Thứ năm, 21/11/2024, 10:57

Giá trị cốt lõi của báo chí chính là câu chuyện của kiến tạo và giải pháp

Ngày 21/12, Tạp chí Thông tin & Truyền thông thuộc Bộ Thông tin & Truyền thông tổ chức Hội thảo “Báo chí kiến tạo - Kinh nghiệm thế giới và áp dụng ở Việt Nam”. Hội thảo có sự tham gia của đại diện lãnh đạo cơ quan báo chí, cơ quản lý Nhà nước, các chuyên gia truyền thông báo chí, doanh nghiệp.

Để báo chí lấy lại niềm tin của công chúng

Phát biểu đề dẫn Hội thảo “Báo chí kiến tạo” do Tạp chí Thông tin và Truyền thông tổ chức, nhà báo Nguyễn Văn Bá, Tổng biên tập Báo VietNamNet đã trích dẫn thông điệp đặc biệt mà Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) Nguyễn Mạnh Hùng đã đặt ra cho các cơ quan báo chí: “Báo chí muốn đổi mới thì phải tìm về những giá trị cốt lõi của báo chí cách mạng: Xác thực, dẫn dắt, tiên phong, đổi mới, dấn thân. Giữ cái bất biến ấy để ứng vạn biến. Muốn đi xa thì càng phải về gần”.

Tuy nhiên, theo nhà báo Nguyễn Văn Bá, trên thực tế, trước sức ép từ truyền thông xã hội, công nghệ, một số tờ báo, nhà báo có biểu hiện “đánh mất mình”. Thời gian gần đây, trên một số tờ báo tràn lan những thông tin tiêu cực về kinh tế, vụ án hay những vụ học sinh tự tử. Những thông tin này không phải là “fake news” (tin giả) và bạn đọc phần nào đó cũng cần được thông tin về những vụ việc này.

gia tri cot loi cua bao chi chinh la cau chuyen cua kien tao va giai phap hinh 1

Hội thảo “Báo chí kiến tạo - Kinh nghiệm thế giới và áp dụng ở Việt Nam” có sự tham gia của đại diện lãnh đạo cơ quan báo chí, cơ quản lý nhà nước, các chuyên gia truyền thông báo chí, doanh nghiệp...

“Vấn đề là liều lượng thông tin tiêu cực quá nhiều tạo nên bức tranh xã hội không tươi sáng, chưa phản ánh thực tế cuộc sống”, Tổng biên tập Báo VietNamNet nhấn mạnh và cho biết, từ thực tế đó, tại nhiều cơ quan báo chí nước ngoài và tại Việt Nam, xu hướng “báo chí giải pháp” (solutions journalism), "báo chí truyền cảm hứng” (inspirational journalism) hay tin tức kiến tạo (constructive news) đã và đang chiếm ưu thế.

Với mục đích cung cấp những vấn đề lý luận cũng như thực tiễn về các xu hướng “Báo chí kiến tạo” trên thế giới cũng như việc áp dụng tại Việt Nam; đồng thời làm rõ những nội dung xung quanh mô hình “Báo chí kiến tạo”, Hội thảo “Báo chí kiến tạo”, do Tạp chí Thông tin và Truyền thông tổ chức tập trung phân tích thực chất của “Báo chí kiến tạo”; gợi mở về báo chí kiến tạo cho các cơ quan báo chí Việt Nam; cách thức hạn chế khuynh hướng thông tin tiêu cực trong báo chí và giải pháp để báo chí lấy lại niềm tin của công chúng (đặc biệt là giới doanh nghiệp, doanh nhân).

gia tri cot loi cua bao chi chinh la cau chuyen cua kien tao va giai phap hinh 2

Nhà báo Nguyễn Văn Bá, Tổng biên tập Báo VietNamNet.

Chia sẻ tại Hội thảo, bà Mai Hương Giang, Phó Cục trưởng Cục Báo chí (Bộ TT&TT) cho biết: “Chúng tôi rất muốn tham dự những sự kiện như thế này để lắng nghe các ý kiến trao đổi của các cơ quan báo chí. Trong các hội nghị giao ban báo chí chúng tôi vẫn có đánh giá về tin tức tích cực và tiêu cực, chúng tôi có hệ thống đo quét… Trong đó có nói rõ những chủ đề nổi bật, những vấn đề đang được báo chí dư luận quan tâm nhiều nhất, nêu được bài viết được chia sẻ nhiều nhất và thông thường là những bài viết về tiêu cực. Qua công tác đo quét, chúng tôi nhận thấy, báo chí giải pháp hay báo chí kiến tạo sẽ giúp ích rất lớn cho công tác quản lý và là những câu chuyện xã hội cần”.

Lãnh đạo Cục Báo chí cũng thông báo, Bộ trưởng Bộ TT&TT đã đồng ý với đề xuất của Cục Báo chí về việc cho phép xây dựng Trung tâm hỗ trợ chuyển đổi số báo chí. Trung tâm sẽ kết hợp với các công ty công nghệ, các cơ quan quản lý hỗ trợ cơ quan báo chí trong việc chuyển đổi số, để từ đó tạo ra nguồn thu và kinh tế báo chí.

Hướng tới một mục tiêu chung về một xã hội phát triển tốt đẹp hơn

Ông Đậu Anh Tuấn, Phó Tổng thư ký kiêm Trưởng Ban pháp chế VCCI cho rằng: Báo chí là kênh quan trọng để phổ biến ý tưởng, dự thảo chính sách, pháp luật trên diện rộng, “đánh động” doanh nghiệp và cộng đồng về những ý tưởng, dự thảo chính sách, pháp luật có thể ảnh hưởng đến hoạt động của họ để từ đó doanh nghiệp và cộng đồng quan tâm góp ý cho các dự thảo hoặc ít nhất cũng có sự chuẩn bị cho kế hoạch kinh doanh trong tương lai của mình.

gia tri cot loi cua bao chi chinh la cau chuyen cua kien tao va giai phap hinh 3

Ông Đậu Anh Tuấn, Phó Tổng thư ký kiêm Trưởng ban pháp chế VCCI.

Nhận định báo chí đang đóng góp quan trọng trong cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh nhưng báo chí cũng có thể đang làm môi trường đầu tư và kinh doanh rủi ro hơn và đắt đỏ hơn, ông Tuấn mong ước rằng doanh nghiệp và báo chí là hai đối tác quan trọng của nhau.

“Báo chí cần thông tin, doanh nghiệp cần diễn đàn. Cả hai đối tác hướng tới một mục tiêu chung về một xã hội phát triển tốt đẹp hơn. Thậm chí mong ước có được những quỹ đấu tranh bảo vệ quyền tự do ngôn luận, quỹ dành cho những phóng viên điều tra xuất sắc mà doanh nghiệp chung tay đóng góp”, ông Tuấn thông tin.

Theo nhà báo Lê Thị Bích Ngọc - Tổng biên tập báo Lao động Thủ đô đánh giá: Liệu rằng có để ngưỡng 10% tin tiêu cực hay không, tôi thấy rằng đây là một gợi ý hay, nhưng cần đánh giá đúng như thế nào là tin tiêu cực, chúng ta phải xác định rõ ở góc độ nghiệp vụ báo chí. Việc xây dựng một khung tiêu chí rõ ràng thế nào là tin tức báo chí tích cực và tiêu cực? phân biệt nó với chức năng giám sát và phản biện của báo chí.

Sẽ có câu chuyện doanh nghiệp, hay các tổ chức cá nhân không hài lòng với báo chí, vẫn coi báo chí là rủi ro vì báo chí có chức năng giám sát toàn bộ tiến trình các vấn đề xã hội. Không ai thích việc chịu sự giám sát như vậy, nhưng giám sát như thế nào, phản biện như thế nào, tính tích cực, tính xây dựng, tính giải pháp của báo chí mới chính là vấn đề.

gia tri cot loi cua bao chi chinh la cau chuyen cua kien tao va giai phap hinh 4

Các đại biểu chia sẻ nhiều ý kiến tại hội thảo.

“Điều quan trọng người làm báo phải có suy nghĩ, một tư duy tỉnh táo trong mọi hoàn cảnh khi đưa tin, viết bài, người làm báo phải đảm bảo tính khách quan trong việc đưa thông tin, tính tích cực khi đưa một nội dung thông tin cho dù nội dung thông tin đó nói về cá nhân, tổ chức, vụ việc xấu… người dân, bạn đọc cũng cần được phản hồi về bài báo, vì thế cần có cơ chế để tiếp nhận thông tin phản hồi một cách khéo léo, nếu làm được điều đó chúng ta mới lấy lại được niềm tin của công chúng với báo chí”, nhà báo Lê Thị Bích Ngọc phân tích thêm.

Giá trị cốt lõi của báo chí chính là câu chuyện của kiến tạo và giải pháp

Phát biểu tại Hội thảo, nhà báo Trần Lan Anh - Phó Tổng biên tập phụ trách Báo Nhà báo & Công luận cho biết: "Chúng tôi vẫn thường nói rằng, lối đi ngay dưới chân mình, tờ báo nào cũng có thị trường ngách để chúng ta có thể phát triển. Vì thế, thời gian vừa qua, Báo Nhà báo & Công luận luôn cố gắng nâng cao chất lượng nội dung, tập trung đầu tư nội dung và hình thức vào những số báo đặc biệt trong năm và nguồn thu cũng có từ đó". 

Rất tâm đắc với chủ đề của hội thảo về báo chí kiến tạo, báo chí giải pháp, nhà báo Trần Lan Anh cho rằng: "Đây không phải khái niệm mới, xa lạ mà giá trị cốt lõi của báo chí chính là câu chuyện của kiến tạo và giải pháp. Không có giải pháp thì một bài báo sẽ không có giá trị gì cả. Có được thông tin trong thời điểm đó nhưng nếu không đưa ra được những giải pháp, không có quan điểm, góc nhìn thì bài báo đó, câu chuyện đó sẽ nhanh lẫn với rất nhiều các tờ báo khác... Đồng thời, câu chuyện báo chí kiến tạo, báo chí giải pháp còn là để chúng ta vượt qua ám ảnh của tin tức tiêu cực".

Về vấn đề nhuận bút, Phó Tổng biên tập phụ trách Báo Nhà báo & Công luận cho rằng, tờ báo luôn cố gắng trong khả năng có thể để hỗ trợ những loạt bài, những bài báo công phu mà phóng viên, nhóm phóng viên dấn thân và đầu tư công sức, chất xám nhằm động viên, khuyến khích phóng viên có được các sản phẩm ưng ý nhất trong thời điểm còn cân nhắc về thu nhập về tài chính của cơ quan.

gia tri cot loi cua bao chi chinh la cau chuyen cua kien tao va giai phap hinh 5

Nhà báo Lê Trọng Minh - Tổng biên tập Báo Đầu tư phát biểu

Còn theo nhà báo Lê Trọng Minh - Tổng biên tập Báo Đầu tư: Chúng ta tự hỏi thế nào là thông tin tiêu cực, thế nào là thông tin phản ánh? Điều này còn do góc nhìn, do nhận thức của nhiều người trong xã hội. Bàn về câu chuyện thông tin tiêu cực và tích cực cần xác định rõ ràng hơn, chúng ta làm các thông tin tiêu cực vì mục tiêu tích cực… Ở đây có hai cách nhìn, cách nhìn từ các cơ quan báo chí và cách nhìn của công chúng, ai cũng muốn chứng minh là mình đúng, dẫn đến những tranh luận không có hồi kết.

“Mỗi bài viết của chúng tôi không đặt nặng vấn đề view là bao nhiêu mà quan trọng là những bài viết được thực hiện và đạt được những mục tiêu mà tòa soạn đề ra, nó tác động đến nhóm đối tượng nào theo mục đích của bài viết và kết quả của nó giải quyết được vấn đề gì… Về nguyên tắc, người viết cũng cần kiềm chế cảm xúc, vì người làm báo cũng là con người của xã hội, cũng dễ có cảm xúc thái quá cho một vấn đề nào đó...”, nhà báo Lê Trọng Minh chia sẻ thêm.

Lê Tâm - Sơn Hải/Nhà báo & Công Luận


 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây