Thứ sáu, 22/11/2024, 00:26

Hơn 24 nghìn giáo viên Nghệ An được xếp lương mới

Thực hiện Thông tư số 01, 02, 03 của Bộ GD&ĐT, Nghệ An có hơn 24.000 giáo viên mầm non, tiểu học và THCS được bổ nhiệm, chuyển xếp lương mới.

UBND tỉnh Nghệ An vừa có Quyết định số 4156 về việc giải quyết kinh phí để thực hiện chi trả một số chế độ chính sách sự nghiệp giáo dục năm 2022 cho các huyện, thành thị. Tổng số tiền là hơn 167 tỷ đồng.

Cụ thể trích ngân sách tỉnh năm 2022 từ nguồn phân bổ sau sự nghiệp giáo dục khối huyện là 47 tỷ đồng. Giao cho UBND các huyện, thành, thị sử dụng nguồn kinh phí cải cách tiền lương hiện có để chi trả các chính sách, lương giáo viên với số tiền gần 120 tỷ đồng. Trong đó có hơn 114 tỷ là kinh phí thực hiện chuyển xếp lương giáo viên theo Thông tư 01, 02, 03.

Chùm Thông tư 01, 02, 03 của Bộ GD&ĐT quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và bổ nhiệm, xếp lương viên chức giảng dạy trong các cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học, THCS công lập.

Sau gần 1 năm triển khai, các huyện, thành, thị trên địa bàn tỉnh Nghệ An đã có Quyết định về việc bổ nhiệm và xếp lương chức danh nghề nghiệp giáo viên. Qua tổng hợp, trong đợt này, toàn tỉnh có 24.391 giáo viên mầm non, tiểu học và THCS được chuyển xếp lương và bổ nhiệm.

Trong đó, nhiều nhất là huyện Diễn Châu với 2.603 người, Quỳnh Lưu 2.236 người, thành phố Vinh 1.948 người, huyện Yên Thành 1.914 người, Nghi Lộc 1.781 người…

Hơn 24 nghìn giáo viên mầm non, tiểu học, THCS của Nghệ An được xếp lương mới.
Việc bổ nhiệm, xếp lương mới cho viên chức giảng dạy tại cơ sở giáo dục công lập theo Thông tư 01, 02, 03, 04 tăng quyền lợi, thu nhập cho giáo viên.

Tương ứng với hơn 24 nghìn giáo viên sau khi được chuyển xếp lương, toàn tỉnh sẽ cần hơn 144 tỷ đồng để chi trả lương tăng thêm cho giáo viên trong đợt này. Thành phố Vinh là địa phương có nhu cầu kinh phí cao nhất với gần 20 tỷ đồng. Tiếp đó là huyện Kỳ Sơn với hơn 14 tỷ đồng và Yên Thành, Quỳnh Lưu với số tiền hơn 10 tỷ đồng...

Theo lãnh đạo Sở GD&ĐT Nghệ An, việc bổ nhiệm, chuyển xếp lương theo Thông tư số 01, 02, 03 quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và bổ nhiệm, xếp lương viên chức giảng dạy trong các cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học, THCS công lập sẽ tăng quyền lợi, tăng thu nhập cho giáo viên.

Đối với giáo viên tiểu học và THCS, ở hạng II cũ, hệ số lương lương từ 2,34 - 4,9 còn theo hạng II mới là từ 4.0 – 6,35. Giáo viên hạng I, khung hệ số lương từ 4,40 - 6,78. Còn giáo viên hạng III hệ số lương sẽ là 2,34 - 4,98.

Ở bậc mầm non, giáo viên mầm non hạng III, hệ số lương từ 2,1 - 4,89; Giáo viên mầm non hạng II hệ số lương từ 2,34 - 4,98; và giáo viên mầm non hạng 1, được áp dụng hệ số lương từ 4,0 đến 6,38.

Thực tế sau khi bổ nhiệm chức danh nghề nghiệp, xếp lương mới, mỗi giáo viên sẽ có mức tăng hệ số khác nhau. Ví dụ tại huyện Nghi Lộc có 1.778 giáo viên mầm non, tiểu học, THCS được bổ nhiệm chức danh nghề nghiệp và chuyển xếp lương. Số giáo viên Trung tâm DGNN-GDTX là 3 người. Nhưng tổng chênh lệch hệ số là 315,53. Tổng kinh phí chênh lệch sau khi xếp lương mới là hơn 4, 7 tỷ đồng. Vì vậy có huyện số giáo viên được bổ nhiệm chức danh nghề nghiệp, xếp lương mới cao, nhưng kinh phí lương chênh lệch lại không lớn bằng địa phương khác. 

Giờ học của cô trò Trường THCS Hưng Hòa, TP Vinh, Nghệ An.
Giờ học của cô trò Trường THCS Hưng Hòa, TP Vinh, Nghệ An.

Ngoài bổ nhiệm vị trí, xếp lương cho giáo viên mầm non, tiểu học và THCS các huyện, thành, thị, Sở GD&ĐT Nghệ An cũng trình danh sách hơn 1.500 giáo viên THPT đến Sở Nội vụ để ra quyết định bổ nhiệm nâng hạng theo Thông tư 04.

Trước đó, năm 2022, Nghệ An được phê duyệt 1.512 chỉ tiêu giáo viên THPT hạng II. Theo thông tin từ Sở GD&ĐT, sau khi công bố, Sở nhận được 1.767 hồ sơ của giáo viên 90 trường THPT và các trung tâm GDTX, GDNN – GDTX trên địa bàn. Ngành giáo dục đã triển khai xét thăng hạng giáo viên THPT và chuyển hồ sơ đến Sở Nội vụ.

Tháng 2/2021, Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành các Thông tư quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và bổ nhiệm, xếp lương viên chức giảng dạy trong các cơ sở giáo dục công lập: Mầm non (số 01/2021/TTBGDĐT), Tiểu học (số 02/2021/TT-BGDĐT), Trung học cơ sở (số 03/2021/TTBGDĐT), Trung học phổ thông (số 04/2021/TT-BGDĐT).

Theo quy định, Giáo viên được đăng ký dự thi hoặc xét thăng hạng lên chức danh nghề nghiệp cao hơn liền kề khi có đủ các tiêu chuẩn, điều kiện như:

Cơ sở giáo dục có nhu cầu và được người đứng đầu cơ quan có thẩm quyền quản lý cử đi dự thi hoặc xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp.

Được xếp loại chất lượng ở mức hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên trong năm công tác liền kề, trước năm dự thi hoặc xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp; có phẩm chất chính trị, đạo đức nghề nghiệp tốt; không trong thời hạn xử lý kỷ luật, không trong thời gian thực hiện các quy định liên quan đến kỷ luật viên chức quy định tại Điều 56, Luật Viên chức được sửa đổi, bổ sung tại Khoản 8, Điều 2, Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức.

Đã được bổ nhiệm chức danh nghề nghiệp giáo viên mầm non, tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông phù hợp với vị trí việc làm đang đảm nhận.

Đáp ứng tiêu chuẩn về trình độ đào tạo, bồi dưỡng và tiêu chuẩn về năng lực chuyên môn, nghiệp vụ của hạng đăng ký dự thi hoặc xét thăng hạng theo quy định hiện hành về tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên do Bộ GD&ĐT ban hành.


Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây