Đại biểu Nguyễn Danh Tú (Kiên Giang) nhất trí về việc chia sản phẩm, hàng hóa có khuyết tật thành hai nhóm: Nhóm có khả năng gây thiệt hại cho tài sản của người tiêu dùng và nhóm có khả năng gây thiệt hại cho sức khỏe, tính mạng của người tiêu dùng. Tuy nhiên, để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tốt hơn, đại biểu đề nghị cân nhắc bổ sung thêm trách nhiệm đối với các tổ chức, cá nhân kinh doanh sản phẩm, hàng hóa có khuyết tật; bổ sung quy định về trách nhiệm của tổ chức, cá nhân kinh doanh bồi thường trong trường hợp cung cấp dịch vụ không bảo đảm chất lượng, gây thiệt hại đến tính mạng, sức khỏe, tài sản của người tiêu dùng.
Đại biểu Quốc hội Trần Thị Vân (Bắc Ninh) phát biểu thảo luận (ảnh: Như Ý). |
Cùng mối quan tâm, đại biểu Sùng A Lềnh (Lào Cai) đề nghị cân nhắc, xem có cần thiết phải phân ra thành hai nhóm sản phẩm, hàng hoá khuyết tật như vậy hay không, vì có thể sẽ làm phức tạp thêm việc phân loại, quản lý. Trường hợp thật sự phải phân nhóm, ông đề nghị làm rõ cơ quan nào có thẩm quyền ban hành danh mục từng nhóm sản phẩm hàng hóa để doanh nghiệp có cơ sở áp dụng biện pháp thu hồi thống nhất, tránh đánh giá không đúng về nguy cơ gây thiệt hại, nên áp dụng không chính xác biện pháp thu hồi.
Theo đại biểu Trần Thị Vân (Bắc Ninh), việc bồi thường thiệt hại được thực hiện theo quy định của pháp luật về dân sự. Tuy nhiên, không phải lúc nào thiệt hại cũng có thể xác định được ngay. “Cần bổ sung quy định, phải áp dụng trách nhiệm bồi thường thiệt hại do sản phẩm, hàng hóa có khuyết tật gây ra cho người tiêu dùng không chỉ khi có thiệt hại thực tế xảy ra, mà ngay cả khi thiệt hại chưa xảy ra trên thực tế”, bà Vân đề nghị.
Tranh luận, đại biểu Nguyễn Văn Cảnh (Bình Định) cho rằng, cần có quy định riêng về loại hàng hóa này. Như kinh nghiệm của nhiều nước thì người mua và người bán sẽ có sự đồng thuận về giá, về điều kiện sửa chữa, bảo hành, đổi trả, tránh được các khiếu nại, kiện tụng về sau này.
Giải trình sau thảo luận, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân cho biết, dự án luật tập trung nhiều vào việc bảo vệ cá nhân người tiêu dùng, tuy nhiên, trước ý kiến quan tâm đến người tiêu dùng là tổ chức, cơ quan soạn thảo sẽ tiếp thu và rà soát, bổ sung. Ông cũng cho biết, cơ quan chủ trì soạn thảo đã rà soát, hoàn thiện các quy định theo hướng đảm bảo tối đa quyền lợi của người tiêu dùng. Về cơ chế giải quyết tranh chấp, ban soạn thảo sẽ rà soát, nghiên cứu, viện dẫn các quy trình thủ tục của Bộ Luật Tố tụng dân sự để tránh chồng chéo, mâu thuẫn trong hệ thống pháp luật.