Thứ năm, 28/03/2024, 10:07

Khát khao đến giảng đường của học trò xứ Nghệ

Sáng nay (12-11), tại Thanh Hóa, báo Tuổi Trẻ phối hợp cùng các tỉnh đoàn Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh và Quảng Bình sẽ trao học bổng "Tiếp sức đến trường" cho 71 tân sinh viên khó khăn khu vực Bắc Trung Bộ.

 


Khát khao đến giảng đường của học trò xứ Nghệ - Ảnh 1.

Ngô Đức Hiếu và mẹ nuôi đã nương tựa nhau 18 năm qua - Ảnh: DOÃN HÒA
 

Không may mắn có cha mẹ bên cạnh nhưng những cô cậu học trò xứ Nghệ vẫn rất giàu nghị lực vượt khó, khát khao đặt chân đến giảng đường. Nhưng cuộc đời cũng rất công bằng, đã bù đắp bằng những tấm lòng luôn rộng mở, âm thầm "tiếp sức" trên mỗi bước đường của các bạn.

tt1

Mẹ chỉ có một mà thôi

Ngày nhận giấy báo trúng tuyển, chàng trai mồ côi cha mẹ từ lúc lọt lòng Ngô Đức Hiếu (TP Vinh, Nghệ An) giữa nhiều nỗi lo nhưng trăn trở nhất vẫn là nếu mình đi học, ai sẽ chăm sóc người mẹ nuôi bệnh tật. Bởi đó là người thân duy nhất của Hiếu - bà Ngô Thị Lan, nay đã ngoài 60 tuổi và không còn đủ tỉnh táo để thấy "quả ngọt" đầu đời của Hiếu khi bạn là một trong 41 học sinh đạt điểm cao kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022 vừa được UBND tỉnh Nghệ An tuyên dương.

Hiếu sinh ra đã là trẻ mồ côi. Khi mới ba tháng tuổi, Hiếu được mẹ Lan đưa về nuôi. Đặt tên Đức Hiếu, bà Lan gửi vào cậu con nuôi về một đứa con ngoan ngoãn, tài đức và sống thảo hiếu. Chỉ qua lời kể của bà con chòm xóm, mãi sau này Hiếu mới biết về thân phận thật của mình.

Gian nhà đơn sơ chừng 15m2 ở khối 15, phường Cửa Nam, TP Vinh vừa đủ kê chiếc giường và bày bàn tạp hóa nhỏ là nơi hai mẹ con Hiếu nương tựa nhau 18 năm qua. Hai cuộc đời đơn côi nương tựa nhau, bỗng chốc như đảo lộn khi mẹ Lan phát bệnh tâm thần, mất khả năng lao động.

Hiếu nhớ về những đêm mưa bão, căn nhà dột nước ẩm ướt, mẹ Lan bất chợt la hét vô thức. Cậu chỉ biết ôm ghì lấy mẹ để cùng vượt qua nỗi sợ trong bóng tối. Càng thương mẹ đau ốm triền miên, Hiếu càng dặn mình phải cố gắng học và chăm sóc mẹ tốt hơn mỗi ngày. Sau giờ học, bạn luôn tranh thủ về ngay để còn cơm nước, giặt giũ giúp mẹ.

"Khoản tiền học rất lớn, mẹ giờ sức khỏe cũng yếu rồi không đủ sức lo. Nhưng tôi nhớ câu hát Riêng mặt trời chỉ có một mà thôi/Và mẹ em chỉ có một trên đời vì với tôi, mẹ chính là động lực để tôi bước tiếp", Hiếu kiên định. Nên ngay khi vừa nhập học, Hiếu đã đi làm gia sư kiếm tiền trang trải cuộc sống để sớm hiện thực hóa ước mơ trở thành phiên dịch viên và đáp đền công ơn của mẹ.

Cô Nguyễn Thị Bình - giáo viên lớp 12D Trường THPT Hà Huy Tập - nói Hiếu là lớp phó học tập ngoan ngoãn, giàu nghị lực. Nhận giấy báo nhập học khoa ngôn ngữ Anh (Trường ĐH Hà Nội), Hiếu lo lắng lắm và có chia sẻ với cô chủ nhiệm. "Thầy cô, bạn bè cũng kêu gọi phát động tiếp sức cho Hiếu trong thời gian nhập học ban đầu", cô Bình kể.

Khát khao đến giảng đường của học trò xứ Nghệ - Ảnh 3.

Lương Thị Son đi giúp việc nhà để trang trải cuộc sống sinh viên - Ảnh: DOÃN HòA

 

tt 2


"Người cha" đặc biệt của cô học trò nghèo

Đường đến giảng đường của Lương Thị Son - cô học trò nghèo ở xã Mai Sơn, huyện Tương Dương (Nghệ An) - cũng gập ghềnh không kém. Hôm chúng tôi gặp, Son đang nhận làm giúp việc cho một gia đình ở TP Vinh sau mấy tuần nhập học Trường ĐH Y khoa Vinh. Câu chuyện cô học trò đạt 26,8 điểm theo đuổi ước mơ làm bác sĩ được bà con dân bản rẻo cao Chà Lò nhắc đến như một tấm gương giàu nghị lực.

Bạn từng có một gia đình yên ấm dù nghèo khó. Năm Son học lớp 7, người cha đột ngột qua đời vì tai nạn giao thông khi vào Quảng Nam làm thuê. Rồi mẹ Son đi bước nữa, để lại chị em Son cho ông bà nội chăm sóc. "Lúc đó, tôi tính bỏ học vì mặc cảm và gia đình quá khó khăn, ông bà đều già yếu không còn sức lo cho hai chị em", Son nhớ lại.

Hoàn cảnh của Son được cô giáo chủ nhiệm kể cho nhà báo Viết Lam (báo Biên Phòng) trong một lần anh công tác qua xã Mai Sơn. "Tôi sẽ giúp Son đến trường!", anh Lam quả quyết. Vậy là từ một người xa lạ, anh Lam trở thành "cha đỡ đầu" của Son cho đến những năm học cấp III. Cô bé người dân tộc Khơ Mú ấy có tính tự lập và khát khao học hành cháy bỏng.

Nhận giấy báo trúng tuyển, niềm vui tan nhanh khi Son nghĩ đến chặng đường sáu năm phía trước. Trước bước ngoặt cuộc đời, lòng Son rối bời. Quyết định báo tin cho "cha Lam", Son nghẹn ngào: "Con đỗ đại học nhưng chắc phải dừng bước thôi vì lấy tiền đâu để đi học...".

Không để khó khăn cản ước mơ của Son, anh Lam lại gom góp từ bạn bè hỗ trợ chi phí nhập học ban đầu cho cô bé. Son đang vững tin hơn sau khi nhập trường, đã xin được việc làm thêm để phần nào tự trang trải việc học.

71 suất học bổng cho tân sinh viên Bắc Trung Bộ

Sáng nay (12-11), tại Thanh Hóa, báo Tuổi Trẻ phối hợp cùng các tỉnh đoàn Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh và Quảng Bình sẽ trao học bổng "Tiếp sức đến trường" cho 71 tân sinh viên khó khăn khu vực Bắc Trung Bộ.

Tổng kinh phí chương trình hơn 1,05 tỉ đồng do Quỹ "Đồng hành cùng nhà nông" - Công ty cổ phần phân bón Bình Điền tài trợ. Mỗi suất học bổng trị giá 15 triệu đồng. Công ty TNHH Nestlé Việt Nam tài trợ quà tặng, Quỹ khuyến học Vinacam (Công ty cổ phần Tập đoàn Vinacam) tặng ba laptop cho tân sinh viên đặc biệt khó khăn thiếu thiết bị học tập.

Đây là điểm trao thứ tư trong chương trình "Tiếp sức đến trường" năm 2022 của báo Tuổi Trẻ. Dự kiến chương trình học bổng năm nay dành cho hơn 1.000 tân sinh viên có hoàn cảnh khó khăn cả nước với tổng kinh phí trên 15 tỉ đồng từ sự đóng góp của rất nhiều cá nhân, đơn vị và đông đảo bạn đọc báo Tuổi Trẻ.


Khát khao đến giảng đường của học trò xứ Nghệ - Ảnh 6.

Đồ họa: NGỌC THÀNH

tt3

Theo Doãn Hòa/ Báo Tuổi trẻ

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây