Một chuyến đi có thể vắt kiệt sức của những người phóng viên
Sự việc nhà báo Grant Wahl - phóng viên người Mỹ qua đời ngay tại thời điểm anh đang đưa tin tức tại World Cup 2022 khi vừa mới qua sinh nhật tuổi 48 đã gây ra những dư chấn lo lắng trong làng báo. Nhiều người cảm thấy choáng váng với hình ảnh Wahl gục xuống trên lô báo chí của khán đài sân Lusail khi đang theo dõi trận Hà Lan - Argentina. Nguyên nhân cái chết của anh được cho là một cơn đau tim.
Nhiều đồng nghiệp quốc tế, báo chí thế giới cũng đã viết về cái chết đột ngột này của Wahl, một trong những nhà báo thể thao nổi tiếng nhất của Mỹ. World Cup 2022 là giải World Cup thứ 8 mà Wahl tham gia đưa tin, làm phóng sự. Anh tham gia World Cup đầu tiên năm 1994 ở Mỹ, sau đó viết cho các tạp chí bóng đá, viết sách và là một gương mặt truyền hình uy tín.
“5 ngày trước khi mất, Grant Wahl, hiện đang làm việc cho kênh CBS Sports của Mỹ, đã viết thế này sau khi cảm thấy không khoẻ và đến khám ở trung tâm y tế của MMC: “Cơ thể của tôi đã làm tôi gục ngã. 3 tuần ngủ rất ít, stress rất nhiều và quá nhiều công việc có thể khiến cho cơ thể bạn như thế”. Trên thực tế, những gì mà Wahl đã trải qua trước khi mất cũng chính là cảm giác của mình và rất nhiều đồng nghiệp, những người đang hướng tới tuần thứ 4 ở Qatar này”, nhà báo Trương Anh Ngọc - Thông tấn xã Việt Nam tác nghiệp World Cup đã viết trên Facebook của mình ngay trong lúc anh vẫn còn đang tác nghiệp tại Qatar.
Câu chuyện chia sẻ của nhà báo Trương Anh Ngọc rất cảm động, anh bảo rằng, làm báo, nhất là làm báo ở các kỳ World Cup hay EURO kéo dài cả tháng không hề lãng mạn. Rất vất vả, mệt mỏi, stress vì khối lượng công việc lớn là chuyện thường xuyên xảy ra với phóng viên, nhiều trong số này có mặt ở MMC lúc 8 hoặc 9 giờ sáng và có những lần 1,2 giờ sáng mới xong công việc để trở về nhà. Và hôm sau, guồng quay ấy lại tiếp tục, trong vòng một tháng. Họ là phóng viên truyền hình, là nhà báo viết, làm phát thanh mà nhờ lòng yêu nghề mà tất cả cùng vượt qua để chiến đấu. Một nhà báo, xét cho cùng, không chỉ cần yêu nghề mà cần phải khoẻ để làm việc và đi liên tục, để chống chọi lại những áp lực kinh khủng của công việc. Có tới 17 nghìn nhà báo từ khắp nơi trên thế giới đến Qatar tác nghiệp ở World Cup 2022 này.
“Có lần một người bạn của mình bảo, ông đi như thế mà có ngày viết ít nhỉ, mình cười, bảo bạn, ông có biết rằng, để có những bài viết như thế, tôi phải vật vã câu chữ và đi lại, tiếp xúc nhiều đến thế nào mới ra được một bài viết không? Ngồi một chỗ tưởng tượng về công việc này và thiếu hiểu biết về nó sẽ nghĩ thật đơn giản, nhưng ở trong nghề nhiều năm rồi mới hiểu, một chuyến đi thế này có thể vắt kiệt sức của những người phóng viên, thậm chí dẫn đến những cái chết, như của Wahl. Nhưng bọn mình chưa từng nghĩ đến việc bỏ cuộc” - nhà báo Trương Anh Ngọc chia sẻ.
Và ngay cả đến lúc này, nhà báo Trương Anh Ngọc cũng vẫn còn rất nhiều tâm sự khi nhắc về câu chuyện của người đồng nghiệp: “Những câu chuyện như của Grant Wahl thực ra khiến mình suy nghĩ nhiều, nhưng đã chọn đi con đường này là phải chấp nhận và dấn thân đến cùng với nó. Sau chuyến đi này, mình còn nhiều chuyến đi nữa trước mắt, nhiều World Cup và EURO nữa, thậm chí có thể cho đến tuổi nghỉ hưu. Nhưng mình sẽ làm tất cả để sau mỗi chuyến như thế có thể trở về nhà”.
Mới đây, cuộc chiến Nga - Ukraine, tình trạng hỗn loạn ở Haiti và bạo lực gia tăng của các nhóm tội phạm ở Mexico đã góp phần làm tăng đột biến số lượng nhà báo thiệt mạng khi đang tác nghiệp vào năm 2022, theo một báo cáo mới được công bố hôm thứ Sáu (9/12). Liên đoàn Nhà báo Quốc tế (IFJ) cho biết 67 nhà báo và nhân viên truyền thông đã bị sát hại trên khắp thế giới trong năm nay, tăng so với con số 47 vào năm ngoái.
Phóng viên hiện trường là phải ra hiện trường
Quả thực, không dấn thân, không tâm huyết, không tinh thông thật khó phát hiện, phản ánh đúng và sâu những cái xã hội quan tâm. Và để làm được điều đó, đôi khi nhà báo phải trả bằng giá đắt, rất đắt; đó là sự an toàn tính mạng của mình hay của cả người thân, gia đình.
Ở Việt Nam, không thiếu những trường hợp muốn có thông tin đắt giá, phóng viên phải dấn thân, cải trang xâm nhập thực tế để có được thông tin sống động. Có phóng viên làm hồ sơ xin việc ở nhà máy, xí nghiệp để làm công nhân. Viết về nghề chạy xe ôm, PV phải đóng vai tài xế xe ôm. Muốn nắm bằng chứng cảnh sát giao thông mãi lộ như thế nào, có phóng viên phải nhiều ngày lân la làm quen với các bác tài xế đường dài và xin cho được một vai “lơ xe” để chứng kiến và quay phim, chụp ảnh các cảnh “làm tiền” của cảnh sát giao thông. Đặc biệt với những nhà báo điều tra, phanh phui các tệ nạn tham nhũng, tiêu cực - mối nguy luôn rình rập những người cầm bút…
Vào thời điểm cuối tháng 9, trên các trang mạng xã hội liên tục chia sẻ hình ảnh tác nghiệp của các phóng viên VTV tại nơi bão số 4 đổ bộ. Trong đó, đặc biệt có hình ảnh phóng viên Diệu Quỳnh của Trung tâm THVN khu vực miền Trung - Tây Nguyên (VTV8) trên các bản tin trực tiếp. Với sức gió mạnh khủng khiếp, chị Diệu Quỳnh đã không thể đứng vững, song, chị vẫn rất nỗ lực để có thể cập nhật thông tin mới nhất, chân thực nhất tới khán giả từ vùng tâm bão.
Chị Diệu Quỳnh chia sẻ, chị đã công tác ở VTV8 10 năm rồi, đó không phải lần đầu tiên làm về bão, vì là ở miền Trung nên chị và đồng nghiệp đã được tôi luyện rất nhiều năm tác nghiệp trong bão. Ê-kíp làm trực tiếp gồm 1 quay phim, 1 kỹ thuật, 1 phóng viên và 1 trợ lý hiện trường. Thông thường khi làm live sẽ không có trợ lý hiện trường, nhưng đối với những hoàn cảnh mưa bão, thì sẽ có một người làm trợ lý quan sát, đánh giá bối cảnh, hỗ trợ cho phóng viên khi dẫn giúp giữ an toàn cho toàn bộ ê-kíp.
“Là phóng viên phòng Tin tức - VTV8, tôi nhận nhiệm vụ đưa tin về công tác ứng phó bão số 4 tại Đà Nẵng. Xuyên đêm 27 đến sáng 28/9, tôi đã thực hiện 5 cuộc live trực tiếp cho các bản tin bão của VTV1 và VTV8. Thời điểm 4h sáng - lúc tâm bão đổ bộ, tôi nối live với VTV1, dẫn hiện trường cập nhật tình hình thời tiết cũng như những thiệt hại ban đầu tại vùng tâm bão. Mưa to, gió giật khiến việc tác nghiệp vô cùng khó khăn, đồng nghiệp đã đưa tay ra kéo tôi ngay trên sóng vì lo sợ tôi bị gió thổi bay. Khi gió giật không thể đứng vững, tôi bám trụ vào lan can bên cạnh, cố gắng chuyển tải hết thông tin mình có đến khán giả. Thực sự, đối với tôi, đó là một khoảnh khắc không thể quên trong những lần tác nghiệp bão lũ ở miền Trung”, phóng viên Diệu Quỳnh nhớ lại.
Diệu Quỳnh quan niệm bản chất của báo chí là sự chân thật, tất cả những phóng viên, nhà báo chân chính phải có mặt ở hiện trường để đưa tin tức đến công chúng. Ở đó, bằng kinh nghiệm của người làm báo đánh giá hiện trường để xác định cách tác nghiệp như thế nào. “Nhiều người nói có cần thiết phải bất chấp nguy hiểm ra ngoài mưa bão hay không? Tôi khẳng định là phóng viên hiện trường là phải ra hiện trường đưa tin tức chân thực và đúng với bối cảnh lúc bấy giờ - đó là điều bắt buộc”, Diệu Quỳnh chia sẻ.
Sau những lần tác nghiệp như vậy, Diệu Quỳnh nhớ nhất là tình cảm của anh em đồng nghiệp. Trong những lúc khó khăn nhất anh em luôn hỗ trợ động viên nhau, cùng nhau hoàn thành một sản phẩm báo chí. Ở một khung cảnh mưa gió bão bùng nhưng ấm lên tình đồng nghiệp. Niềm vui được nhân lên hơn nữa khi sau những vất vả, bản tin được công chúng đón nhận và chia sẻ.
Có thể nói, phía sau sự dấn thân là những hiểm nguy luôn chờ chực họ. Sự lựa chọn của các nhà báo đích thực là chấp nhận và vượt lên để làm tròn thiên chức của người cầm bút. Nhà báo nào thấm thía và làm được điều đó chắc chắn sẽ chiếm được niềm tin của bạn đọc.
Phan Hoà Giang/Nhà báo & Công luận