lộ và hưởng lợi hơn 671 triệu để xin cấp phép ba chuyến bay và chủ trương cách ly cho 583 công dân.

"Bị cáo nhận thức được hành vi phạm tội của mình, đã ăn năn hối cải, nộp toàn bộ số tiền hưởng lợi như cáo trạng quy kết", Hoàng trình bày cuối phần trả lời xét hỏi.
 

Bị làm khó 8 lần, chi 600 triệu mới được cấp phép bay

Bị cáo Vũ Minh Thắng, giám đốc Công ty Thuận An, khai sau 8 lần bị Cục Lãnh sự làm khó, đến lần thứ 9 công ty mới được cấp phép chuyến bay đầu tiên.

Để được cấp phép chuyến bay đầu tiên, theo ông Thắng, "việc này suôn sẻ do đã chi 600 triệu đồng cho cục trưởng Cục Lãnh sự".

Ngay sau đó, Thắng nhận được điện thoại của Kiên và Tuấn, yêu cầu "lên gặp nói chuyện".

"Vũ Anh Tuấn nói rõ là phải chi 150 triệu đồng cho mỗi chuyến để báo cáo sếp thì mới được cấp phép. Kiên cũng đưa ra giá tương tự. Bởi thế sau đó bị cáo đã chuyển cho Kiên hai lần, mỗi lần 150 triệu và Tuấn một lần 150 triệu đồng", ông Thắng trình bày.

Ông Thắng bị cáo buộc đã đưa hối lộ 2,1 tỉ cho ba người là Phạm Trung Kiên, Vũ Anh Tuấn và Nguyễn Thị Hương Lan (cựu cục trưởng Cục Lãnh sự).


Thân Hoàng/ TTO


 


Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây