Thứ tư, 04/12/2024, 23:51

Ly kỳ câu chuyện giải oan cho bạn tù từng chấn động ở Nghệ An

Nhận bản án 17 năm tù giam trong một vụ giết người, anh Nguyễn Sỹ Lý tưởng chừng như cuộc đời mình đã kết thúc. Một người bạn tù thấu hiểu nỗi oan khiên ấy đã lặn lội tứ phương để giải oan cho anh. Cuộc giải oan kỳ lạ đó đã được dựng thành vở kịch lấy đi nước mắt của nhiều người...

 

Oan gia đêm 28 Tết

Câu chuyện đau lòng xảy ra vào đêm 28 tháng Chạp năm Quý Hợi (1983), khi anh Nguyễn Sỹ Lý, trú tại xã Tam Hợp, huyện Quỳ Hợp, tỉnh Nghệ Tĩnh (nay là tỉnh Nghệ An) đang là giảng viên đại học ở Tây Nguyên về quê ăn tết. Tối đó, gia đình anh Lý quây quần bên nồi bánh chưng, cùng ôn chuyện sau bao ngày xa cách.

Trong lúc anh và mẹ vớt bánh ra rổ thì bố anh là ông Nguyễn Sỹ Huỳnh mang nồi đi trả cho hàng xóm. Trên đường trở về, vừa đến cổng nhà thì vô tình ánh đèn pin ông đang cầm trong tay lướt ngang mặt hai anh em Bùi Văn Vinh và Bùi Văn Lai (ở cùng huyện) khi họ đi chơi về. Chẳng nói chẳng rằng, Lai sấn đến chửi thề, rồi đá bay chiếc đèn pin trên tay ông Huỳnh.

Nghe bố mình hô hoán ngoài cổng, 4 người con của ông Huỳnh chạy ra, anh Nguyễn Sỹ Lý tiện tay vớ con dao đang dắt ở phên bếp... Khi anh Lý vừa ra đến cổng thì Vinh và Lai không có mặt ở đó nữa. Đều là những người có cách sống điềm đạm, không muốn gây gổ nên bố con nhà ông Huỳnh cùng nhau trở vào nhà và xem như không có chuyện gì xảy ra. Tuy nhiên, khi mọi người tưởng chuyện thế là đã xong thì ở phía ngoài lại xảy ra một thảm kịch đau lòng.

Thời điểm xảy ra vụ án, anh Nguyễn Sỹ Lý đang là giảng viên đại học của Đại học Tây Nguyên. Ảnh: HSVA.
Thời điểm xảy ra vụ án, anh Nguyễn Sỹ Lý đang là giảng viên đại học của Đại học Tây Nguyên. Ảnh: HSVA

Trở lại câu chuyện của Vinh và Lai, khi thấy con cái nhà ông Huỳnh chạy ra, sợ bị đánh nên Vinh đã trốn vào bụi cây ven đường, còn Lai nhanh chân chạy về phía trước. Lúc mọi người vãn hết, Vinh mới chui ra khỏi chỗ nấp và cố chạy theo cho kịp anh. Trong đêm tối, Lai không hề biết đó là em mình nên khi nghe tiếng người chạy huỳnh huỵch phía sau, cứ ngỡ là bố con nhà nọ đuổi theo để trả thù, sẵn có hơi men lẫn vũ khí phòng thân, Lai quay lại vung dao về phía người đang lao tới.

Nhát dao oan nghiệt đâm thẳng vào ngực Vinh làm anh này gục xuống, và khi Lai nghe tiếng em mình hét lên “sao anh lại đâm em” thì tất cả đã quá muộn màng. Tuy nhiên, trong nỗi sợ hãi tột cùng xen lẫn ân hận vì đã ra tay sát hại chính em ruột, Lai điên cuồng ném một quả lựu đạn vào nhà ông Huỳnh rồi quay lại đưa em đi cấp cứu nhưng Vinh đã chết trên đường đến trạm xá.

Biết không có nhân chứng, Bùi Văn Lai đã không chịu nhận tội giết nhầm em ruột, mà đổ vấy cho cha con ông Huỳnh. Cơ quan cảnh sát điều tra vào cuộc và rất nhanh chóng, ngày 7/1/1983 (mồng 6 Tết) cả 4 cha con ông Huỳnh bị bắt tạm giam cùng người bạn của các con có mặt đêm xảy ra vụ nổ trước cổng nhà ông để điều tra vụ án mạng khiến 1 người chết. “Lúc đó, chúng tôi rất bất ngờ và không hiểu vì sao lại bị triệu tập”, anh Nguyễn Sỹ Lý kể lại.

Thế nhưng, mọi bằng chứng dường như đều chống lại anh Lý. Kết quả khám nghiệm tử thi, trên ngực nạn nhân có một vết thương dài 2cm. Khi đối chiếu với con dao mà anh cầm theo đêm đó thì vô tình lại trùng khớp, vì nó cũng có lưỡi rộng đúng 2cm. Lúc cơ quan điều tra về gặp các nhân chứng để điều tra vụ án, người dân ở gần nhà ông Huỳnh nói đêm đó họ có nghe tiếng ông Huỳnh gọi cầu cứu bị đánh, sau đó họ nghe tiếng lựu đạn nổ. Anh Nguyễn Sỹ Lý lý giải với điều tra viên là thời gian đó chỉ diễn ra chừng 1 phút. Chừng đó thời gian, anh không thể kịp chạy từ nhà bếp ra đến đường lớn trước nhà để kịp gây án. Nhưng khi điều tra viên dẫn lời khai của những người hàng xóm, họ nói “rất nhanh, chừng… 5 - 6 phút”.

Khám xét nhà ông Huỳnh, công an cũng thu giữ được một bộ quần áo có dính máu và trên cán con dao lá lúa cũng có những vết máu. Anh Lý nói đó là máu lợn mà anh đâm tiết chiều 28 Tết nhưng họ cho rằng, đó là máu của nạn nhân, nên đã đưa vào làm bằng chứng kết tội anh. Sau 2 tháng bị giam giữ, cả 4 người trong nhà ông Huỳnh vẫn không được thả. Biết khó có thể tự minh oan cho mình trong điều kiện khắc khổ của nhà tạm giam, Lý bắt đầu nghĩ cách khác.

Những ngày nằm trong trại tạm giam, mấy cha con ông Huỳnh phải chịu rất nhiều áp lực để buộc phải nhận tội. Thương cha đã già và các em, người anh cả Nguyễn Sỹ Lý đã nhắm mắt thừa nhận chính mình là người đã ra tay giết Vinh để người thân thoát được cảnh tù đày.

Thời điểm đó, anh chỉ nghĩ đơn giản là cứ nhận bừa để cha và em thoát cảnh gông cùm đã rồi sớm muộn gì thủ phạm thật sự cũng phải đền tội, và anh sẽ lại được về, được lên giảng đường. Nhưng anh chẳng ngờ, phải đợi đến gần 2.000 ngày sau, nỗi oan khiên ấy mới được tháo cởi.

2.000 ngày oan trái và cuộc gặp gỡ “duyên trời”

Ngày 20/9/1983, Tòa án nhân dân tỉnh Nghệ Tĩnh đã mở phiên sơ thẩm xét xử bị can Nguyễn Sỹ Lý về tội danh “Giết người”, Lý vẫn nhận tội, không kêu oan. Bị cáo Lý bị tuyên phạt 17 năm tù về tội “Giết người”. Ngay sau phiên tòa, bị cáo Nguyễn Sỹ Lý làm đơn kháng cáo gửi cấp cao hơn. Với từng đấy năm tù giam thì con đường trở về với ước mơ đứng trên giảng đường của anh cũng tan theo mây khói.

Thụ án được 5 năm tại Trại giam số 3 ở huyện Tân Kỳ (Nghệ An), mọi thứ tưởng chừng như chấm hết đối với người thầy giáo trẻ thì “cuộc gặp gỡ trời cho” lại khiến anh hy vọng. “Cuộc gặp gỡ trời cho” - đó là cách anh Lý vẫn thường nói về cái duyên gặp gỡ của mình với người bạn tù tri kỷ - người đã bất chấp những khó khăn để đi tìm công lý cho anh.
Người bạn đó chính là Cao Tiến Mùi, quê ở huyện Tân Kỳ (Nghệ An). Mùi là phạm nhân đã thành án, nhưng được thụ án ở Trại tạm giam Nghi Kim (TP. Vinh), là “đại bàng” của trại. Thấu hiểu nỗi oan khiên của anh Lý nên sau khi thụ án xong, trở về với xã hội, người này đã bắt đầu những tháng ngày đi tìm công lý để giải oan cho bạn. Cuộc hành trình giải oan cho người bạn tù mới gặp ấy đã trải qua không biết bao chông gai, rào cản nhưng cuối cùng, chân lý đã thuộc về sự thật.

Cuộc giải oan của Nguyễn Sỹ Lý được coi là kỳ lạ nhất trong lịch sử tố tụng Việt Nam. Cao Tiến Mùi nhớ lại, ngay những ngày đầu tiên nhập trại, nhìn thấy những kẻ xưng đại ca trong tù trấn lột đồ tiếp tế, bóc lột miếng ăn của bạn tù, máu nghĩa hiệp trong anh nổi lên. Mùi đã dằn mặt những kẻ tự xưng danh đại ca ấy mấy trận nhừ tử. Biệt danh "đại ca gấu đen" của Mùi ra đời từ đó. Một lần, do ra tay quá mạnh, Mùi khiến cho 2 phạm nhân phải nhập viện điều trị, nên bị liệt sang hàng tội phạm nguy hiểm, rồi bị chuyển sang phòng dành cho những tù nhân mang án giết người.

Tại đây, Cao Tiến Mùi đã gặp Nguyễn Sỹ Lý. Những ngày sau đó, qua các cuộc trò chuyện tâm tình, cởi mở, Mùi đã bắt đầu thấu hiểu được nỗi oan khiên của Lý. Và khi đã thực sự thấu hiểu hoàn cảnh bi đát của người bạn tù khốn khổ, cả hai ôm nhau khóc nức nở cho phận đời của mình. Ngay khi vừa bước chân ra khỏi nhà giam, Cao Tiến Mùi đã lao vào hành trình đi tìm công lý cho bạn tù.

Ông Cao Tiến Mùi kể về quá trình phá án, giải oan cho người bạn tù Nguyễn Sỹ Lý. Ảnh: HSVA.
Ông Cao Tiến Mùi kể về quá trình phá án, giải oan cho người bạn tù Nguyễn Sỹ Lý. Ảnh: HSVA

Anh Mùi cho biết, ngày đó anh thương cho số phận của một giảng viên đại học đang trong thời kỳ làm luận án nghiên cứu sinh, bỗng tai họa ập đến, giáng lên đầu một bản án cay nghiệt 17 năm tù giam. Vì thế, ngay khi ra khỏi trại giam, việc đầu tiên mà Mùi làm là tìm gặp lại bố và các em của anh Lý. Gặp lại người cha của bạn chưa đầy 50 tuổi mà tóc đã bạc như cước, đội đơn đi khắp nơi từ tỉnh đến Trung ương kêu oan cho con, trong lòng anh dấy lên một quyết tâm mạnh mẽ.

Cao Tiến Mùi kể, mấu chốt là làm thế nào tìm gặp được Bùi Văn Lai và bắt người này nhận tội thì mới tháo gỡ được vấn đề. Anh lặn lội tìm về xã Nghĩa Xuân (Quỳ Hợp) để gặp gia đình Bùi Văn Lai. Ban đầu, khi biết ý nguyện của anh, gia đình này đã xua đuổi. Nhưng rồi bằng sự kiên trì của mình, Mùi đã khiến cho họ dần hiểu ra. Phần vì qua Mùi, họ thấu hiểu được nỗi đau đớn mà người vô tội Nguyễn Sỹ Lý đang phải gánh chịu, phần vì lương tâm của Lai đã bắt đầu sám hối.

Sau một thời gian dài thấy Mùi nằm lỳ, cùng ăn cơm, cùng ngủ lại, gia đình đã vận động Bùi Văn Lai nhận tội. Cũng không dễ gì lật lại một bản án đã tuyên, bởi nhận thức lúc thời đó khác xa so với bây giờ rất nhiều. Lường trước mọi chuyện, nên khi Lai viết giấy thú nhận tội lỗi, anh Mùi đã cho làm 3 bản, kèm theo đó là 3 bản khác do chính Lai viết nhận xét về thái độ làm việc của Mùi đối với Lai trong quá trình thuyết phục anh này nhận tội, để tránh tình huống sau này ra chốn công quyền, người ta lại vu cho Mùi tội ép buộc người khác. Và quả là “cẩn tắc vô áy náy”, bởi sau này khi dẫn Lai đi nhận tội, từ chính quyền đến công an, tòa án các cấp đều cho rằng, Mùi dùng vũ lực để dọa dẫm, ép buộc Lai.

Sau gần 1 năm ròng cùng với ông Nguyễn Sỹ Huỳnh, Cao Tiến Mùi đã thu thập được đầy đủ các tài liệu liên quan và gửi ra Tòa án nhân dân Tối cao, trong đó có giấy tự thú của Bùi Văn Lai về việc đã giết nhầm em mình. Sau khi nhận được hồ sơ giải oan, Nguyễn Sỹ Lý được tạm tha theo Quyết định 1265/HS của Tòa án nhân dân Tối cao vào ngày 21/12/1987, kết thúc 2.000 ngày oan trái của một cựu giảng viên Đại học Tây Nguyên.

Nỗi oan hóa giải, nỗi buồn chưa nguôi

Giữa tháng 8/1988, sau phiên tòa tái thẩm được mở, Nguyễn Sỹ Lý được tuyên vô tội và được trả tự do. Viện Kiểm sát về xin lỗi anh và bồi thường oan sai cho 2.000 ngày tù oan với số tiền tương đương 7 chỉ vàng hồi ấy.

Ra tù, anh liên lạc với Trường Đại học Tây Nguyên, Hiệu trưởng nói ông vào tiếp tục công tác, nhưng với điều kiện tòa án phải vào xin lỗi trường vì đã xử oan người của trường. “Tỉnh ép, Tòa mới chịu đồng ý vào xin lỗi. Họ hẹn tôi ngày 15/7/1990 cùng vào Tây Nguyên để xin lỗi, nhưng 1 tuần sau đó tôi mới nhận được giấy mời. Tôi thấy họ tắc trách nên làm đơn khiếu nại, nhưng chẳng ai trả lời”, anh Lý chua chát nói. Con đường giảng viên của anh chấm dứt từ đó.

Chị Lê Thị Len, vợ anh Lý nhớ lại, hồi đó chị đang làm công nhân nông trường ở Nghĩa Đàn. Vợ chồng anh dự tính sẽ cùng vào Tây Nguyên lập nghiệp, sinh sống, nhưng mọi dự tính đều vỡ tan vì án tù oan nghiệt ấy. “Sau khi anh ấy bị bắt và chịu án tù, ra đường tôi cứ phải cúi mặt mà đi. Giờ nghỉ giải lao, tôi phải đi chỗ khác ngồi một mình, vì sợ lời những người ác ý cứ xói vào tai, nói chồng là giảng viên đại học mà giết người. Đó là những năm tháng thật kinh khủng”, chị Len kể.

Đôi bạn tù Nguyễn Sỹ Lý (bên phải) và Cao Tiến Mùi, cứ gặp nhau là mừng rỡ khôn xiết. Ảnh: HSVA.
Đôi bạn tù Nguyễn Sỹ Lý (bên phải) và Cao Tiến Mùi, cứ gặp nhau là mừng rỡ khôn xiết. Ảnh: HSVA

Ra tù, vợ chồng anh Lý dựng nhà ở xã Nghĩa Bình, huyện Nghĩa Đàn, quê chị Len để sinh sống. Năm 1990, buồn bã và uất ức, anh Lý bị tai biến, liệt tứ chi, phải ra Hà Nội chữa bệnh. Sau hơn nửa năm châm cứu, tập luyện, anh mới cử động được đôi tay và bắt đầu tập đi lại cùng chiếc nạng gỗ. Về nhà, vẫn sống với chiếc nạng gỗ; đêm, vợ chồng anh làm đậu phụ, sáng, vợ anh mang ra chợ bán. Cuộc sống của anh cứ lầm lũi, quăng quật với cái nạng gỗ để nuôi 3 đứa con ăn học.

Vụ án oan này cũng khiến người thân của anh liên lụy, khổ sở. “Anh trai tôi đang dạy học trong xã thì bị chuyển đến một trường rất xa. Em trai tôi thì bị khai trừ khỏi Đảng, tất cả vì lý lịch xấu do có người thân đi tù. Vợ tôi lầm lũi nuôi con trong tủi nhục. Cho đến ngày tôi được minh oan, anh trai mới được phục hồi về quê dạy học và thằng em mới được sinh hoạt Đảng trở lại”, anh Lý cay đắng kể. Vụ án oan sai khép lại. Cái sai của các cơ quan tố tụng đã được làm rõ.

Dù vụ án oan này đã khiến anh Lý bị thân bại danh liệt, nhưng anh không oán trách những người điều tra vụ án hồi đó. Đã hơn 30 năm nỗi oan khuất của anh Lý đã được hóa giải. Nhưng đến giờ, những tháng ngày ám ảnh ấy vẫn cứ đeo bám anh trong những giấc ngủ. Niềm an ủi của anh là, nếu đêm đó, Lai ném lựu đạn trúng vào cha con anh thì hậu quả sẽ rất khủng khiếp.

Nếu coi năm đó là cái hạn của gia đình mình, thì thà anh Lý bị tù oan như thế vẫn còn hơn lựu đạn ném trúng vào người thân. Vụ án oan nổi tiếng làm thay đổi cuộc đời người cựu giảng viên này đã lùi vào quá khứ. Nhiều năm về sau, vụ án này đã được Lưu Quang Vũ viết thành vở kịch mang tên “Trái tim trong trắng”. Sau đó, được nhiều đoàn kịch trong nước dàn dựng và đổi tên thành “Hai ngàn ngày oan trái”. Vở kịch đã lấy được rất nhiều nước mắt của khán giả, bởi nó được lấy từ câu chuyện có thật đầy oan trái, đắng cay nhưng cũng đầy xúc động về tình người.


Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây