Doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu cạn tiền
Ghi nhận của PV Lao Động những ngày qua, tình trạng đứt nguồn cung xăng dầu không chỉ diễn ra ở một số tỉnh miền Nam, mà còn xuất hiện ở nhiều điểm trên địa bàn TP Hà Nội, nơi được đánh giá là nguồn cung sẽ ít biến động.
Một thương nhân phân phối xác nhận, tình trạng một số cây xăng của doanh nghiệp tư nhân ở các quận: Hà Đông, Tây Hồ, Từ Liêm, Cầu Giấy, Thanh Xuân, Hai Bà Trưng, Đống Đa, Long Biên, Gia Lâm... thông báo "hết xăng", hoặc bán hạn chế số lượng (ôtô được đổ 200.000 - 500.000 đồng/xe; xe máy 50.000đồng/xe) đã xảy ra.
Các địa phương khác như Sóc Trăng, An Giang, Cần Thơ, Bến Tre… cũng rơi vào tình trạng tương tự. Nguyên nhân được hầu hết các thương nhân cho biết là do việc nhập hàng rất khó khăn. Ngay cả những đối tác lấy hàng thường xuyên và lâu năm cũng báo khan hàng.
Ông Trương Anh Kiệt - chủ một số cây xăng dầu ở An Giang khẳng định, việc lỗ liên tục đã khiến doanh nghiệp cạn vốn, thậm chí "chỗ nào vay được cũng đã vay hết rồi".
Từ đầu năm đến nay, mỗi cây xăng lỗ trung bình mỗi tháng khoảng 20-200 triệu đồng, tùy sản lượng bán. Ước lượng, đến thời điểm này, trung bình mỗi cây xăng sẽ lỗ từ 200 triệu đồng đến hàng tỷ đồng.
"Thời điểm này, ngân hàng đều nắm được việc kinh doanh xăng dầu thua lỗ nên họ dè chừng. Để có tiền nhập hàng, tôi đã phải vay lãi ngày. Vì thế, lượng hàng phải nhập ít đi. Dù vậy, nhiều thời điểm thương nhân cung ứng xăng dầu cũng không có hàng cấp", ông Kiệt than thở.
Khó khăn thị trường xăng dầu còn đến từ việc nhiều tầng nấc trung gian
Trong phiên trả lời chất vấn ngày 5.11, trả lời câu hỏi của đại biểu Quốc hội Nguyễn Anh Trí (đoàn Hà Nội) phản ánh về việc có tình trạng cấp giấy phép kinh doanh xăng dầu tràn lan và nhiều tầng nấc trung gian, Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho rằng, từ khi nhận nhiệm vụ đến nay "không cấp thêm và chỉ có cấp đổi giấy phép".
Ông Diên cũng nhìn nhận, hệ thống kinh doanh xăng dầu đang có tình trạng đa tầng nấc, nên bị rối trong những tình huống như hiện nay. Việc này cũng làm tăng chi phí và "dứt khoát chi phí này cộng vào giá bán lẻ".
Vì thế, trong sửa đổi tới đây sẽ sắp xếp lại hệ thống. "Có thể không cần quá nhiều thương nhân phân phối như hiện nay, mà từ đầu mối đến đại lý và tới cửa hàng bán lẻ để giảm tầng nấc trong hệ thống kinh doanh xăng dầu", ông nói.
Đồng tình về việc cần giảm tầng nấc trung gian trong hệ thống kinh doanh xăng dầu, trao đổi với Lao Động, lãnh đạo một doanh nghiệp đầu mối xăng dầu cho biết, việc cơ quan quản lý nhà nước, ở đây là Bộ Công Thương cấp phép quá nhiều, đến 36 đầu mối xuất nhập khẩu xăng dầu và hơn 330 thương nhân phân phối xăng dầu. Trong khi Nhật Bản chỉ có 5 đầu mối, Trung Quốc 4-6 đầu mối.
Việc cấp phép nhiều thương nhân xăng dầu, theo vị này dẫn đến hệ luỵ mất kiểm soát. Bởi có tình trạng một số đầu mối xuất nhập khẩu xăng dầu xin giấy phép để có room tín dụng, hạn mức vay ngân hàng lớn; sử dụng vốn vay ngân hàng vào mục đích khác như kinh doanh bất động sản, chứng khoán...
Hệ luỵ dẫn đến ngân hàng siết tín dụng vốn vay của các doanh nghiệp đầu mối khác làm ăn chân chính, gây khó khăn cho các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu khi tiếp cận vốn vay ngân hàng.
Do vậy, vị lãnh đạo này đề nghị, Thanh tra Chính phủ, Bộ Công Thương cần xử lý nghiêm những doanh nghiệp được cấp phép xuất nhập khẩu, nhưng không thực hiện đầy đủ hạn ngạch nhập khẩu phân giao, thu hồi giấy phép những doanh nghiệp không đủ điều kiện kinh doanh theo quy định của Nghị định 83 và Nghị định 95, cũng như các quy định khác của pháp luật ( vì xăng dầu là mặt hàng kinh doanh có điều kiện) .
Đồng thời, cũng cần xử lý nghiêm cán bộ quản lý nhà nước bất chấp pháp luật, cấp giấy phép cho những doanh nghiệp chưa đủ điều kiện kinh doanh xăng dầu, nếu có dấu hiệu tiêu cực trong việc cấp giấy phép thì chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra làm rõ theo quy định của pháp luật.
Bên cạnh đó, để đảm bảo nguồn cung cho toàn bộ hệ thống phân phối trong nước, vị lãnh đạo doanh nghiệp nêu trên cho biết, Bộ Công Thương nên sửa Nghị định 95 về kinh doanh xăng dầu theo hướng giao toàn bộ việc tính các loại chi phí và giá giao toàn quyền cho Bộ Công Thương.
Điều này cũng phù hợp với đề xuất của Bộ trưởng Bộ Tài Chính Hồ Đức Phớc đã phát biểu. Bộ Tài chính chỉ quản lý các loại thuế trong đó có thuế xuất nhập khẩu.