Thứ hai, 02/12/2024, 02:43

Vụ chuyến bay giải cứu: Họ đã phản bội đồng đội

Hầu hết các cựu quan chức trong nhóm nhận hối lộ vụ "chuyến bay giải cứu" đều được đề nghị mức án dưới khung hình phạt, duy nhất Phạm Trung Kiên bị đề nghị tử hình.

Hôm qua (17-7), viện kiểm sát (VKS) đã công bố bản luận tội và đề nghị mức án với 54 bị cáo vụ "chuyến bay giải cứu", trong đó 21 bị cáo ở nhóm nhận hối lộ bị đề nghị mức án 2 - 20 năm tù. Bản luận tội với những lời lẽ nêu rõ các hành vi phạm tội một cách trắng trợn, tinh vi.

Họ đã phản bội sự cố gắng của chính đồng đội, đồng chí, đồng nghiệp của mình. - Viện Kiểm sát đánh giá
Họ đã phản bội đồng đội - Ảnh 2.
Họ đã phản bội đồng đội - Ảnh 3.

Thủ đoạn phạm tội "cực kỳ tinh vi"

Phiên tòa chuyến bay giải cứu tạm dừng để bị cáo nộp tiền khắc phục hậu quả

Bản luận tội nêu trong đại dịch COVID-19, Đảng và Nhà nước thực hiện chủ trương nhân đạo tổ chức "chuyến bay giải cứu" công dân mắc kẹt ở nước ngoài về nước. 

Lợi dụng chủ trương này, một số bị cáo là những cán bộ có thẩm quyền ở các bộ, ngành đã trục lợi bằng cách gây khó khăn, nhũng nhiễu, buộc doanh nghiệp phải nâng giá vé máy bay để có "bôi trơn", đưa hối lộ...

Các cán bộ ở nhiều bộ, ngành, địa phương đã nhận hối lộ "cực kỳ tinh vi" với số tiền đặc biệt lớn khi được giao cấp phép các "chuyến bay giải cứu". Hành vi nhận hối lộ của 21 cán bộ đã "phản bội sự cố gắng của chính đồng đội, đồng chí, đồng nghiệp của mình", VKS đánh giá.

Trong phần luận tội, VKS nhiều lần khẳng định dù các bị cáo đưa ra nhiều lý do để biện minh nhưng hành vi của họ "chính xác là nhận hối lộ". Trong phần thẩm vấn, một số bị cáo "lập lờ đánh lận con đen" cho rằng hành vi nhận tiền của mình là do các doanh nghiệp cảm ơn.

"Đây là việc đánh tráo khái niệm cực kỳ nguy hiểm, có thể gây ra tiền lệ xấu cho xã hội... Chúng tôi khẳng định rằng hành vi nhận tiền của các bị cáo đó là hành vi nhận hối lộ", VKS lập luận.

"Các bị cáo đang làm công việc thuộc chức trách nhiệm vụ của mình nên không thể coi là cảm ơn khi số tiền là bằng cả một gia tài mà nhiều người mơ ước, không thể coi là cảm ơn khi người đưa buộc phải đưa" - VKS tiếp tục đưa ra quan điểm và một lần nữa khẳng định hành vi của các bị cáo là nhận hối lộ.

Theo VKS, thủ đoạn phạm tội của các cựu quan chức "cực kỳ tinh vi", đưa ra yêu cầu, thỏa thuận, mặc cả về giá buộc các doanh nghiệp phải đưa tiền. Một số bị cáo có thẩm quyền đã gây khó khăn trong việc thẩm định, đề xuất, duyệt cấp phép các chuyến bay. Điều này dẫn đến các doanh nghiệp phải chi tiền theo "luật bất thành văn" mới được cấp phép thực hiện chuyến bay.

Nhiều bị cáo nhận hối lộ trắng trợn

Bị cáo Phạm Trung Kiên nghe VKS luận tội - Ảnh: DANH TRỌNG

Bị cáo Phạm Trung Kiên nghe VKS luận tội - Ảnh: DANH TRỌNG

Theo VKS, các bị cáo nhận hối lộ là người có chức vụ quyền hạn cao trong cơ quan nhà nước. Trong khi nhận hối lộ, có dấu hiệu của việc thông đồng khai báo, che giấu tội phạm, thậm chí tác động nhờ giúp đỡ để không bị xử lý hình sự. 

Đến nay, một số bị cáo chưa thành khẩn khai báo, không thừa nhận hành vi phạm tội

"Một số bị cáo nhận hối lộ đã bất chấp, biến nhu cầu về sự an toàn của người dân thành cơ hội kiếm tiền cho bản thân" - VKS đánh giá và cho rằng cần có hình phạt nghiêm khắc, tương xứng hành vi, mức độ phạm tội của các bị cáo.

Riêng với ông Phạm Trung Kiên, VKS cho rằng đã dùng "thủ đoạn trắng trợn" để ép các doanh nghiệp phải "bôi trơn". 

Ông Kiên được Bộ Y tế giao nhiệm vụ là thư ký, trực tiếp giúp việc cho Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên và trình thứ trưởng ký các văn bản liên quan cấp phép "chuyến bay giải cứu". 

Tuy nhiên, ông Kiên đã lợi dụng việc này gây khó khăn cho các doanh nghiệp.

"Đại diện các doanh nghiệp đã phải chi phí tiền cho Phạm Trung Kiên để được Bộ Y tế đồng ý xét duyệt các chuyến bay theo đề nghị của Bộ Ngoại giao. Trong vụ án này, bị cáo nhận hối lộ với số lần nhiều nhất, với tổng số tiền nhiều nhất và thủ đoạn cũng trắng trợn nhất", VKS đánh giá và cáo buộc ông Kiên đã 253 lần nhận hối lộ với tổng số tiền 42,6 tỉ đồng.

Khi vụ án bị khởi tố, để che giấu hành vi phạm tội của mình, ông Kiên đã chuyển khoản trả lại cho các doanh nghiệp hơn 12 tỉ đồng nhưng lại nhờ họ khai báo với cơ quan chức năng đây là tiền vay mượn cá nhân. 

Từ các phân tích trên, VKS cho rằng cần thiết phải áp dụng mức hình phạt nghiêm khắc nhất đối với cựu thư ký của thứ trưởng.

Đưa thông tin gian dối để lừa đảo

Cựu điều tra viên Hoàng Văn Hưng tại phiên tòa xét xử vụ chuyến bay giải cứu - Ảnh: DANH TRỌNG

Cựu điều tra viên Hoàng Văn Hưng tại phiên tòa xét xử vụ chuyến bay giải cứu - Ảnh: DANH TRỌNG

VKS cũng đưa ra nhiều lập luận cáo buộc hai cựu cán bộ công an tham gia kế hoạch "chạy án" hơn 2 triệu USD. Bị cáo Hoàng Văn Hưng từng là điều tra viên thụ lý chính của vụ án "chuyến bay giải cứu". 

Khi được phó giám đốc Công an TP Hà Nội Nguyễn Anh Tuấn liên hệ để giúp đỡ Nguyễn Thị Thanh Hằng và Lê Hồng Sơn (Công ty Bầu Trời Xanh) "chạy án", ông Hưng đã nhiều lần đến nhà ông Tuấn để trao đổi.

Tại các buổi gặp, ông Hưng tạo niềm tin cho bà Hằng và ông Sơn là sẽ giúp cả hai không bị xử lý hình sự, đồng thời hướng dẫn bà Hằng cách đối phó với cơ quan điều tra và thông qua bà Hằng hướng dẫn ông Sơn cách khai để thoát tội. 

Ông Tuấn đã môi giới hối lộ 2,6 triệu USD. Theo bản luận tội, khi bà Hằng và ông Sơn chi tiền "chạy án" đã bị ông Hưng đưa thông tin gian dối để lừa đảo chiếm đoạt 800.000 USD.

Trong quá trình trao đổi kế hoạch "chạy án", ông Hưng không đưa ra yêu cầu về tổng số tiền phải đưa mà yêu cầu đưa theo từng giai đoạn điều tra vụ án, trung bình mỗi tháng một lần. Những lần yêu cầu chi tiền này, ông Hưng đều thông qua ông Tuấn để trao đổi lại với bà Hằng. Ông Hưng cũng không nhận tiền trực tiếp từ bà Hằng mà đều thông qua ông Tuấn.

Theo VKS, từ năm 2019 đến trước tháng 1-2022, hai ông Hưng và Tuấn chỉ có 5 cuộc gọi. Tuy nhiên, từ tháng 1 đến tháng 12-2022, hai người này đã liên lạc 435 lần, chủ yếu gọi qua mạng xã hội Viber và sim "rác".

VKS đánh giá ông Hưng không thành khẩn khai báo và khắc phục hậu quả do mình gây ra nên cần áp dụng hình phạt nghiêm khắc. Theo VKS, hành vi của cựu điều tra viên còn có dấu hiệu xâm phạm hoạt động tư pháp nên cơ quan công tố đề nghị cần điều tra, xác minh thêm sau khi vụ án này kết thúc.

Kiến nghị làm rõ trách nhiệm Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên

Trong phần luận tội, VKS cũng đưa ra một số kiến nghị chưa từng được nhắc đến cả trong kết luận điều tra và cáo trạng, trong đó có nội dung liên quan Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên. Theo VKS, qua hành vi phạm tội của bị cáo Phạm Trung Kiên thấy rằng cần phải kiến nghị để điều tra làm rõ hành vi và trách nhiệm của Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên trong giai đoạn 2 của vụ án.

Theo VKS, ông Tuyên được Bộ Y tế phân công làm nhiệm vụ xem xét, duyệt ký văn bản trả lời Bộ Ngoại giao, Văn phòng Chính phủ và các cơ quan chức năng khi những nơi này xin ý kiến về "chuyến bay giải cứu", chuyến bay combo và xin cho khách lẻ được về nước.

Các cơ quan chức năng thông qua ông Kiên để trình thứ trưởng xem xét, ký duyệt văn bản trả lời.

Cơ quan công tố cáo buộc quá trình thực hiện nhiệm vụ, thư ký Kiên đã yêu cầu đại diện các doanh nghiệp và cá nhân chi tiền 50 - 200 triệu đồng cho một chuyến bay.

Theo VKS, phần thẩm vấn công khai tại phiên tòa còn cho thấy một số bị cáo có dấu hiệu của tội rửa tiền nên đề nghị tiếp tục điều tra làm rõ trong giai đoạn 2 của vụ án.


Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây